Thứ Tư, 05/08/2009 06:19

Cả nước chỉ nên có ba doanh nghiệp xăng dầu

Với 11 doanh nghiệp như hiện nay thì mỗi doanh nghiệp chỉ nên chiếm trên dưới 10%. Dự thảo nghị định sửa đổi Nghị định 55 về kinh doanh có nêu: Khuyến khích thương nhân thuộc các thành phần kinh tế đầu tư phát triển cơ sở kinh doanh xăng dầu.

Tuy nhiên, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM , tiến sĩ Nguyễn Quang A, chuyên gia kinh tế (ảnh), nhận định: Để tham gia thị trường xăng dầu, doanh nghiệp (DN) phải đảm bảo các điều kiện kinh doanh là kho bãi, xe chuyên dụng, hệ thống cửa hàng bán lẻ... với số vốn hàng chục tỷ đồng. Nếu hiệu quả kinh tế không cao sẽ rất tốn kém cho DN. Tốn kém của DN cũng chính là của xã hội. Thị trường nội địa có 11 DN đầu mối nhập khẩu là quá nhiều. Để có thị trường xăng dầu thực sự cạnh tranh nên tái cơ cấu ngành xăng dầu sao cho nó hoạt động hiệu quả.

Nên tính đến chuyện cho phá sản bớt

Tái cơ cấu ngành xăng dầu là như thế nào, thưa ông?

Cũng như viễn thông, thị trường chỉ nên có ba, cùng lắm là bốn DN đầu mối nhập khẩu xăng dầu mà thôi. Mỗi DN chiếm khoảng 30% thị phần (tức là không ai có thể khống chế thị trường) và không có chuyện cùng câu kết. Như vậy cũng có thể đảm bảo sự cạnh tranh thực sự.

Để hiệu quả xã hội lớn nhất thì ngành xăng dầu không nên mở tràn lan. Khi đó, nhà nước chỉ cần kiểm soát chặt chẽ chất lượng xăng dầu, còn giá thành thì để các DN cạnh tranh với nhau. Nhà nước chỉ làm nhiệm vụ giám sát xem các DN này hoạt động có đúng luật không, có cạnh tranh lành mạnh, có câu kết thỏa thuận giá không...

Tái cơ cấu là như thế chứ không phải là hỗ trợ cho một “ông lớn” đã lớn lại càng khỏe mạnh hơn.

Nếu như trên ông nói với 11 DN là quá nhiều, vậy để giảm còn ba đến bốn DN tức là sẽ có khoảng bảy DN giải thể?

Hiện chúng ta đã có Luật Phá sản nên cần mạnh dạn tính đến việc này. Nhất là khi lãnh đạo Bộ Công thương phát biểu rằng sau hơn hai năm thực hiện cơ chế điều hành xăng dầu theo thị trường có sự quản lý của nhà nước nhưng các DN đều lỗ. Chúng ta có thể sát nhập các DN lại với nhau.

Cụ thể, với Petrolimex không áp dụng chính sách sát nhập này. Mười DN còn lại thì nhà nước sử dụng các chính sách ưu đãi như thuế, tỷ giá... để khuyến khích các DN sát nhập với nhau. Chắc chắn không thể thực hiện việc sát nhập này trong một tháng mà kỳ vọng là 4-5 năm tới. Khi đó thị trường xăng dầu sẽ có thể cạnh tranh thực sự. Đương nhiên, người tiêu dùng có quyền lực quyết định - đó là quyền lựa chọn.

Có thể cho san sẻ thị phần giữa các DN

Có cách khác không thưa ông, tức là vẫn duy trì 11 DN hiện tại mà vẫn có sự cạnh tranh bình đẳng?

Để thị trường với 11 DN như hiện nay thì mỗi DN cũng chỉ nên chiếm thị phần ngang ngang nhau, tức là trên dưới 10% chứ không nên để một DN chiếm đến trên 60% như Petrolimex đang chi phối.

Xét về số DN, nếu thị phần của những DN này sàn sàn nhau (9%-10% thị phần) thì có sự cạnh tranh quyết liệt. Do vậy, nhà nước nên tạo điều kiện cho các DN nhỏ nâng thị phần lên, còn các “ông lớn” thì dần dần phải giảm thị phần của mình xuống.

