Thứ Bảy, 29/08/2009 06:24

Xúc tiến đầu tư vào vùng Tây Nguyên: Đánh thức những tiềm năng

Nằm ở phía tây và tây nam nước ta, trên cao nguyên, bao quát cả một vùng rộng lớn, Tây Nguyên vì thế trở thành địa bàn đặc biệt quan trọng đối với việc phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng – an ninh của đất nước.

Bao gồm 5 tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Đăk Lăk, Đăk Nông và Lâm Đồng - Tây Nguyên là vùng giàu có về tài nguyên thiên nhiên, nhất là tài nguyên rừng và khoáng sản … Tuy nhiên, sự phát triển của vùng đất này vẫn chưa thực sự bền vững, chưa xứng với những tiềm năng và lợi thế vốn có. Từ thực tế này, được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, ngày 5/9/2009, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên tổ chức “Diễn đàn xúc tiến đầu tư vào vùng Tây Nguyên”. Đây sẽ là cơ hội tốt để các cơ quan quản lý, các địa phương và nhà đầu tư chia sẻ khó khăn, nguyện vọng cũng như những chính sách ưu đãi thu hút đầu tư hiệu quả vào Tây Nguyên.

Sức mạnh của Tây Nguyên

Tây Nguyên là vùng đất có bản sắc văn hóa rất đặc biệt, độc đáo và đa dạng. Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đã được UNESSCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới. Đồng bào các dân tộc Tây Nguyên có truyền thống đoàn kết, đấu tranh cách mạng kiên cường; đã tích cực tham gia, đóng góp sức người, sức của cho sự nghiệp cách mạng chung của cả nước.

Với diện tích tự nhiên 5,4 triệu ha, trong đó có 1,36 triệu ha đất đỏ bazan (chiếm tới 66% diện tích đất bazan toàn quốc), vùng đất Tây Nguyên rất thuận lợi để phát triển cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao, theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, tập trung chuyên canh. Dân số toàn vùng khoảng 4,8 triệu người, trong đó khoảng 1,5 triệu người là đồng bào dân tộc thiểu số, thuộc 47 dân tộc.

Sau 20 năm đổi mới, kinh tế – xã hội Tây Nguyên đã đạt được những thành tựu quan trọng, phát triển khá toàn diện và đã chuyển mạnh sang sản xuất hàng hóa. Kinh tế tăng trưởng ở mức khá cao và liên tục, mức tăng GDP bình quân năm giai đoạn 2001 – 2005 đạt 10,05%.

Sự giàu có về tài nguyên, con người cần cù cộng với điều kiện tự nhiên đa dạng đã tạo cho Tây Nguyên những tiềm năng, thế mạnh trong phát triển, đặc biệt là những lợi thế về phát triển nông nghiệp, du lịch. Hiện nay, Tây Nguyên đã hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa với các sản phẩm đặc thù như: cà phê, cao su, hồ tiêu,... và hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật bước đầu được xây dựng, phục vụ cho phát triển kinh tế – xã hội của vùng.

Lâm nghiệp Tây Nguyên có bước chuyển hướng quan trọng, từ khai thác gỗ rừng tự nhiên là chính sang trồng mới, khoanh nuôi, giao khoán bảo vệ rừng, gắn khai thác với chế biến theo kế hoạch. Độ che phủ của rừng tăng rõ rệt.

Sản xuất công nghiệp tập trung vào khai thác thế mạnh của vùng, hình thành một số ngành công nghiệp mới, góp phần làm thay đổi bộ mặt Tây Nguyên. Nổi bật là thủy điện, chế biến nông – lâm sản. Công nghiệp khai thác quặng và chế biến nhôm đang khẩn trương hoàn thành các thủ tục để đầu tư khai thác và sản xuất theo quy mô công nghiệp.

Kết cấu hạ tầng phát triển khá nhanh đã tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế – xã hội của vùng, hoạt động giao lưu với các tỉnh Đông Nam bộ, TP. Hồ Chí Minh, Duyên hải miền Trung, với Lào và Campuchia cũng thuận lợi hơn. Hầu hết các tuyến đường giao thông chính trên địa bàn đã được cải tạo, chất lượng được cải thiện đáng kể. Các sân bay được nâng cấp và tăng thêm chuyến bay đến một số thành phố lớn trong nước. Giao thông nông thôn tiếp tục phát triển, 100% các trung tâm cụm xã, 99,85% số xã đã có đường ô tô đến trung tâm…

Khó khăn và tồn tại

Đánh giá về những khó khăn cũng như bất cập của Tây Nguyên, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, cho rằng: “Việc phát triển kinh tế của Tây Nguyên còn tự phát, chưa theo quy hoạch, kế hoạch và nhiều mặt còn thiếu ổn định, thiếu vững chắc. Chậm áp dụng tiến bộ khoa học và công nghệ mới vào sản xuất nên năng suất, chất lượng và hiệu quả còn thấp. Phát triển văn hóa, xã hội và cải thiện đời sống nhân dân chưa tương ứng với phát triển kinh tế.

