Xuất khẩu sắn tăng đột biến - Mừng nhiều, lo càng nhiều
Trong lúc mặt hàng gỗ chế biến và thủy sản xuất khẩu lần lượt sụt giảm 18,08% và 9,49% so với 7 tháng cùng kỳ năm rồi, thì hàng nông sản lại có phần khởi sắc hơn. Ngoài lúa gạo đạt khoảng 1 tỷ USD, mặt hàng gây nhiều bất ngờ nhất đến thời điểm này là sắn (khoai mì).
Hiện sắn đang là một trong những mặt hàng được nước ngoài tìm mua nhiều nhất trên các trang thương mại điện tử, hơn cả mặt hàng gạo. Vì không chỉ để làm nguyên liệu thức ăn chăn nuôi mà còn là nguyên liệu để cho các nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học.
Đến nay, cả nước xuất khẩu khoảng 2,7 triệu tấn sắn và tinh bột sắn với kim ngạch trên 408 triệu USD (tăng 4,4 lần về lượng và 2,8 lần về giá trị cùng kỳ năm 2008). Các chuyên gia dự báo, năm nay cả nước có thể xuất 4,6-5 triệu tấn sắn (kể cả lượng sắn từ cuối năm ngoái chuyển sang), kim ngạch có thể lên đến 800 triệu USD. Một con số rất có ý nghĩa trong bối cảnh hiện nay.
Nhưng việc tăng kim ngạch xuất khẩu đột biến của mặt hàng sắn và việc Bộ Công thương đưa cây sắn và các sản phẩm chế biến từ sắn vào nhóm mặt hàng xuất khẩu chủ lực gây ra những suy nghĩ khác nhau.
Mừng, vì mang lại kim ngạch xuất khẩu cao cho đất nước, nhất là trong bối cảnh kinh tế gặp nhiều khó khăn, xuất khẩu bị suy giảm. Lo, vì để đảm bảo về cân bằng sinh thái, diện tích trồng sắn chỉ nên khoảng 400.000ha, nhưng con số này đã trên 500.000ha (năm 2005 mới là 270.000 ha), tức đã vượt 135.000ha so với quy hoạch đến năm 2010 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và dự báo diện tích có thể tăng thêm khi giá sắn cao như hiện nay.
Thực tế này đã mang lại những mối lo không nhỏ, trước hết là nguy cơ tái diễn tình trạng phát triển ồ ạt diện tích trồng sắn, kể cả việc phá rừng lấy đất trồng sắn.
Theo Cục Trồng trọt, kế hoạch năm nay vùng Tây Nguyên trồng khoảng 95.000ha sắn, nhưng người dân ở đây đã xuống giống 119.600ha sắn, nhiều nhất là Gia Lai 16.000ha, Kon Tum trên 5.000ha… Sự phát triển quá nhanh và tự phát diện tích sắn đã làm phá vỡ quy hoạch nhiều loại cây trồng khác ở các tỉnh, đặc biệt là vùng Đông Nam bộ và Tây Nguyên.
Điều này khiến cho nhiều nhà máy đường trong vùng thiếu mía nguyên liệu chế biến, vì cây sắn lấn sang diện tích cây mía, thậm chí được trồng ngay trước nhà máy đường Bourbon Tây Ninh! Đó còn là nguy cơ làm nghèo đất do suy giảm chất dinh dưỡng trên đất trồng sắn. Không phải ngẫu nhiên mà Thái Lan, nước gần và có điều kiện thổ nhưỡng tương tự Việt Nam không xem sắn là cây trồng chính.
Sự lo ngại không dừng lại ở đó, số nhà máy và cơ sở chế biến thủ công cũng sẽ tăng nhanh theo diện tích sắn mở rộng. Đã có khoảng 60 nhà máy chế biến tinh bột sắn quy mô công nghiệp (công suất 2,5 triệu tấn sắn tươi). Bên cạnh đó là hàng ngàn cơ sở chế biến sắn nằm rải rác vùng nguyên liệu.
Các nhà máy và cơ sở chế biến này đang gây ra những tác động không nhỏ đến môi trường ở nhiều vùng nông thôn, nhất là các tỉnh có diện tích trồng sắn lớn như Tây Ninh, Bình Phước… Nước thải của các nhà máy chế biến sắn thường có mùi hôi thối nồng nặc và tác động xấu đến môi trường xung quanh.
Còn một nỗi lo khác, đó là thị trường. Hiện nay 90% lượng sắn xuất khẩu vào Trung Quốc. Ai cũng biết đây là thị trường thất thường khó dự báo chính xác diễn biến. Nhu cầu của thị trường này có thể tăng đột biến nên “ăn hàng” rất mạnh, nhưng sau đó cũng có thể giảm một cách đầy bất ngờ như cuối năm rồi và đầu năm nay.
Không chỉ người trồng mà cả nhà kinh doanh nông sản trong nước không ít lần bị phá sản hay khốn đốn vì nhiều mặt hàng nông sản như dưa hấu, thanh long, mủ cao su… không bán được, bị ách ngay tại cửa khẩu như những năm trước đây.
Đăng Lãm
Sài gòn giải phóng
|