Thứ Tư, 05/08/2009 08:42

Xuất khẩu của Hà Nội: Tìm đường vượt khó

Suy thoái kinh tế quốc tế vẫn tiếp tục gây ảnh hưởng xấu cho nền kinh tế cả nước nói chung và Hà Nội nói riêng. Các chuyên gia cho rằng, thực tiễn trên ứng với Hà Nội rất rõ nét bởi Hà Nội là địa phương có độ mở kinh tế lớn, tập trung đông đảo DN trong và ngoài nước, đồng thời có tổng kim ngạch xuất khẩu hàng đầu cả nước.

Bức tranh thiếu màu sáng

Theo đánh giá của Sở Công thương, trong những tháng đầu năm đã xuất hiện tình trạng khách hàng hủy bỏ hợp đồng đã ký hoặc ép giảm giá, một số DN bị cắt giảm đơn hàng, đặc biệt là khối DN đầu tư nước ngoài trong khu công nghiệp, chế xuất nên phải cắt giảm tạm thời hàng ngàn lao động. Bên cạnh đó, một số ngân hàng lớn tại các thị trường xuất khẩu chủ yếu phá sản đã làm hạn chế khả năng thanh khoản của các DN nước này trong việc nhập khẩu hàng từ Việt Nam. Tính chung, 7 tháng đầu năm 2009 kim ngạch xuất khẩu giảm 15,1% so với cùng kỳ… Cục Thống kê cho biết, kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm chỉ đạt 3,12 tỷ USD, giảm 9,9% so với cùng kỳ. Cụ thể, khu vực kinh tế nhà nước xuất khẩu đạt 1,687 tỷ USD, giảm 6,3%; kinh tế ngoài nhà nước ước đạt 360,2 triệu USD, chiếm 11,5%, tăng 4%; khối có vốn đầu tư nước ngoài đạt 1,07 tỷ USD, chiếm 34,4%, giảm 18,5%.

Xét theo các nhóm hàng xuất khẩu của Hà Nội, so với cùng kỳ năm trước, xăng dầu (tạm nhập, tái xuất) đạt kim ngạch 331,1 triệu USD, giảm 31,9%; nông sản các loại đạt 487,8 triệu USD, giảm 25,4%; linh kiện máy tính và thiết bị ngoại vi đạt 430,1 triệu USD, giảm 19,5%; dệt may đạt 315,1 triệu USD, giảm 14,9%; giày dép và sản phẩm từ da đạt 63,9 triệu USD, giảm 14,6%; hàng thủ công mỹ nghệ đạt 46,3 triệu USD, giảm 16%; than đá đạt 133,7 triệu USD, giảm 5,2%... Tuy vậy, cũng xuất hiện một số nhóm hàng tăng như: hàng điện tử đạt kim ngạch 124,9 triệu USD, tăng 26,2%; nhóm vật liệu xây dựng, khoáng sản, máy móc thiết bị đạt 1,187 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 38,1% tổng kim ngạch xuất khẩu và tăng 13,1%. Những mặt hàng này góp phần bổ khuyết cho bức tranh xuất khẩu kém gam màu sáng nói trên.

Vẫn còn những bất lợi

Dự báo, tình hình xuất khẩu vẫn tiếp tục gặp khó khăn từ nay đến cuối năm. DN trong nước vẫn phải chịu nhiều sức ép và bất lợi, chủ yếu do yếu tố khách quan. Đó là, các thị trường nhập khẩu vẫn hạn chế nhập khẩu. Việc áp dụng ngày càng nhiều rào cản kỹ thuật của các nước phát triển gây khó khăn cho xuất khẩu. Một số mặt hàng quả tươi (thanh long, dưa hấu, vải thiều, tinh bột sắn, sắn lát...) khi xuất khẩu vào Trung Quốc sẽ phải khai báo rõ nguồn gốc, dán nhãn mác, đóng thùng. Hàng dệt may nhập khẩu vào Mỹ phải tuân thủ những quy định mới về an toàn sản phẩm nhập khẩu của Mỹ. Các hiệp định và quy định quốc tế như: Hiệp định về hàng rào kỹ thuật trong thương mại (TBT) của Tổ chức Thương mại thế giới; Hiệp định về việc áp dụng các biện pháp kiểm dịch động thực vật (SPS) trong hệ thống WTO; quy định đăng ký, đánh giá, cấp phép và hạn chế đối với hóa chất (REACH); chỉ thị về hạn chế chất nguy hại (RoHS) và quy định về thực thi lâm luật, quản lý rừng và thương mại của EU... Những quy định trong các văn bản nói trên gây khó cho DN của ta do chưa chuẩn bị kỹ cũng như chưa sẵn sàng ứng phó.