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch còn chậm, tỉ trọng công nghiệp, dịch vụ trong GDP còn thấp (52% trong GDP). Chất lượng công tác quy hoạch, kế hoạch chưa cao, chưa gắn kết tốt giữa phát triển sản xuất nông nghiệp với công nghiệp chế biến và thị trường, thiếu bền vững, ảnh hưởng môi trường sinh thái. Việc khai thác quặng bauxit nhôm và phát triển công nghiệp nhôm, mặc dù tiềm năng lớn, nhưng triển khai còn chậm. Thu ngân sách còn thấp, mới đáp ứng được 32% dự toán chi của địa phương. Các hình thức quan hệ sản xuất trong nông, lâm nghiệp chưa theo kịp yêu cầu phát triển sản xuất hàng hóa lớn, cần phải được tổ chức sắp xếp lại. Kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, đặc biệt là thủy lợi.

Phát triển kinh tế chưa gắn kết hợp tốt với giải quyết các vấn đề xã hội, tình trạng di dân tự do, chặt phá rừng, việc sang bán đất đai không đúng pháp luật chưa được xử lý và ngăn chặn có hiệu quả. Phân hóa giàu nghèo diễn ra nhanh, đời sống của một bộ phận không nhỏ đồng bào các dân tộc tại chỗ vẫn còn nhiều khó khăn, nhất là vùng sâu, vùng xa...”.

Đề cập tới vấn đề này, mới đây, tại cuộc gặp gỡ các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp khu vực Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đầu tư vào Tây Nguyên, một số ý kiến đại biểu cũng cho rằng, hạn chế lớn nhất của các tỉnh Tây Nguyên trong việc thu hút đầu tư đó chính là hạ tầng cơ sở và yếu tố nhân lực. Nằm cách các trung tâm thành phố lớn, các khu vực trọng điểm kinh tế khá xa, tuy hệ thống giao thông đã được đầu tư từ nhiều năm nay, song vẫn còn nhỏ, chưa đảm bảo được sự thuận lợi cho các phương tiện vận chuyển hàng hóa, nhất là phục vụ cho các dự án đầu tư lớn. Về yếu tố con người, hầu hết các nhà đầu tư cũng thừa nhận, các tỉnh Tây Nguyên phải có sự đầu tư hơn nữa về vấn đề đào tạo nhân lực, ngay trước mắt là lao động phổ thông. Để ưu tiên giải quyết, tạo công ăn việc làm cho địa bàn có đất nằm trong diện giải phóng mặt bằng của dự án, các nhà đầu tư cũng có chính sách thu hút nhân công tại chỗ. Tuy nhiên, phần lớn rất khó thực hiện bởi lao động không đáp ứng được yêu cầu công việc.

Công Thương

Các tin tức khác

>   Liên Tỉnh lộ 25B oằn mình gánh thêm xe (29/08/2009)

>   Xuất khẩu sắn tăng đột biến - Mừng nhiều, lo càng nhiều (29/08/2009)

>   KT-XH 8 tháng đầu năm: bán lẻ và dịch vụ đạt mức tăng khá (29/08/2009)

>   Doanh nghiệp Thái tìm đối tác tại Việt Nam (29/08/2009)

>   Giải thể hợp tác xã chỉ tồn tại trên danh nghĩa (28/08/2009)

>   Lần đầu hạ thủy tàu chuyên dụng chở ethylene (28/08/2009)

>   Thủ tướng phê duyệt dự án cấp bách về kinh tế (28/08/2009)

>   Saigon Co.op chi hơn 40 tỷ đồng cho “Tự hào hàng Việt” (28/08/2009)

>   Sản xuất phân bón giả có thể bị phạt tới 500 triệu đồng (28/08/2009)

>   Hà Nội dừng 11 dự án đầu tư sân gôn (28/08/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật