Chủ Nhật, 09/08/2009 08:46

Thị trường ngoại tệ: Cần biện pháp hơn... hô hào

Chúng ta đang kêu gọi các DN không nên quá lệ thuộc vào USD mà nên... xuất khẩu vào nước nào trao đổi bằng đồng tiền của nước ấy. Điều này đúng, nhưng thực tế thì... khó khăn hơn nhiều. Câu chuyện dưới đây là một minh chứng.

Trưởng phòng giao dịch một ngân hàng tại Hải Phòng thần người ngồi nhìn khách hàng của mình. Ông này đang bối rối, không biết xử lý sao với nhu cầu tìm kiếm đồng KRY của Hàn Quốc (Won) để đáp ứng nhu cầu nhập khẩu của khách hàng.

Ngân hàng cũng bó tay ?

Một trong những khuyến cáo được đưa ra để giảm lệ thuộc vào USD là các DN cần tăng cường giao dịch với DN nước ngoài bằng ngoại tệ khác, thay vì bằng USD. Nhưng việc tăng cường sử dụng ngoại tệ khác được khuyến khích như thế nào? Do thực tế USD khan hiếm và tỷ giá thực tế không ổn định, nên hợp đồng tín dụng giữa ngân hàng này với khách hàng chuyển sang sử dụng VND. Sau đó, DN tự mua USD tại thị trường tự do để nộp vào tài khoản và giao dịch với đối tác nước ngoài. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, khách hàng nước ngoài cũng như bản thân DN nội đề nghị giao dịch bằng bản tệ của đối tác. Và đây quả là một thách thức thực sự với cả DN, cũng như ngân hàng trong nước.

Chẳng hạn tại hợp đồng nhập khẩu ôtô tải đã qua sử dụng xuất xứ từ Hàn Quốc của DN, đối tác nước ngoài Hàn Quốc yêu cầu phải thanh toán bằng Won. Do vậy, DN đề nghị ngân hàng hỗ trợ, tìm nguồn Won đủ để thanh toán hợp đồng. Tuy nhiên, ngoài một số ngoại tệ mạnh như USD, EUR, JPY (Yên)... chi nhánh ngân hàng này tại Hải Phòng không thực hiện các giao dịch bằng Won của Hàn Quốc. Và vì vậy, cán bộ ngân hàng phải tìm tới các ngân hàng khác cùng trên địa bàn thành phố để tìm loại ngoại tệ này. Tuy nhiên, câu trả lời từ các ngân hàng đều là không có. Ngay Chi nhánh Ngân hàng TMCP Ngoại thương của thành phố (VietcomBank Hải Phòng) cũng trả lời không có nguồn Won cho ngân hàng bạn.

Khổ nỗi, khi việc tìm kiếm nguồn Won bị tắc, đề nghị tiếp tục thanh toán bằng USD do DN nội đưa ra cũng bị đối tác từ chối. Lý do rất đơn giản, do tỷ giá Won/USD không ổn định ngay tại thị trường Hàn Quốc, nên phía đối tác chỉ muốn thanh toán bằng Won để giảm rủi ro. Và vì thế, dù nhẩm tính tỷ giá Won thị trường tự do tại thời điểm muốn mua với VND, rồi quy đổi qua tỷ giá USD cho thấy DN đã lãi lớn nếu thực hiện được thương vụ nhập khẩu ôtô từ Hàn Quốc. Nhưng do không tìm được nguồn cung Won từ ngân hàng mà nguy cơ không thực hiện được thương vụ, mất khoản lợi nhuận khá lớn của DN đã rất rõ ràng. Đáng tiếc, nguy cơ ấy bắt nguồn từ sự bất lực của ngân hàng trong hỗ trợ khách hàng của mình.

Có cũng... chịu !

Thực ra, nguồn cung Won, cũng như một số loại ngoại tệ khác là không thiếu. Ngay trong khi tìm kiếm nguồn Won, ngân hàng này và cả DN khách hàng của họ được “giới thiệu” ra một cửa hàng vàng bạc của Hải Phòng để mua Won. Cửa hàng này khẳng định, ai muốn mua bao nhiêu Won họ cũng có khả năng cung ứng đủ. Vấn đề còn lại, chỉ là DN và ngân hàng tìm được cách nào để hợp pháp hóa và chuyển số Won đi mà thôi. Nhưng với yêu cầu ấy, ngân hàng này cũng khó đáp ứng.