Các DN xuất khẩu trong nước còn phải đối mặt với việc các chi phí đầu vào tăng như giá xăng dầu, điện, nước… làm tăng giá thành sản phẩm, giảm năng lực cạnh tranh.

Đẩy mạnh hỗ trợ DN

Chính phủ đang gia tăng thực hiện các biện pháp nhằm hỗ trợ DN xuất khẩu giảm bớt khó khăn, như chính sách hỗ trợ lãi suất, tạm hoàn thuế, miễn giảm thuế, đẩy mạnh xúc tiến thương mại… Về phía mình, TP và các sở, ngành cũng khẩn trương triển khai nhiều giải pháp như hỗ trợ DN xúc tiến thương mại khảo sát thị trường, tham gia hội chợ quốc tế và trong nước; tổ chức giao thương giữa DN Hà Nội và DN nước ngoài, trong đó chú trọng giao lưu với DN thuộc các nước/thị trường mới có nhiều nhu cầu và tiềm năng; tập trung tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong lĩnh vực thuế, hải quan, vay vốn, mặt bằng sản xuất... Thành phố chủ trương tăng tần suất tổ chức các buổi giao ban giữa cơ quan quản lý và DN nhằm nắm bắt tình hình để tìm hướng giải quyết.

Các chuyên gia khuyến cáo, cộng đồng DN cần tìm hiểu và nắm rõ cơ hội do tác động tích cực từ những hiệp định quốc tế giữa Việt Nam và đối tác mang lại để vận dụng nhằm tăng tốc xuất khẩu. Đó là Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện ASEAN - Nhật Bản đã chính thức có hiệu lực, theo đó hầu hết các mặt hàng dệt may và một số mặt hàng khác của Việt Nam xuất sang Nhật sẽ được hưởng thuế suất 0%. Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản (VJEPA) có hiệu lực từ ngày 24-6-2009, theo đó trong vòng 10 năm kể từ khi hiệp định có hiệu lực, 92% số mặt hàng xuất nhập khẩu giữa hai nước sẽ được miễn thuế. Những điều kiện nói trên là cơ hội quý cho các DN của ta đẩy mạnh xuất khẩu sang Nhật. Một tín hiệu đáng mừng nữa là hàng dệt may đang xuất hiện dấu hiệu ấm trở lại bởi nhiều đơn vị đã ký được hợp đồng xuất khẩu đến hết năm 2009, trong khi xuất khẩu sang Hoa Kỳ và EU, Nhật Bản gia tăng dần trong 2 tháng qua.

Hồng Sơn

Hà Nội mới

Các tin tức khác

>   Dự thảo nghị định KD Gas: Khó cho doanh nghiệp nhỏ (05/08/2009)

>   Khách hàng hờ hững với gói cước siêu rẻ của Beeline (05/08/2009)

>   Cả nước chỉ nên có ba doanh nghiệp xăng dầu (05/08/2009)

>   Đầu tư ngoài ngành: Vào rồi mới thấy đắng (05/08/2009)

>   “Cắm rễ” thị trường nội địa - Dễ hay khó? (05/08/2009)

>   Lúng túng việc cắt dịch vụ các “đại thuê bao” (05/08/2009)

>   Hà Nội nhận diện thách thức, tận dụng cơ hội để phát triển (04/08/2009)

>   Phạt, truy thu San Miguel Pure Foods hơn 1,3 tỉ đồng (04/08/2009)

>   Việt Nam đăng cai hội nghị lúa gạo quốc tế lần 3 (04/08/2009)

>   Sẽ có Hiệp hội bảo vệ các chủ hàng (04/08/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật