Thị trường ngoại hối có dấu hiệu "giảm nhiệt"
Trong những ngày gần đây, tình trạng căng thẳng trên thị trường ngoại hối đã có dấu hiệu "giảm nhiệt". Nhiều doanh nghiệp đã "chịu bán" USD cho ngân hàng, tình trạng găm giữ ngoại tệ đã giảm nhiều và do đó giá USD trên thị trường chính thức và phi chính thức cùng hạ xuống.
Găm giữ ngoại tệ giảm
Theo một doanh nghiệp nhập khẩu máy tính, hiện nay tỉ giá đã giảm khoảng 50 đồng/USD so với đầu tháng. "Đầu tháng, chúng tôi phải mua USD bên ngoài với giá 18.430 - 18.450 đồng/USD, bây giờ chỉ còn 18.380 đồng/USD. Mua của ngân hàng thì tỉ giá là 18.210 đồng/USD, giảm nhiều so với trước đây".
Doanh nghiệp này cho biết thêm: "Các ngân hàng có công bố tỉ giá chính thức nhưng doanh nghiệp muốn mua thì bị cộng thêm khoảng 200 - 300 đồng/USD vào các khoản phí như: Phí trả cho nhà nhập khẩu, phí giao dịch...".
Theo khảo sát của phóng viên, trong sáng qua tại phố Hà Trung (Hà Nội) tỉ giá mua lẻ ở mức 18.350 (mua vào) - 18.400 đồng/USD (bán ra). Còn nếu khách hàng có nhu cầu mua nhiều, giá sẽ giảm khoảng 10 - 30 đồng/USD tùy thuộc vào số lượng mua. Như vậy, so với đầu tháng, tỉ giá đô la Mỹ đã hạ nhiệt.
Một trong những nguyên nhân khiến thị trường ngoại hối giảm sức "nóng" là "trong thời gian qua, nhiều doanh nghiệp đã bán USD cho ngân hàng. Do vậy, thị trường ngoại hối đã hạ nhiệt", ông Nguyễn Thanh Toại, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Á Châu (ACB) cho biết.
Theo ông Toại, hiện nguồn cung USD khá dồi dào, vì vậy các ngân hàng sẽ bán theo tỉ giá niêm yết và do đó tình trạng găm giữ ngoại tệ của doanh nghiệp đã giảm hẳn.
Đối với nhiều doanh nghiệp, tỉ giá giảm chừng nào thì doanh nghiệp mừng chừng đó. "Thị trường ngoại hối hạ nhiệt giúp doanh nghiệp "dễ thở" hơn nhưng sự chênh lệnh tỉ giá giữa ngân hàng và bên ngoài vẫn còn cao", ông Mai Huy Tân, Giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm Đức Việt cho biết.
Theo ông Tân, tỉ giá có giảm nhưng thực tế doanh nghiệp không thể mua ngoại tệ theo mức tỉ giá niêm yết của các ngân hàng thương mại. Nếu muốn có ngoại tệ thanh toán thì doanh nghiệp mua bên ngoài, sau đó nộp vào ngân hàng thanh toán hoặc mua của ngân hàng với tỉ giá niêm yết cộng thêm một số phụ phí.
Xu hướng tỉ giá
Có ý kiến cho rằng, Ngân hàng Nhà nước nên nâng tỉ giá để làm giảm tình trạng găm giữ ngoại tệ trong những tháng gần đây.
Tuy nhiên, theo một lãnh đạo của Ngân hàng Nhà nước, vì dự báo trước được xu hướng giảm giá của đồng USD nên Ngân hàng Nhà nước đã chủ động không điều chỉnh tỉ giá. Và thực tế khi các gói kích cầu được nhiều nước tung ra đã làm cho đồng USD giảm giá so với các đồng tiền khác trên thế giới.
Còn ý kiến cho rằng nên nâng tỉ giá để nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam thì "vấn đề không phải là nâng tỉ giá để nâng sức cạnh tranh hàng hóa Việt Nam mà vấn đề đối với các doanh nghiệp bây giờ là tìm thị trường", vị lãnh đạo của Ngân hàng Nhà nước cho biết.
Theo Ngân hàng Nhà nước, trong 7 tháng đầu năm, nhập siêu của Việt Nam chỉ ở mức 3,4 tỷ USD, giảm nhiều so với cùng kỳ năm ngoái; dự kiến cả năm nhập siêu sẽ dưới 10 tỷ USD. Trong khi đó, luồng vốn FDI đăng ký 6 tháng đầu năm vẫn đạt 10 tỷ USD và đã giải ngân được gần 5 tỷ USD.
Hơn nữa, dòng vốn gián tiếp nước ngoài (FII) vẫn đang vào mạnh là một tín hiệu rất tích cực cho thị trường, nguồn kiều hối cũng giảm không đáng kể.
Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện nhiều giải pháp chấn chỉnh, tăng cường quản lý nhà nước về hoạt động ngoại hối, thị trường ngoại hối. Việc đưa lãi suất ngoại tệ xuống còn khoảng một nửa so với cách đây vài tháng đã kích thích nhu cầu vay ngoại tệ.
Đến cuối tháng 7, nhu cầu vay ngoại tệ đã tăng trở lại (tháng 7 tăng 1,2% so với tháng 6) và so với cuối năm 2008 chỉ còn giảm 2,32%. Mặt khác, lãi suất ngoại tệ thấp cũng khiến nhiều người dân bán ngoại tệ lấy nội tệ gửi tiết kiệm.
Vietnam+
|