Hiện, chỉ có ngoại tệ có nguồn gốc từ các ngân hàng mới được chấp nhận cho thanh toán qua tài khoản. Do vậy, các ngân hàng cần có dự trữ ngoại tệ, hoặc có nguồn cung giữa các ngân hàng với nhau để luôn sẵn sàng đáp ứng ngoại tệ cho giao dịch của khách hàng. Nhưng không phải bao giờ nguồn ngoại tệ chính thức này cũng có đủ, kịp thời. Do vậy, nhiều khi DN phải tìm tới ngoại tệ từ thị trường tự do. Tuy nhiên, việc mua ngoại tệ từ thị trường tự do để nộp vào tài khoản, thanh toán cho giao dịch qua ngân hàng bị cấm. Để khắc phục, các ngân hàng “lách” bằng cách mua lại ngoại tệ của các DN sau đó bán lại cho chính DN.

Nhưng đó là “quy trình” bình thường với các ngoại tệ mạnh, có lượng giao dịch lớn. Với các loại ngoại tệ không mạnh thì các ngân hàng... chịu. Lý do có rất nhiều, chẳng hạn như ngân hàng không có dịch vụ trao đổi ngoại tệ bằng Won. Vì thế ngân hàng không thể mua và sau đó bán lại chính lượng Won này cho khách hàng. Hoặc cũng có thể ngân hàng đối tác phía nước ngoài không có thỏa thuận thanh toán bằng Won với ngân hàng này... Điều này có nghĩa, dù có thể huy động được Won, thì DN vẫn không có “cửa” dùng ngoại tệ này thay USD trong giao dịch của mình.

Đây chỉ là một trong vô vàn ví dụ về những khó khăn DN và ngân hàng gặp phải khi tìm cách giảm sự phụ thuộc vào USD. Điều đáng nói là ở chỗ, trong khi đưa ra chủ trương khuyến khích các DN sử dụng ngoại tệ khác thay USD trong giao dịch, thì việc xây dựng, đảm bảo nguồn cung cho các ngoại tệ không mạnh lại ít cơ quan chú ý. Kết quả là DN và ngân hàng có muốn dùng ngoại tệ khác trong giao dịch cũng không thể thực hiện. Vậy thì Ngân hàng nhà nước phải thực hiện đa dạng hóa dự trữ ngoại tệ trước, hay cần phải chờ tới khi DN có “nhu cầu” ở mức độ nhất định mới thực hiện dự trữ ?

Trả lời câu hỏi ấy trong thực tế hiện nay, khó khăn hệt như trả lời câu hỏi quả trứng có trước, hay con gà có trước. Điều rõ ràng, là nếu chỉ hô khẩu hiệu, mà không có những biện pháp kích thích nhu cầu, thì cả Won, cũng như nhiều loại ngoại tệ khác sẽ chẳng thể có tác dụng giảm sự phụ thuộc vào USD của nền kinh tế. Trứng có trước, hay gà có trước - với góc nhìn của nhà kinh doanh không là khái niệm triết học, mà thuần túy chỉ là món hàng có thể kinh doanh.

Quốc Dũng

Diễn đàn Doanh nghiệp

Các tin tức khác

>   Thị trường ngoại tệ cần một niềm tin (08/08/2009)

>   Tín dụng bắt đầu chững lại  (08/08/2009)

>   Vàng giảm giá mạnh do thất nghiệp Mỹ hạ nhiệt, USD tăng (08/08/2009)

>   Những thủ đoạn “rút ruột” ngân sách (08/08/2009)

>   Giảm gần 5.000 tỷ thuế giá trị gia tăng cho doanh nghiệp (08/08/2009)

>   Niềm tin vào đồng nội tệ đang rất ổn định (07/08/2009)

>   Cung cầu ngoại tệ bớt căng thẳng (07/08/2009)

>   Standard Chartered và ACB ký kết thỏa thuận hợp tác (07/08/2009)

>   NHNN thông báo dư nợ cho vay HTLS đến ngày 07/8/2009 (07/08/2009)

>   WB tài trợ Chương trình tín dụng giảm nghèo trị giá 350 triệu USD (07/08/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật