Thứ Tư, 05/08/2009 11:24

Thị trường xăng dầu: cởi trói như thế nào?

Thay vì can thiệp một cách trực tiếp để điều tiết giá xăng dầu. Nhà nước nên xây dựng một cơ chế mới thông thoáng hơn để thị trường này đi đúng theo nguyên tắc thị trường tự do. Khi đó, những nguyên tắc cạnh tranh trên thị trường sẽ giúp giá xăng dầu Việt Nam diễn biến theo đúng quy luật chung hơn là sự áp đặt như hiện tại.

Bù lỗ: lợi bất cập hại

Trong thời điểm mà tình hình lạm phát tăng nhanh, việc nhà nước bù lỗ cho các đơn vị nhập khẩu xăng dầu nhằm bình ổn là việc làm hết sức cần thiết. Bởi giá xăng dầu ảnh hưởng lớn đến nhiều ngành nghề sản xuất và dịch vụ của nền kinh tế. Nhưng cách làm trên, lẽ ra chỉ nên thực hiện vào những thời điểm “nước sôi lửa bỏng” hơn là trở thành một quy luật muôn thuở cho thị trường này. Bởi nếu đó là một quy tắc thường trực thì nó mang nhiều tác hại hơn là lợi ích.

Tác hại thứ nhất phải kể đến chính là việc các doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu sẽ mất đi khả năng tính toán về việc đặt mua, tồn kho hay dự báo những diễn biến của thị trường. Bởi tâm lý được “bảo hộ” khiến họ không chịu những áp lực do thị trường biến động.

Khi đó, hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp này khó đạt kết quả tốt. Điều này cộng với bản chất độc quyền của nhóm doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu thì người tiêu dùng sẽ chính là người chịu thiệt cuối cùng, vì nhà nước cũng không thể “bảo hộ trọn gói”. Bằng chứng là thời gian qua, người dân liên tục phải chịu điệp khúc giá xăng “tăng nhanh giảm chậm” do phải chờ các đơn vị nhập khẩu “thanh lý” hết xăng cũ.

Khi xăng dầu ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực sản xuất và dịch vụ khác, nếu nó không theo kịp sự “cập nhật” với thị trường thế giới. Thì đâu đó nó cũng khiến cho nhiều doanh nghiệp liên quan mất đi khả năng “cập nhật” để điều chỉnh cho phù hợp với diễn biến chung của thị trường thế giới. Đây là một dấu hiệu nguy hiểm khi mà doanh nghiệp Việt Nam đang ngày càng hội nhập sâu rộng hơn với thị trường thế giới. Đó chính là một tác hại đáng kể đối với nền kinh tế.

Hiện nay, phần bù lỗ không phải là cho không vì sẽ được truy thu trở lại để trích trả ngân sách khi giá xăng dầu giảm xuống. Nhưng rõ ràng khi việc trích ngân sách để thực hiện bù lỗ trở thành một thông lệ thì vô hình chung ngân sách quốc gia lại phải luôn dự trù sẵn một khoản tiền không nhỏ. Trong khi đó, giá xăng dầu lại theo diễn biến của thế giới nên có thể xem là ngoài tầm kiểm soát của nhà nước, tức khoản ngân sách trên cũng ngoài tầm kiểm soát của nhà nước. Điều này đồng nghĩa với việc ngân sách lại phải luôn sẵn sàng cho một khoản vô định

Cả ba tác hại trên đều tạo ra những bất ổn tiềm tàng lớn cho nền kinh tế thì rõ ràng ngành xăng dầu cần một cơ chế hoạt động khác. Cơ chế hoạt động tốt nhất vẫn là để nó thể hiện theo đúng những gì thị trường thể hiện.

Cơ chế mở cửa

Rất nhiều chuyên gia từng lên tiếng về việc mở cửa thị trường xăng dầu để tăng tính cạnh tranh, nhờ đó mức giá được phản ánh đúng với diễn biến thị trường hơn. Nhìn lại quyết định số 187/2003 của Thủ tướng chính phủ về việc ban hành quy chế kinh doanh xăng dầu thì chúng ta có thể thấy quyết định này không hề “cấm cửa” các doanh nghiệp khác ngoài quốc doanh hay thể hiện tính độc quyền. Nhưng các điều kiện trong quy chế thì vô hình chung lại chưa “mở cửa”. Chính vì thế, nếu muốn “mở cửa” thị trường này cần phải có một số biện pháp “cởi trói” các quy định được xem là ngặt nghèo trong cơ chế trên.

Quy định về các điều kiện cầu cảng tiếp nhận, hệ thống kho bãi theo quy chế trên sẽ rất khó có doanh nghiệp nào có đủ tầm đáp ứng. Với một doanh nghiệp mới tham gia thị trường thì muốn đầu tư một hệ thống như thế không hề đơn giản. Hiện nay, nhà nước đang bắt đầu cổ phần hóa các doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu.

