Tín dụng bắt đầu chững lại
Trước động thái kiểm soát chặt chất lượng tín dụng cũng như hạ mục tiêu kiểm soát tăng trưởng dư nợ năm 2009 xuống tối đa 27% của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), hoạt động cho vay của các ngân hàng có xu hướng chững lại. Dư nợ cho vay hỗ trợ lãi suất cũng không nằm ngoài “vòng xoáy” này. Theo báo cáo của các ngân hàng thương mại, dư nợ cho vay hỗ trợ lãi suất bằng VND tính đến ngày 30/7 là trên 359.106 tỷ đồng, chỉ tăng 0,91% so với một tuần trước đó.
Trao đổi với ĐTCK, ông Phạm Quốc Thanh, Phó tổng giám đốc ABBank nhận định, hoạt động cho vay bắt đầu có chiều hướng chững lại. So với tháng trước thì không đáng kể, nhưng so với 5 tháng đầu năm thì có sự sụt giảm. Một phần, do các ngân hàng thận trọng hơn trong quá trình triển khai hoạt động cho vay kể từ khi NHNN đưa ra chủ trương kiểm soát chặt tín dụng tại các ngân hàng. Đáng chú ý là với tín dụng tiêu dùng, hiện ABBank cũng tăng thêm các điều kiện tín dụng và kiểm soát chặt nguồn vốn vào chứng khoán, bất động sản.
Chính điều này là nguyên nhân khiến dư nợ tín dụng chậm lại. Bởi các ngân hàng không thể mạo hiểm khi chủ trương đưa ra là kiểm soát chặt chất lượng tín dụng.
Tại ACB, ngân hàng này cho biết, hoạt động tín dụng bắt đầu tăng mạnh kể từ cuối tháng 2/2009, nhưng đến tháng 4 thì sự tăng trưởng này bắt đầu chậm lại. Năm 2008, tăng trưởng tín dụng của ACB là 9%, nếu năm nay có cao thì gộp cả 2 năm, con số cũng không quá lớn so với tốc độ tăng trưởng chung cũng như nguồn vốn huy động của ACB. Cụ thể, tăng trưởng huy động vốn của ACB 6 tháng đầu năm nay là 25.000 tỷ đồng, nhưng dư nợ tín dụng chỉ tăng 16.000 tỷ đồng. Theo ACB, tăng trưởng tín dụng từ nay đến cuối năm sẽ ở mức hợp lý.
Tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần tại TP. HCM cho rằng, dư nợ tín dụng giảm không nằm ngoài chủ trương kiểm soát chặt tín dụng của NHNN. Bởi tính đến cuối tháng 7, tăng trưởng dư nợ tín dụng toàn ngành ngân hàng đã là 22,76%, trong khi mục tiêu kiểm soát tăng trưởng dư nợ cả năm nay tối đa là 27% (mục tiêu đưa ra đầu năm là 30%). Hiện với tín dụng cá nhân, đặc biệt là cho vay cầm cố chứng khoán và bất động sản, các ngân hàng vẫn triển khai, nhưng tỏ ra thận trọng cao so với 5 tháng đầu năm.
Với chương trình cho vay hỗ trợ lãi suất, ông Thanh cho biết, ABBank vẫn triển khai, song trên tinh thần kiểm soát chặt, nhằm hạn chế tối đa rủi ro. Tính đến cuối tháng 7, dư nợ cho vay hỗ trợ lãi suất của ABBank đạt 2.580 tỷ đồng (tổng dư nợ cho vay là 9.139 tỷ đồng, đạt 82% kế hoạch năm).
Trong khi đó, mặt bằng lãi suất cho vay của các ngân hàng vẫn không thay đổi so với 6 tháng đầu năm, cho dù chi phí đầu vào tiếp tục gia tăng theo lãi suất tiền gửi. Thậm chí, một số ngân hàng đã đưa lãi suất huy động gần chạm ngưỡng trần cho vay đối với doanh nghiệp, chẳng hạn HDBank tăng lãi suất tiết kiệm lên 10,3%/năm trong ngày 6/8. Còn lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND của nhóm ngân hàng thương mại nhà nước vẫn phổ biến ở mức 8,5 - 10%/năm; trung và dài hạn 10 - 10,5%/năm. Lãi suất cho vay VND của nhóm ngân hàng thương mại cổ phần phổ biến ở mức 10 - 10,5%/năm; lãi suất cho vay sau khi trừ đi phần hỗ trợ lãi suất phổ biến ở mức 4,5 - 6%/năm; lãi suất cho vay thỏa thuận đối với các nhu cầu vốn phục vụ đời sống, qua nghiệp vụ phát hành và sử dụng thẻ tín dụng từ 12 - 16,5%/năm.
Thùy Vinh
ĐẦU TƯ CHỨNG KHOÁN
|