Đây là lĩnh vực có yếu tố độc quyền tự nhiên. Vị trí để cây xăng không thể để san sát nhau, khoảng 20 m lại có một cây xăng. Trong trường hợp có sự khống chế thị trường (mà 60% thị phần của một DN rõ ràng là dấu hiệu rành rành của sự độc quyền và khống chế thị trường) thì quyền lựa chọn của người tiêu dùng bị hạn chế hay hầu như không có. Khi đó nhà nước phải can thiệp và không thể phó mặc cho cơ chế thị trường.

Nếu thị trường xăng dầu nội địa có sự cạnh tranh thực sự như ông nói thì người tiêu dùng được lợi gì?

Trong trường hợp độc quyền hay gần như độc quyền thì sức mạnh quyết định này của người tiêu dùng bị hạn chế rất nhiều và nhà nước phải can thiệp trực tiếp vào việc định giá.

Nếu có cạnh tranh thực sự thì người tiêu dùng “bỏ phiếu” đối với DN bằng hành động của mình là mua hay không mua hàng của DN đó và nhà nước chỉ cần buộc DN hoạt động theo luật (nhất là không được câu kết định giá hay phân chia thị trường).

Để có thị trường cạnh tranh thực sự, theo ông thì nhà nước nên làm gì?

Theo tôi, nhà nước nên tạo điều kiện để có sự cạnh tranh thực sự bằng các chính sách hỗ trợ DN có thị phần thấp, hạn chế DN có thị phần khống chế, có khung luật pháp rành mạch để các DN hoạt động.

Trong khi nhà nước chưa tạo được môi trường cạnh tranh như nêu trên thì nhà nước phải can thiệp trực tiếp vào việc định giá.

Khi việc thiết lập được môi trường cạnh tranh thì nhà nước nên để cho cơ chế thị trường tự điều tiết và chỉ lo giám sát sự cạnh tranh của DN mà thôi. Nhà nước nên có lộ trình rõ ràng, công bố công khai cho dân chúng và DN biết.

Đề xuất tăng giá bán lẻ xăng A92 thêm 500 đồng/lít

Tổng Công ty Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), Tổng Công ty Xăng dầu Quân đội và Tổng Công ty Dầu VN (PV Oil) vừa gửi văn bản tới liên bộ Tài chính - Công thương đề nghị tăng giá bán lẻ cho mỗi lít xăng A92 thêm 500 đồng và 1.000 đồng dầu mazut, đồng thời cũng xin hạ 500 đồng/lít dầu hỏa do giá thế giới giảm.

Ông Vương Thái Dũng, Phó Tổng Giám đốc Petrolimex, cho biết giá xăng A92 thành phẩm bình quân tính trong 20 ngày qua tại thị trường Singapore mà DN này nhập về ở mức khá cao, trung bình ở mức 73 USD/thùng. Với mức giá nhập này, DN bán lẻ trong nước bị lỗ hơn 1.000 đồng/lít xăng bán ra và lỗ tới 1.000 đồng đối với mặt hàng mazut.

Lê Thanh thực hiện

Pháp luật

Các tin tức khác

>   Đầu tư ngoài ngành: Vào rồi mới thấy đắng (05/08/2009)

>   “Cắm rễ” thị trường nội địa - Dễ hay khó? (05/08/2009)

>   Lúng túng việc cắt dịch vụ các “đại thuê bao” (05/08/2009)

>   Hà Nội nhận diện thách thức, tận dụng cơ hội để phát triển (04/08/2009)

>   Phạt, truy thu San Miguel Pure Foods hơn 1,3 tỉ đồng (04/08/2009)

>   Việt Nam đăng cai hội nghị lúa gạo quốc tế lần 3 (04/08/2009)

>   Sẽ có Hiệp hội bảo vệ các chủ hàng (04/08/2009)

>   Hướng dẫn chế độ phân phối lợi nhuận của Cty NN (04/08/2009)

>   Triển khai điều chỉnh quy hoạch chung KKT Dung Quất (04/08/2009)

>   Thúc đẩy hợp tác thương mại, đầu tư VN-Hongkong (04/08/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật