Thứ Tư, 05/08/2009 08:44

Hải quan và doanh nghiệp: Thiếu tiếng nói chung

Mặc dù ngành hải quan đã có nhiều nỗ lực trong cải cách hành chính, nhưng nhiều DN vẫn cho là mình bị phiền nhiễu khi làm thủ tục thông quan hàng hóa. Tại buổi đối thoại giữa Cục Hải quan, Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TP Hồ Chí Minh (ITPC) và các DN vừa qua cho thấy, vẫn có nhiều vướng mắc trong quá trình làm các thủ tục.

Rắc rối với áp mã số hàng hóa

Áp mã số hàng hóa (HS) cho hàng xuất nhập khẩu vẫn là điều khiến DN phàn nàn nhiều nhất. Cùng một mặt hàng nhưng mỗi chi cục lại áp mã HS khác nhau, có nơi áp thuế 3%, có nơi lại áp 5%, 10%... khiến DN mất thời gian chờ giám định, làm chậm trễ hợp đồng giao hàng với đối tác. Tại buổi đối thoại, đại diện của Công ty TNHH Cơ khí Duy Khanh (quận Tân Phú, TP Hồ Chí Minh) cho rằng, mình bị hải quan "hành" vì không biết "tế nhị". Trước đó, ngày 24-6, công ty này có nhập khẩu lô hàng mô-tơ công suất 6,5W để dùng thử nghiệm lắp vào cụm thiết bị đóng mở cửa sổ. Khi làm thủ tục tại Chi cục Hải quan Bưu điện, công ty đã tự áp mã hàng có thuế suất 0% vì đây là loại mô-tơ công suất nhỏ dùng cho các mặt hàng gia dụng.

Tuy nhiên, khi tính thuế, nhân viên hải quan lại xem đây là "động cơ điện có công suất trên 746W" và áp vào mã khác. Không đồng ý với mức thuế quá lớn, công ty xin điều chỉnh thành "động cơ điện có công suất dưới 37,5W", thuế suất thuế nhập khẩu là 3%. Tuy nhiên, sự điều chỉnh không được chấp nhận và hải quan đã yêu cầu đi kiểm định. Sau khi kiểm định thì lô hàng này lại được áp một mã số hoàn toàn khác, với mức thuế nhập khẩu lên đến 26%. Vì lô hàng chỉ hơn 12 triệu đồng nên công ty đành chấp nhận áp vào mã này để có thể lấy hàng về sản xuất, nhưng vẫn không đồng tình với hải quan vì "cái mô-tơ chỉ bé tí bằng ngón tay cái mà cho là có công suất trên 746W là quá vô lý".

Ông Nguyễn Trọng Hùng, Cục phó Hải quan TP Hồ Chí Minh cho rằng, việc áp mã rất khó khăn, phức tạp. Trường hợp Công ty Duy Khanh, không thể chủ quan cho rằng, động cơ nhỏ là có công suất thấp bởi hiện có nhiều thiết bị mới, công nghệ mới nên nhỏ nhưng công suất lại rất lớn. Trong thời gian này, DN vẫn có thể nhận hàng, ngoại trừ những mặt hàng thuộc danh mục cấm. Tuy nhiên, Công ty Duy Khanh khẳng định, Chi cục Hải quan Bưu điện đã không cho đơn vị này lấy hàng về cho đến khi giải quyết xong.

Hải quan thiếu… sách, doanh nghiệp thiệt thân!

Nhiều trường hợp dở khóc dở cười do không thống nhất trong thủ tục thông quan cũng được DN phản ánh. Vào giữa tháng 7-2009, một công ty xuất khẩu gỗ bỗng nhận được công văn đòi truy thu gần 80 triệu đồng thuế VAT với thuế suất 10%. Trong khi đó, từ trước đến nay công ty này và các công ty khác cùng mặt hàng xuất khẩu không hề phải chịu loại thuế này. Công văn "đòi nợ" đột xuất từ Cục Hải quan TP làm DN này dở khóc dở mếu vì đã bán hàng xong với cơ cấu giá cả không hề có thuế, giờ bỗng dưng phát sinh thêm chi phí. Còn công ty CP U&ME thì phản ánh cùng mặt hàng mô-đun nhưng công ty phải chịu với thuế suất nhập khẩu là 6% và thuế VAT là 10%, trong khi các nhà nhập khẩu khác chỉ phải đóng thuế VAT là 5%.

Về những trường hợp này, Cục Hải quan TP giải thích với một lý do hết sức bất ngờ là do nhân viên hải quan áp dụng… nhầm sách! Theo Cục Hải quan TP, vì kinh phí còn hạn chế nên chưa trang bị đủ sách cho tất cả nhân viên, do đó rất nhiều người đã phải trang bị nghiệp vụ bằng cách tự đi mua sách. Tuy nhiên, một số sách đã in sai so với văn bản nên đã xảy ra trường hợp nhầm lẫn trong giải quyết thủ tục nhập khẩu hàng hóa cho doanh nghiệp. Cụ thể ở trường hợp trên, mức thuế GTGT quy định là 10% nhưng sách in sai thành 0%, nhân viên hải quan cứ thế áp dụng nên gây ra sai sót!

Theo ông Hùng, vì những sơ suất trong áp mã HS khá nhiều nên Tổng cục Hải quan đã giao trách nhiệm cho Cục trưởng, nếu nơi nào xảy ra cùng một mặt hàng mà áp hai mã số khác nhau thì cục trưởng phải chịu trách nhiệm. Hiện Hải quan TP Hồ Chí Minh cũng đã thành lập hội đồng tư vấn việc áp mã để DN được nhanh chóng nhận hàng đưa vào sản xuất, kinh doanh. Hải quan TP cũng đã có đường dây nóng, các DN có bức xúc trong quá trình thực hiện thủ tục có thể gọi điện phản ánh kịp thời lên lãnh đạo ngành để được giải quyết.

Đặng Loan

Hà Nội mới

Các tin tức khác

>   Hai năm VN gia nhập WTO: Đã hiểu hơn “luật chơi” quốc tế (05/08/2009)

>   Xuất khẩu của Hà Nội: Tìm đường vượt khó (05/08/2009)

>   Dự thảo nghị định KD Gas: Khó cho doanh nghiệp nhỏ (05/08/2009)

>   Khách hàng hờ hững với gói cước siêu rẻ của Beeline (05/08/2009)

>   Cả nước chỉ nên có ba doanh nghiệp xăng dầu (05/08/2009)

>   Đầu tư ngoài ngành: Vào rồi mới thấy đắng (05/08/2009)

>   “Cắm rễ” thị trường nội địa - Dễ hay khó? (05/08/2009)

>   Lúng túng việc cắt dịch vụ các “đại thuê bao” (05/08/2009)

>   Hà Nội nhận diện thách thức, tận dụng cơ hội để phát triển (04/08/2009)

>   Phạt, truy thu San Miguel Pure Foods hơn 1,3 tỉ đồng (04/08/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật