Thứ Tư, 05/08/2009 06:48

Dự thảo nghị định KD Gas: Khó cho doanh nghiệp nhỏ

Quy định về số lượng vỏ bình, kho phải có mức chứa tối thiểu... có thể loại doanh nghiệp nhỏ khỏi cuộc chơi. Đại lý kêu khó vì chỉ được ký với 3 hãng gas. Dự thảo lần thứ 6 nghị định về việc kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng (kinh doanh gas) vừa được hoàn tất trình Chính phủ.

Dự thảo lần này dù có điều chỉnh nhưng các điều khoản quan trọng vẫn không khác biệt nhiều với các lần dự thảo trước. Và điều đáng quan tâm là vẫn còn nhiều quy định gây khó khăn cho doanh nghiệp (DN) nhỏ.

Đại lý lo bị ép

Dự thảo các lần trước quy định các tổng đại lý, đại lý chỉ được đăng ký kinh doanh một thương hiệu gas thì lần sửa đổi này được tăng lên 3 thương hiệu. Tuy nhiên, theo giới kinh doanh, việc đại lý, tổng đại lý chỉ được phân phối gas cho 3 thương hiệu sẽ gây thiệt hại không nhỏ cho DN cũng như người tiêu dùng.

Hiện nay cả nước có khoảng 8.000 đại lý bán gas, tổng mức tiêu thụ gas khoảng 700.000 tấn/năm. Nếu quy định mỗi đại lý chỉ được phân phối 3 thương hiệu gas sẽ vừa gây khó khăn cho người tiêu dùng vừa gây trở ngại cho các đại lý bởi nhu cầu của người tiêu dùng rất đa dạng nên nhiều khi muốn sử dụng loại gas nào đó nhưng các đại lý gần nhà lại không có. Ngược lại, đại lý muốn mở rộng kinh doanh cũng gặp trở ngại là phải đi xa hơn để tìm khách hàng nên chi phí vận chuyển sẽ tốn kém hơn nhiều...

Ông Nguyễn Văn Minh, Giám đốc Công ty Gas Nguyên Hồng, bức xúc: Việc đại lý chỉ được ký mua bán với 3 thương hiệu gas là không thể chấp nhận được. Nếu làm như vậy, đại lý sẽ phải lệ thuộc vào 3 hãng gas này. Họ muốn làm giá, rót hàng kiểu gì cũng phải chịu, lúc đó không chỉ đại lý chịu thiệt mà người tiêu dùng sẽ “lãnh đủ” vì phải mua giá cao. Chưa kể khi có sự cố, hãng không đủ lượng hàng cung ứng, đại lý sẽ “chết” vì không được phép mua bán với các hãng khác...

Lãng phí và gây khó

Theo thống kê của cơ quan chức năng, hiện cả nước có khoảng 60 thương hiệu gas có đầu tư vỏ bình. Theo dự thảo mới thì các thương nhân, nhà nhập khẩu phải có ít nhất 300.000 vỏ bình (dự thảo lần trước quy định nhà sản xuất phải có ít nhất 500.000 vỏ bình, nhà nhập khẩu 400.000 vỏ bình).

Quy định này vẫn gây lãng phí rất lớn bởi tổng mức đầu tư sẽ tăng lên khoảng 18 triệu vỏ bình (tương đương 6.800 tỉ đồng), trong khi tổng nhu cầu vỏ bình gas dân dụng hiện nay khoảng 7 triệu vỏ (vốn đầu tư chưa tới 2.700 tỉ đồng). Có ý kiến cho rằng nhu cầu tiêu dùng gas dân dụng sẽ ngày càng lớn. Điều đó đúng nhưng cũng có thực tế khác là ngày càng có nhiều cao ốc sử dụng gas qua đường ống chứ người dân không còn sử dụng bình gas lẻ.

Một bất hợp lý khác cũng gây nhiều băn khoăn cho DN nhỏ là việc bắt buộc thương nhân phải có kho chứa tối thiểu được 800 m 3 . Với yêu cầu này thì quá nhỏ đối với DN lớn nhưng lại quá lớn đối với DN nhỏ. Do đó cần phải có con số cụ thể theo tính chất quy mô của từng nhóm DN.

Ông Trương Hiếu, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thành Tài, cho rằng: Hiện có rất nhiều đơn vị có thế mạnh về hệ thống kho cảng chuyên về khí hóa lỏng, do đó không nên ép các DN gas phải có cầu cảng, kho hàng mà nên để họ thuê mướn sẽ có lợi hơn...

Nhiều người am hiểu thị trường gas băn khoăn: Nội dung dự thảo lần này lấy tiêu chí nào để quy định thương nhân phải có kho chứa tối thiểu 800 m 3 và 300.000 vỏ bình. Bởi nếu quy định này được áp dụng thì nhiều DN nhỏ sẽ rất dễ bị loại khỏi “cuộc chơi”.

Tốt nhất là các đơn vị có thế mạnh về phân phối gas bình không nhất thiết phải xây kho mà nên mua lại hàng của đơn vị có thế mạnh về kinh doanh kho và xuất nhập khẩu. Ngược lại, những DN xuất nhập khẩu nhưng lại yếu trong khâu phân phối thì cũng không nên bắt họ phải đầu tư thêm 130 tỉ đồng để có 300.000 vỏ bình. Cách làm này sẽ có lợi hơn cho cả hai bên và lúc đó người tiêu dùng cũng được lợi vì giá gas sẽ cạnh tranh hơn.

LS Nguyễn Văn Hậu (Hội Luật gia TPHCM): Điều kiện quá khắt khe

Trong khi Nhà nước đang tạo điều kiện cho các DN vừa và nhỏ phát triển thì dự thảo này gây nhiều khó khăn cho đối tượng DN này. Luật DN quy định được quyền kinh doanh bất kỳ ngành nghề gì mà pháp luật không cấm (kinh doanh gas cũng không phải là ngành nghề bị hạn chế kinh doanh), thế nhưng dự thảo lại đưa ra các điều kiện quá khắt khe như trên chẳng khác nào cấm người ta kinh doanh. DN có thể khiếu nại căn cứ vào Luật Cạnh tranh (cạnh tranh không lành mạnh, phân biệt đối xử).

Long Giang

Người lao động

Các tin tức khác

>   Khách hàng hờ hững với gói cước siêu rẻ của Beeline (05/08/2009)

>   Cả nước chỉ nên có ba doanh nghiệp xăng dầu (05/08/2009)

>   Đầu tư ngoài ngành: Vào rồi mới thấy đắng (05/08/2009)

>   “Cắm rễ” thị trường nội địa - Dễ hay khó? (05/08/2009)

>   Lúng túng việc cắt dịch vụ các “đại thuê bao” (05/08/2009)

>   Hà Nội nhận diện thách thức, tận dụng cơ hội để phát triển (04/08/2009)

>   Phạt, truy thu San Miguel Pure Foods hơn 1,3 tỉ đồng (04/08/2009)

>   Việt Nam đăng cai hội nghị lúa gạo quốc tế lần 3 (04/08/2009)

>   Sẽ có Hiệp hội bảo vệ các chủ hàng (04/08/2009)

>   Hướng dẫn chế độ phân phối lợi nhuận của Cty NN (04/08/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật