Thắt chặt tín dụng không tác động lớn đến TTCK
Công ty cổ phần Chứng khoán Âu Việt (AVSC) vừa ra báo cáo phân tích về tác động của chính sách tín dụng ảnh hưởng lên TTCK 6 tháng cuối năm 2009. Sau đây là tóm lược những ý chính trong báo cáo này.
Chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng chỉ còn 8 - 10% đến cuối năm
Sáu tháng đầu năm 2009, tăng trưởng tín dụng là 17%, tăng chủ yếu nhờ gói hỗ trợ kích cầu của Chính phủ. Theo Ngân hàng Nhà nước, dư nợ cho vay hỗ trợ lãi suất ngắn hạn bằng VND tính đến ngày 2/7 là 372.272 tỷ đồng (tương đương 24% tổng mức dư nợ tín dụng của toàn hệ thống ngân hàng). Như vậy, chương trình cho vay hỗ trợ lãi suất đã giải ngân được 63,9% và số vốn còn lại cho 6 tháng cuối năm là 210.728 tỷ đồng.
Về cho vay đầu tư kinh doanh chứng khoán, tính đến cuối tháng 6, dư nợ cho vay kinh doanh chứng khoán đạt khoảng 8.830 tỷ đồng (tăng 28,31% so với cuối năm 2008), con số này vẫn khá an toàn vì chỉ tương đương 5,4% tổng vốn điều lệ của tất cả ngân hàng thương mại và bằng 1/4 hạn mức an toàn cho phép của Ngân hàng Nhà nước là 20%. Như vậy, hạn mức tín dụng dành cho vay kinh doanh chứng khoán trong 6 tháng cuối năm vẫn còn tới hơn 24.000 tỷ đồng.
Việc tăng trưởng tín dụng nhanh khiến hoạt động huy động vốn không theo kịp cho vay và điều này gây sức ép làm lãi suất huy động bắt đầu xu hướng tăng lên trong thời gian gần đây.
Trước bối cảnh lạm phát có nguy cơ quay trở lại (chủ yếu do tăng giá nguyên liệu cơ bản trên thế giới và Việt Nam), chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước đang được chuyển dần từ hướng nới lỏng tiền tệ sang ít nới lỏng tiền tệ. Cụ thể, mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2009 hạ xuống còn 25 - 27%, làm tăng trưởng tín dụng 6 tháng cuối năm chỉ được phép 8 - 10%.
Ngân hàng bị ảnh hưởng nhiều nhất về lợi nhuận
Tăng trưởng tín dụng giảm làm giảm lợi nhuận của ngân hàng, vì tín dụng vẫn chiếm khoảng 70% lợi nhuận của khối này. Ngoài ra, buộc ngân hàng phải tăng lãi suất huy động để có đủ vốn hoạt động, khiến chênh lệch lãi suất đầu vào - đầu ra (NIM) ngày càng thu hẹp, làm giảm lợi nhuận thu về. Theo thống kê, NIM của các ngân hàng thời gian trước đây nằm trong khoảng 3 - 3,5%, nhưng hiện nay chỉ còn trên dưới 1%. Tuy nhiên, khó khăn sẽ buộc các ngân hàng phải tìm thêm thu nhập ngoài lãi cho vay, chẳng hạn thu thêm các loại phí như phí quản lý tài sản thế chấp, phí thanh toán, phí quản lý tài khoản…
Do đó, tác động sẽ làm lợi nhuận ngân hàng giảm so với 6 tháng đầu năm, đặc biệt giảm nhiều hơn trong quý IV. Tuy nhiên, mức giảm sẽ không quá lớn.
AVSC dự báo, các ngân hàng sẽ đẩy mạnh khai thác cho vay chứng khoán vì room tín dụng chứng khoán của nhiều ngân hàng vẫn còn khá lớn (hơn 24.000 tỷ đồng). Ngoài ra, khi điều kiện thuận lợi quay lại, ngân hàng sẽ mở rộng cho vay tiêu dùng, vì có NIM cao hơn cho vay doanh nghiệp.
Doanh nghiệp không bị ảnh hưởng nhiều
Việc tăng lãi suất, phí phi tín dụng và gói hỗ trợ lãi suất không còn nhiều sẽ góp phần tăng thêm chi phí tài chính cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, tác động xấu về chi phí tài chính có thể được bù đắp bởi nền hình kinh tế trong nước và thế giới đang phục hồi mạnh trở lại, biểu hiện rõ ràng qua tăng trưởng xuất khẩu của một số ngành như đồ gỗ, thủy sản, cao su… trong tháng 7 vừa qua. Điều mà AVSC lo ngại nhiều hơn là hệ thống ngân hàng không cung cấp đủ nhu cầu vốn cho tăng trưởng của nền kinh tế do sự kiềm chế của chính sách tín dụng.
Nhà đầu tư không bị tác động
Sau khi bị tác động tâm lý mạnh vào thời điểm giữa tháng 6 khiến VN-Index rơi từ đỉnh 512 về 420 thì hiện nay, trước tình hình kinh tế vĩ mô trong nước và thế giới có nhiều dấu hiệu khả quan thì nhà đầu tư cá nhân đã giảm dần mối lo ngại về vấn đề siết tín dụng của Ngân hàng Nhà nước. Room cho vay chứng khoán 24.000 tỷ đồng vẫn là nguồn tiền khá lớn và giá trị giao dịch trên HOSE và HNX tăng vọt 1 tuần gần đây cho thấy thực tế không bị ảnh hưởng nhiều của cho vay đầu tư chứng khoán.
Tạ Thu Tín, Trưởng nhóm phân tích - Phụ trách kinh tế vĩ mô, CTCK Âu Việt
đầu tư chứng khoán
|