Địa ốc Mỹ chưa thoát suy thoái
Khủng hoảng còn lâu mới chấm dứt trong ngành địa ốc Mỹ. Theo công bố ngày 20-8 của Hiệp hội Các ngân hàng thế chấp ở Mỹ, số người bị tịch biên nhà cửa do không đủ khả năng thanh toán hoặc chậm thanh toán tiền vay đã đạt mức kỷ lục hơn 13% trong quý hai năm nay.
Trong hai đối tượng nêu trên, gần 4% bị tịch biên nhà do mất khả năng thanh toán và 9,24% chậm trả tiền vay mua nhà tối thiểu một kỳ thanh toán. Xét đối tượng chậm trả, tỷ lệ này đã tăng 0,12% so với quý một, đồng thời đánh dấu mốc kỷ lục kể từ khi thành lập hiệp hội vào năm 1972.
Chưa cứu nguy được địa ốc
Điều đáng lo ngại là chân dung con nợ đã thay đổi. Đối tượng bị tịch biên nhà cửa không còn là con nợ xấu hoặc con nợ vay với lãi suất thay đổi như trước nữa mà là người vay nợ với lãi suất cố định.
Theo nhận xét của Hiệp hội Các ngân hàng thế chấp, dấu hiệu này cho thấy nguyên nhân mất khả năng chi trả thực chất xuất phát từ thất nghiệp bởi đây là đối tượng an toàn nhất. Các nhà kinh tế dự báo tình hình nêu trên có thể sẽ còn gia tăng trong những tháng tới khi mỗi tháng lại có thêm nhiều công ăn việc làm bị hủy ở Mỹ.
Chính phủ Mỹ đã đưa ra chương trình cứu nguy địa ốc liên bang trị giá 275 tỷ USD mang tên Chương trình chuyển đổi nợ được áp dụng từ đầu tháng 3 để hạn chế số nhà bị tịch biên.
Ước tính chương trình này sẽ giúp chín triệu chủ nhà tránh nguy cơ mất nhà.
Tuy nhiên, chương trình này dường như không phát huy hiệu quả. Theo số liệu hồi tháng 7, chỉ có 10% người vay nợ ngân hàng đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn tham gia chương trình.
Rủ nhau về nước thôi!
Trong bối cảnh các nước giàu suy thoái, lao động từ các nước đang phát triển ra nước ngoài càng khốn khổ hơn. Trước đây, người Mexico xem bang California của Mỹ là thiên đường việc làm và đổ xô về đây làm công nhân xây dựng. Nay khi tỷ lệ thất nghiệp ở bang California lên đến 12%, nhân viên hải quan Mexico làm việc không kịp thở bởi lao động Mexico từ Mỹ về nước đông nườm nượp.
Theo số liệu thống kê của Trung tâm Việc làm Mỹ La tinh ở Washington (Mỹ), số công dân Mexico nhập cảnh vào Mỹ đã giảm 40% so với năm 2006 với 350.000 trường hợp mỗi năm.
Báo Financial Times của Anh ghi nhận cũng bởi suy thoái kinh tế ở Mỹ nên nạn nhập cư trái phép qua biên giới Mexico-Mỹ đã giảm đến mức thấp nhất kể từ năm 1973 đến nay.
Theo số liệu của tổ chức Đối thoại liên Mỹ ở Mỹ, 1/3 lao động Mỹ La tinh tại Mỹ đã nghĩ đến chuyện về quê, tăng 20% so với năm ngoái.
Tình trạng lao động xa xứ rủ nhau về nước cũng xảy ra ở nhiều nước châu Á. Đương nhiên số người ra nước ngoài lao động cũng giảm đáng kể. Trong sáu tháng đầu năm, chỉ có 251.000 lao động rời Bangladesh, giảm 50% trong vòng một năm.
Thất nghiệp, khỏi gửi tiền về quê
Lao động xa xứ mất việc làm, chắc chắn sẽ gửi tiền về quê ít hơn. Báo cáo gần đây của Ngân hàng Thế giới ghi nhận sau thời kỳ tăng 15% vào năm 2008, tiền kiều dân chuyển về quê hương ở các nước đang phát triển đã giảm 7,3% trong năm 2009, tương đương 304 tỷ USD.
Ngân hàng Thế giới dự báo nếu khủng hoảng kinh tế kéo dài, tỷ lệ trên có thể giảm đến 10%. Tổ chức Đối thoại liên Mỹ tính toán số tiền lao động Mỹ La tinh gửi về quê còn giảm đến 11% trong năm nay, tương đương 62 tỷ USD. Điều này có nghĩa bốn triệu người ở quê nhà sẽ nhận được tiền của người thân ở nước ngoài gửi về ít hơn.
Trong khi đó, Ngân hàng Thế giới ghi nhận nhiều nước đã kiểm soát lao động nhập cư chặt chẽ hơn. Mỹ, Anh, Úc, Nga, Nam Phi, Ý, Tây Ban Nha và Ấn Độ đã cắt giảm quota lao động nước ngoài hằng năm hoặc siết tiêu chuẩn tiếp nhận lao động nước ngoài chặt chẽ hơn.
Trong năm 2008, ba nước nhận tiền từ kiều dân ở hải ngoại gửi về nước nhiều nhất là Ấn Độ (52 tỷ USD), Trung Quốc (40,6 tỷ USD) và Mexico (26,3 tỷ USD). Tại một số nước, nguồn tiền từ hải ngoại giữ vai trò rất quan trọng. Như ở Tadjikistan, nguồn tiền này chiếm đến 46% tổng sản phẩm quốc nội.
Hoàng Duy (Theo le Figaro, Cyberpresse)
Pháp luật
|