Vì sao thép nội “lép vế”?
Khủng hoảng kinh tế toàn cầu đã tác động mạnh đến nền kinh tế Việt Nam nói chung và các ngành công nghiệp nói riêng, trong đó có ngành thép. Tại hầu hết thị trường trên thế giới, nhu cầu về thép giảm mạnh, tồn kho lớn, nên những quốc gia sản xuất thép và phôi thép đã đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm sang các thị trường khác, trong đó có Việt Nam, khiến việc sản xuất, tiêu thụ sản phẩm của các doanh nghiệp (DN) trong nước gặp nhiều khó khăn.
Những lỗ hổng lớn
Theo Tổng Công ty Thép Việt Nam (VNSteel), từ năm 2008 giá thép trên thị trường thế giới tăng cao, đạt đỉnh vào đầu tháng 7 với giá chào phôi thép lên mức 1.000-1.100 USD/tấn. Cũng trong thời điểm này, Việt Nam đã đưa ra hàng loạt biện pháp kiềm chế lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội, yêu cầu các DN giữ giá bán thép. Tuy nhiên, điều này đã tạo ra sự chênh lệch lớn giữa giá thép trong nước và giá thép thế giới, một số DN đã giảm sản lượng cán thép, đẩy mạnh xuất khẩu phôi (chủ yếu là tái xuất) nhằm kiếm lời trước mắt.
Đến cuối tháng 7-2008, giá nguyên liệu thép giảm mạnh. Chỉ trong 5 tháng (từ tháng 8 đến tháng 12-2008), giá nguyên liệu thép đã giảm 2/3 so với lúc cao điểm. Cũng trong thời điểm này, nhu cầu thép giảm mạnh, các nhà sản xuất không tiêu thụ được sản phẩm, nên buộc phải bán dưới giá thành để thu hồi vốn, trả lương công nhân và trả nợ ngân hàng. Một số DN phải sản xuất cầm chừng, thậm chí tạm dừng sản xuất.
Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho biết, do cung lớn hơn cầu, các quốc gia sản xuất thép đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường khác, nên trong quý I và II-2009, thép cuộn nhập khẩu ồ ạt về Việt Nam bình quân 38.000 tấn/tháng, giá bán thấp hơn thép sản xuất trong nước 500.000-700.000 đồng/tấn khiến cho thị phần tiêu thụ thép của các DN trong nước giảm mạnh, từ 30% xuống còn 20% làm cho sản xuất và tiêu thụ thép của các DN trong nước đình đốn. Trong khi đó, sản phẩm thép Việt Nam khó cạnh tranh được với thép nước ngoài bởi quy mô sản xuất nhỏ, đầu tư manh mún, công nghệ ở trình độ thấp, phần lớn lại tập trung vào khâu nhập phôi về để cán thép nên sản phẩm đơn điệu, chưa sản xuất được thép tấm cán nóng, thép chế tạo cơ khí... Những yếu tố trên cộng với chi phí đầu vào cao khiến thép của Việt Nam có giá thành cao, chất lượng thấp, khó cạnh tranh được với thép nước ngoài nhập khẩu. Rõ ràng, trong bối cảnh suy giảm kinh tế, ngành thép đã bộc lộ những lỗ hổng lớn.
Bắt đầu bằng nội lực
Để ngành thép Việt Nam vượt qua khó khăn trước mắt, VNSteel đã yêu cầu các DN thép cắt giảm chi phí không hợp lý, quản trị DN minh bạch và hiệu quả hơn, mạnh dạn thực hiện việc mua lại, sáp nhập DN sản xuất không hiệu quả. Bên cạnh đó, VNSteel cũng tăng cường dự báo, nghiên cứu, phân tích thị trường thép trong nước và thế giới để làm cơ sở, điều hành sản xuất, kinh doanh, cân đối bảo đảm đủ nguyên liệu, vật tư phục vụ cho sản xuất, tồn kho hợp lý để giảm chi phí tài chính. VNSteel yêu cầu các đơn vị đẩy mạnh cải tiến quản lý, hợp lý hóa sản xuất, phấn đấu giảm các chỉ tiêu tiêu hao vật tư, nguyên nhiên liệu, nâng cao chất lượng và hạ giá thành sản phẩm, tập trung nghiên cứu phát triển sản phẩm mới và sử dụng nhiên liệu trong nước (khí gas) thay dầu FO nhập khẩu. Nghiên cứu các chính sách hội nhập kinh tế quốc tế để có các biện pháp kịp thời nhằm đưa ngành thép nhanh chóng hội nhập với nền kinh tế thế giới; đồng thời đề xuất các tiêu chuẩn kỹ thuật để loại bỏ sản phẩm thép kém chất lượng nhập khẩu vào Việt Nam, nhằm bảo vệ người tiêu dùng cũng như các nhà sản xuất trong nước. Các DN cần thực hiện nghiêm quy hoạch thép đã được phê duyệt, tăng cường đầu tư phát triển các nhà máy thượng nguồn, luyện thép, sản xuất phôi thép, các mặt hàng thép tấm, lá, băng... để nâng cao sức cạnh tranh.
Ngoài việc kiến nghị với Chính phủ cho thực hiện chủ trương các công trình xây dựng bằng nguồn vốn trong nước sử dụng thép sản xuất trong nước để kích cầu sẽ được hưởng chính sách hỗ trợ về vốn, lãi suất và những chính sách hỗ trợ khác, VNSteel yêu cầu các DN sản xuất thép phải tự vươn lên bằng chính nội lực của mình.
Quang Linh
Hà Nội mới
|