Sàn bất động sản: Có đáng tin?
Cú lừa bán biệt thự ảo của Công ty Cổ phần Sàn bất động sản VN vừa qua gây chấn động giới đầu tư nhà đất và người dân có nhu cầu nhà ở thật sự. Trong lúc người dân hoài nghi độ an toàn của các sàn bất động sản thì quan chức Bộ Xây dựng khẳng định ngược lại
Vụ Công ty Cổ phần Sàn bất động sản VN (quận Cầu Giấy, TP Hà Nội) bán biệt thự ảo từ dự án khu nhà ở Phương Đông (xã Minh Khai, huyện Từ Liêm, TP Hà Nội) gióng lên hồi chuông cảnh báo tình trạng đầu tư theo phong trào của một bộ phận người dân. Tuy nhiên, căn nguyên của sự vụ bắt nguồn từ những bất cập của thị trường bất động sản VN hiện nay.
Mù mờ thông tin
Theo ông Đặng Hùng Võ, nguyên thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường, sở dĩ hàng trăm nhà đầu tư đổ hàng trăm tỉ đồng vào dự án khu nhà ở Phương Đông ở Hà Nội là do hội chứng “tâm lý đám đông”. Cùng quan điểm, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam phân tích: “Người dân hay bị tác động bởi đồn thổi, chạy theo phong trào, không có thói quen tư duy, phân tích kỹ các khoản đầu tư. Thị trường bất động sản là thị trường có lợi nhuận cao nhưng cũng đầy rủi ro. Nếu cứ đầu tư theo phong trào, nghe đồn thổi sẽ rất nguy hiểm”.
Ông Đặng Hùng Võ cho rằng một nguyên nhân khác là do người dân không hiểu biết pháp luật. Trước nay, đại bộ phận người dân vẫn chưa hình thành được thói quen sử dụng tư vấn pháp luật trong các hoạt động kinh doanh, đầu tư cũng như những hoạt động khác của đời sống có liên quan đến chính sách, pháp luật Nhà nước.
Bên cạnh những nguyên nhân chủ quan từ phía người dân, theo ông Võ, tình trạng thiếu thông tin, không công khai các dự án bất động sản đã đẩy người dân vào tình thế bị động và mất phương hướng đối với thông tin dự án bất động sản, quy hoạch sử dụng đất, dẫn tới đưa ra những quyết định dựa vào đám đông thay vì tìm đến các cơ quan chức năng hay thuê tư vấn. “Có khi vì lý do nào đó mà ngay cả chính quyền các cấp cũng như bản thân chủ đầu tư các dự án đều né tránh việc công bố đầy đủ thông tin về một dự án cụ thể” - ông Võ nói.
Nhiều ưu việt, vẫn lo!
Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam cho rằng để hạn chế tình trạng người dân phải mua nhà, đất trên giấy, rất cần các sàn giao dịch bất động sản hợp pháp. Khi vào sàn giao dịch, người dân sẽ có thông tin về dự án. Khi tham gia bán hàng trên sàn giao dịch bất động sản, doanh nghiệp khó mà “luồn lách”, dần dần tiêu cực sẽ bớt đi, tính minh bạch được nâng dần lên. Vào sàn giao dịch cũng là cách tốt nhất để tránh rơi vào bẫy của “cò” nhà đất.
Tuy nhiên, người dân cũng như giới chuyên môn vẫn lo ngại tình trạng làm ăn chụp giựt, thiếu nghiêm túc của không ít sàn bất động sản vì điều kiện cấp phép cho hoạt động kinh doanh này khá lỏng lẻo. Khi đó, chủ dự án “ma” nếu được các sàn giao dịch bất động sản hậu thuẫn sẽ tác oai tác quái, gây thiệt hại rất lớn cho nhà đầu tư và người dân. Trước lo ngại này, Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam cho rằng không thể lấy lý do đó để siết chặt hơn các điều kiện mở sàn. Dù không loại bỏ hoàn toàn được các dự án “ma” nhưng không nên vì số ít doanh nghiệp lừa đảo mà thắt chặt, hạn chế sự phát triển chung. “Phải có công cụ quản lý khác để khắc chế dự án “ma” chứ không ngăn đại trà. Hiện tôi chưa thấy xuất hiện sàn giao dịch bất động sản “ma” nào” - ông Nam nói.
Sẽ siết quy định các sàn bất động sản
Hiện các quy định đối với việc mở sàn giao dịch bất động sản đã có, như quy định cụ thể số nhân viên được đào tạo, cấp chứng chỉ và giấy chứng nhận hành nghề trên sàn; hàng hóa vào sàn ít nhất cũng được công ty kinh doanh sàn giao dịch kiểm tra tính pháp lý. Các sàn giao dịch cũng bị ràng buộc quy trình, thủ tục hoạt động như xác nhận xuất xứ đầu vào của sản phẩm. Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam cho biết: “Bộ Xây dựng sẽ xây dựng các quy định chặt chẽ hơn về trách nhiệm của các sàn giao dịch bất động sản”.
Thế Dũng
Người lao động
|