Người VN ưu tiên dùng hàng VN:
Thắng nhờ thế mạnh sản phẩm
Để “Người VN ưu tiên dùng hàng VN”, doanh nghiệp trong nước phải chứng minh được sản phẩm của mình tốt, bền, nhiều tiện ích, giá hợp lý hơn sản phẩm cùng loại của doanh nghiệp nước ngoài
* Quyền lực của người tiêu dùng
Thị trường VN có tiềm năng rất lớn, chính các doanh nghiệp (DN) nước ngoài phát hiện tiềm năng này trước qua các hoạt động đầu tư trực tiếp và gián tiếp tăng lên không ngừng. Khi thị trường xuất khẩu khó khăn, nhiều DN giật mình nhận thấy mình đã chọn thị trường chưa tối ưu, đặc biệt chưa nhận thức được vai trò của thị trường nội địa.
Lợi thế sân nhà
May mắn là thị trường trong nước chưa bị hàng hóa nước ngoài xâm nhập nhiều, có những thị trường như nông nghiệp, nghề truyền thống, các ngành thâm dụng lao động..., DN VN vẫn làm chủ. Trong điều kiện đó, DN cần chuyển hướng chiến lược, giữ vững thị trường xuất khẩu và đẩy mạnh khai thác thị trường trong nước.
VN với 86 triệu dân, cơ cấu dân số trẻ nên sức tiêu thụ rất lớn. DN VN có lợi thế sân nhà, hiểu được tập tục, thói quen tiêu dùng của người Việt. Mặt khác, thực tế hiện nay một số mặt hàng ngoại có chất lượng không hơn hàng nội, thậm chí kém hơn.
Bên cạnh đó, tính tự cung tự cấp của người tiêu dùng giảm, thay vào đó là tính hàng hóa tăng, đặc biệt là vùng nông thôn; thị trường hàng hóa giá trị cao bắt đầu xâm nhập ở cả nông thôn và thành thị; nhu cầu tiêu dùng rất đa dạng, sự phân hóa tiêu dùng lớn... Nói cách khác, cơ cấu chi tiêu đa dạng tại thị trường VN đủ sức “nuôi sống” các nhà máy, công ty, hàng hóa nào cũng có cơ hội phát triển.
Nhiều “chìa” để mở “khóa thành công”
Trước tiên, DN phải nhận thức được con đường tối ưu là phát triển thị trường trong nước trước khi nói tới thị trường xuất khẩu để xây dựng chiến lược mục tiêu về thị phần, sản phẩm và giá sản phẩm, chất lượng sản phẩm. Trong đó, ưu tiên định vị thị trường mục tiêu; tính đa dạng của hàng hóa, chất lượng sản phẩm, hướng đến sản phẩm hàm lượng chất xám cao, giữ chặt và phát huy sở trường trong chiến lược sản phẩm...
Để cạnh tranh, DN phải nhanh chóng cắt giảm các khoản chi phí bất hợp lý, giảm giá thành để giảm giá bán hàng hóa sản xuất trong nước bằng hoặc thấp hơn hàng nhập khẩu. DN chỉ nên đặt lợi nhuận kỳ vọng thấp vì phải mất 3 - 5 hoặc 10 năm mới chiếm lĩnh được thị trường.
Song song đó, DN VN phải tập xây dựng đạo đức kinh doanh: Hướng đến người tiêu dùng, bỏ kiểu làm ăn kinh doanh chụp giật. Đạo đức kinh doanh sẽ giúp DN thu lợi lâu, bền, lãi cao. Thực tế đã chứng minh đạo đức kinh doanh cộng với tính chuyên nghiệp sẽ làm nên thương hiệu.
Ngoài những yếu tố trên, một yếu tố không thể bỏ qua đó là DN nên cải thiện mẫu mã bao bì, cải tiến chất lượng sản phẩm, nhạy bén nắm bắt nhu cầu người tiêu dùng kết hợp với hoạt động quảng cáo, khuyến mãi; tránh tuyên truyền “Người VN ưu tiên dùng hàng VN” suông mà phải giáo dục tính thiệt hơn, thuyết phục khách hàng bằng chính những ưu thế của sản phẩm.
Không thể ép người tiêu dùng VN phải dùng hàng Việt nếu không chứng minh được hàng VN rẻ, bền, mẫu mã đẹp, phong phú, nhiều tiện ích... so với hàng ngoại đồng loại.
Điểm cuối cùng và cũng mang tính quyết định là yếu tố con người. DN muốn thắng trong cuộc chiến giành lại sân nhà thì phải có đội ngũ lãnh đạo có tài, xây dựng được quy trình quản trị ISO...
TS Lê Thẩm Dương (Trường ĐH Ngân hàng TPHCM)
người lao động
|