Thị trường cần cả những phản hồi
Trên các website chuyên sâu về chứng khoán, mục “CTCK dự báo thị trường hàng ngày” xét về số lượng có lẽ là chuyên mục luôn nhận được nhiều ý kiến phản hồi của người đọc nhất. Và điểm qua cũng thấy, các ý kiến chê trách hay không đồng tình luôn nhiều hơn ý kiến ủng hộ.
Nhẹ thì người đọc phản bác lại CTCK về xu hướng thị trường, nặng hơn thì nghi ngờ rằng, nhận định này nhận định kia có bóng dáng mục đích vụ lợi. Ý kiến trung dung thì đề nghị ban quản trị nên đăng các nhận định có chọn lọc hơn, cực đoan hơn thì đề nghị ban quản trị không nên tổng hợp trích đăng các thông tin kiểu này nữa - tránh méo mó và lệch lạc thị trường...
Thật ra, TTCK là tập hợp của nhiều chủ thể, mâu thuẫn bởi các quyền lợi thuộc nhóm mua và nhóm bán. Vì vậy, cũng hết sức bình thường khi một nhận xét dù khách quan nhưng vẫn nhận nhiều ý kiến phản đối. Tại các bước ngoặt quan trọng của thị trường trong quá khứ, các CTCK có đội ngũ nhân sự phân tích hùng hậu nhất cũng đã hơn một lần nhầm lẫn. Tại những CTCK mới thành lập, phòng phân tích có đội ngũ nhân sự rất mỏng, chỉ 2 - 3 người, nhưng trước áp lực phải tạo dựng thương hiệu, công ty cũng chạy theo phong trào làm báo cáo phân tích ngày. Áp lực thời gian và hạn chế về nhân sự đã khiến nhiều nhận định đánh giá thị trường của những công ty này có yếu tố cảm tính, thiếu sự bao quát và chiều sâu. NĐT tinh ý cũng có thể nhận ra, tại cá biệt một vài CTCK, việc ra các khuyến nghị mua/bán một vài mã cổ phiếu cụ thể theo hướng có lợi cho hoạt động tự doanh của công ty (được công bố trên các nguồn chính thống). Vì vậy, chuyện NĐT dựa vào những lỗi này để “trách móc” hay nghi ngờ các CTCK, họ cũng có các lý lẽ riêng.
Tuy nhiên, khi “nặng lời” với các CTCK, NĐT đã quên mất mình đang nhận một sản phẩm miễn phí. Và loại trừ không khí chúng ta đang hít thở, những gì miễn phí thường khó có thể đòi hỏi chất lượng cao. Mặt khác, việc nhận định thị trường từ xưa đến nay luôn là công việc khó khăn. Hàng ngày, các CTCK chứ không phải ai khác chính là những người đã tiên phong bình luận, đánh giá các vấn đề nóng của thị trường. Sự nhiệt tình này dễ khiến các CTCK “việt vị” trước các thay đổi nhanh. Khi xu hướng thị trường tương đối rõ nét, các dự báo có tính chính xác cao nhưng đôi khi thị trường cũng đỏng đảnh như cô gái đẹp, khiến việc dự báo mang tính hên xui giống như việc tung một đồng xu sấp ngửa.
Có ý kiến rằng, các CTCK đưa ra nhận định phục vụ cho ý đồ “đánh lên” hoặc “đánh xuống”. Tuy nhiên, trên bất kỳ TTCK nào, hoạt động đầu cơ của các tổ chức và cá nhân là một phần của cuộc chơi và họ vẫn phải theo các yếu tố thị trường và quy luận cung cầu. TTCK Việt Nam hiện nay với quy mô đã đủ lớn: hơn 650.000 tài khoản, hơn 100 CTCK, hàng ngàn NĐT tổ chức, liệu một vài CTCK lớn có đủ sức khống chế thị trường?
Tuy nhiên, cũng phải khẳng định rằng, trên thị trường hiện có quá nhiều thông tin nhận định, vàng thau lẫn lộn. Trưởng bộ Phận phân tích CTCK Kim Eng, ông King Yoong trong câu chuyện với ĐTCK có kể rằng, tại những TTCK phát triển, các CTCK vẫn đưa ra các khuyến nghị, nhận định, nhưng cuối mỗi quý đều có tổng kết đánh giá lại. Các nhận định thị trường sai lệch với thực tế đều được công ty phản hồi, lý giải nguyên nhân. Điều này, về kỹ thuật chắc không có gì khó khăn, nhưng ở Việt Nam dường như chưa có thành viên thị trường nào tiên phong, phải chăng vì sợ “vạch áo cho người xem lưng”?
Giang Thanh
TBKTVN
|