Thế thì tại sao không nhân cơ hội này chuyển các hạ tầng cầu cảng, kho bãi về cho một đơn vị nhà nước quản lý và thực hiện cho các doanh nghiệp nhập khẩu thuê sử dụng. Mức giá thuê sẽ được công khai và công bằng cho tất cả các nhà nhập khẩu.

Các doanh nghiệp nhập khẩu hiện tại sẽ cổ phần hóa và không còn quyền sở hữu đối với các kho bãi trên. Khi đó, các doanh nghiệp khác sẽ được dễ dàng tiếp cận lĩnh vực kinh doanh này hơn. Song hành với điều này là xây dựng một hệ thống kiểm soát về tiêu chuẩn xăng dầu nhập vào và tồn kho tại các cầu cảng, kho bãi. Cách làm này cũng tương tự với việc quản lý nhập khẩu và kiểm soát chất lượng của các ngành hàng khác.

Một quy định khác cũng đang làm khó các doanh nghiệp muốn tham gia nhập khẩu xăng dầu chính là việc phải có hệ thống cửa hàng và đại lý bán lẻ. Hệ thống phân phối này sẽ phải đăng ký và chịu sự quy hoạch của nhà nước. Chính vì thế, nếu một doanh nghiệp mới tham gia sẽ rất khó đáp ứng vì trong tình hình hiện tại sẽ khó phát triển một hệ thống phân phối mới, nếu phát triển được thì hệ thống phân phối cũng nhỏ nên doanh thu sẽ không cao. Như thế, kết hợp với yêu cầu về đầu tư cầu cảng, kho bãi thì chắc chắn không doanh nghiệp nào đủ “can đảm” tham gia thị trường.

Như vậy, một điều cần làm khác chính là chuyển đổi hệ thống phân phối trên trở thành một hệ thống phân phối độc lập. Hệ thống phân phối độc lập này sẽ chịu sự kiểm soát của các cơ quan liên ngành về các vấn đề an toàn cháy nổ, tiêu chuẩn chất lượng xăng dầu và độ chính xác trong cân đo nhằm đảm bảo quyền lợi khách hàng. Hệ thống này sẽ hoàn toàn tự chủ trong việc chọn nguồn hàng đầu vào cho mình mà không bị ràng buộc các quy định về đại lý như hiện tại.

Đối với các mục tiêu về an ninh quốc phòng hay ổn định xã hội liên quan đến xăng dầu. Nhà nước có thể xây dựng một chương trình dự trữ xăng dầu tương thích. Nhà nước có thể thực hiện một số quy định bắt buộc về việc tham gia dự trữ xăng dầu của các đơn vị nhập khẩu theo một tỷ lệ nhất định nhằm đảm bảo cho các hoạt động xã hội hay các hoạt động quốc phòng.

Khái quát hơn, tôi cho rằng cơ chế mở cửa ngành xăng dầu có thể tóm tắt trong các điểm sau:

1. Tách bạch các khâu: nhập khẩu, bán lẻ và các hạ tầng cũng như dịch vụ phụ trợ cần thiết như vận chuyển. Không gôm chung tất cả các khâu vào một để tạo rào cản gia nhập ngành.

2. Tiến hành xã hội hóa từng khâu nhưng tuân theo các yêu cầu về mặt đảm bảo an ninh, quốc phòng, an toàn cháy nổ.

3. Tiến hành cổ phần hóa các doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu hiện tại và trả các hạ tầng kho bãi, cầu cảng về cho nhà nước khai thác, cho thuê. Về lâu dài, hoạt động này cũng nên thực hiện xã hội hóa

4. Tổ chức và quy hoạch hệ thống kinh doanh xăng dầu, tăng cường kiểm soát về tình hình thực hiện an toàn cháy nổ, tính trung thực của hệ thống này.

5. Thực hiện các chương trình đảm bảo về mặt an ninh quốc phòng và bình ổn xã hội liên quan đến xăng dầu như quỹ dự trữ xăng dầu.

Ngô Minh Trí

Tuần Việt Nam

Các tin tức khác

>   Cầu lao động sẽ tăng đột biến (05/08/2009)

>   Mua nhà tại Mỹ: Lợi nhuận song hành rủi ro (05/08/2009)

>   Bài 1: FDI và câu chuyện bội thực của ngành thép (05/08/2009)

>   Thép lại kêu cứu (05/08/2009)

>   Hơn 9.5 tỷ USD xây dựng hệ thống kho dự trữ xăng dầu (05/08/2009)

>   Bao cấp hoạt động bưu chính đến hết năm 2013 (05/08/2009)

>   Hải quan và doanh nghiệp: Thiếu tiếng nói chung (05/08/2009)

>   Hai năm VN gia nhập WTO: Đã hiểu hơn “luật chơi” quốc tế (05/08/2009)

>   Xuất khẩu của Hà Nội: Tìm đường vượt khó (05/08/2009)

>   Dự thảo nghị định KD Gas: Khó cho doanh nghiệp nhỏ (05/08/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật