Thứ Hai, 31/08/2009 17:12

Trung Quốc ồ ạt chinh phục các nguồn nguyên liệu

Các tập đoàn Trung Quốc mua ngày càng nhiều các mỏ dầu lửa, than, uranium ở nước ngoài. Bắc Kinh đã hợp lý hoá chính sách năng lượng của mình và tìm cách liên minh với các công ty đa quốc gia.

Các chuyển biến lớn của chính sách kinh tế Trung Quốc

Từ vài tháng nay, các tập đoàn khổng lồ của Trung Quốc đổ xô mua năng lượng và tài nguyên thiên nhiên (xem bảng), do kinh tế Trung Quốc vẫn tăng trưởng nhanh và nhất là do Bắc Kinh thực hiện kế hoạch tái khởi động kinh tế khổng lồ. Theo Dealogic, công ty tư vấn Anh, khoảng 13,4 tỉ USD sẽ được chi trong khu vực dầu khí, tức là tăng thêm 22% so với cách đây một năm.

Hiện nay, hai công ty dầu lửa Trung Quốc, China National Petroleum Corporation (CNPC) và Chinese National Off-shore Oil Company (CNOOC), đang thương lượng để mua lại của công ty Tây Ban Nha Repsol YPF 84% số vốn của công ty này trong YPF, công ty lớn nhất của Argentina, với giá 17 tỉ USD.

Dow Jones tiết lộ vào cuối tháng 7, cuộc thương lượng này còn chưa được chính thức bình luận, nhưng chắc sẽ gặp khó khăn, dù công ty Repsol YPF nợ như chúa chổm vì Chính phủ Argentina có quyền phủ quyết. Năm 2008, Chính phủ Tây Ban Nha ngăn chặn việc Repsol YPF bán 20% cổ phần cho công ty Nga Gazprom. Vào tháng 2.2009, công ty Trung Quốc China Petroleum and Chemical Corporation (Sinopec), tập đoàn dầu khí lớn thứ hai của thế giới chỉ sau ExxonMobil, cũng đã thất bại trong việc mua 20% số vốn của Repsol YPF. Theo tuần báo Le Point (Pháp), Sinopec vừa thông báo lãi trong hai quý đầu năm 2009 gần 4,8 tỉ USD, tức tăng 333% so với trước đó một năm.

Nếu thành công trong việc mua YPF ở Argentina, đây sẽ là khoản đầu tư ra nước ngoài lớn nhất của Trung Quốc từ xưa đến nay và nhờ vậy Trung Quốc tiến được một bước dài trên con đường bành trướng thế lực của họ ra khắp thế giới. Năm 2005, CNOOC đã phải rút lại đề nghị mua công ty Mỹ Unocal với giá 18,5 tỉ USD, vì đề nghị đó đã gây ra các phản ứng rất tiêu cực ở Mỹ.

Vào tháng 6 vừa qua, Alunium Corporation of China (Chinalco) phải ngậm đắng nuốt cay khi bị bắt buộc từ bỏ ý định góp thêm 19,5 tỉ USD vốn vào Rio Tinto, công ty mỏ của Úc, do bị Canberra chống lại. Năm 2008, công ty nhôm khổng lồ này của Trung Quốc đã mua được 9% số vốn của Rio Tinto với 14 tỉ USD.

Cuộc khủng hoảng tài chính giúp Trung Quốc thấy được việc họ đầu tư ồ ạt vào trái phiếu kho bạc của Mỹ rất nguy hiểm, trái lại các đầu tư trực tiếp ở nước ngoài cho phép họ sử dụng tốt hơn khoảng 2.000 tỉ USD dự trữ ngoại tệ của họ. Năng lượng và các tài nguyên thiên nhiên là các đích mà họ nhắm tới. Gần đây khi được báo China Daily hỏi về các thương vụ đang được CNPC tiến hành ở 29 nước, một nhân vật lãnh đạo của công ty dầu lửa khổng lồ này của Trung Quốc đã tuyên bố: “Khủng hoảng cống hiến cho chúng tôi những cơ hội chưa từng có”.

Theo các nhà phân tích, danh mục các công ty và các tài nguyên mà Trung Quốc mua được từ một năm nay cho thấy chính sách kinh tế của nước này có nhiều chuyển biến lớn. Nếu trong quá khứ ba tập đoàn dầu khí lớn của Trung Quốc thường cạnh tranh với nhau, hiện nay họ liên minh chặt chẽ với nhau: chẳng hạn CNPC và CNOOC (vốn chuyên khai thác dầu khí ngoài khơi) cùng đề nghị mua vốn của YPF, hay Sinopec và CNOOC cùng mua lại của công ty Mỹ Marathon Oil một giếng dầu ở ngoài khơi Angola với giá 1,3 tỉ USD.

Tham gia vào “gotha” kinh tế thế giới

Càng ngày các công ty Trung Quốc càng được “gotha” (nhóm rất nhỏ các nhà “đại quý tộc”) kinh tế trên thế giới chấp nhận. Tháng 6 vừa qua, nhờ liên minh với công ty dầu khí BP mà CNPC đã tranh được với ExxonMobil việc khai thác khu dầu lửa Rumalia ở Iraq. CNPC cũng đã đứng bên cạnh Sinopec và Shell để tranh khu dầu lửa Kirkuk.

Ở Venezuela, CNPC hợp tác với Total để được quyền khai thác hai giếng dầu lửa và xây dựng các nhà máy xử lý dầu lửa thô.

Các tập đoàn thế giới thu được nhiều điều lợi từ việc hợp tác với các công ty Trung Quốc. Họ muốn lợi dụng khả năng tài chính rất lớn của Trung Quốc cũng như nhân công giá thấp và nhất là hy vọng ký được các hợp đồng mới ở Trung Quốc.

Trung Quốc mua ồ ạt nguyên liệu từ hai tháng nay

6.2009: Sinopec mua công ty Addax Petrolium (Thuỵ Sĩ) với giá 7,2 tỉ USD.

7.2009: CNPC và CNOOC thảo luận với công ty Tây Ban Nha Repsol YPF để mua đơn vị YPF của công ty này ở Argentina với giá 17 tỉ USD.

8.2009: China Investment Corp đầu tư 1 tỉ USD vào công ty Úc Fortuscue Metals dưới dạng trái phiếu.

8.2009: công ty Yanzhou Coal Mining mua công ty Úc Felix resources với giá 2,9 tỉ USD.

Nguyên Thanh

Sài Gòn Tiếp thị

Các tin tức khác

>   Kinh tế Ấn Độ tăng trưởng mạnh 6.1% trong Quý 2 (31/08/2009)

>   Bộ Ngoại giao Nhật đề xuất tăng ngân sách ODA (31/08/2009)

>   Mỹ: Lợi nhuận doanh nghiệp quý 2 khó vượt kế hoạch (31/08/2009)

>   OPEC có thể giữ nguyên sản lượng tại cuộc họp tháng 9/09 (31/08/2009)

>   Lợi nhuận của PetroChina giảm 7,2% trong nửa đầu năm 2009 (31/08/2009)

>   Shanghai rơi tự do hơn 5%, CK Châu Á đỏ lửa (31/08/2009)

>   Khó kiếm lợi nhuận cao ở thị trường ôtô Trung Quốc (31/08/2009)

>   Địa ốc Mỹ chưa thoát suy thoái (31/08/2009)

>   Trung Quốc chuyển hướng đầu tư (31/08/2009)

>   Nikkei bùng bổ sau bầu cử, CK Châu Á sẽ tăng điểm? (31/08/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật