Cải tiến giá để thu hút vốn ngoại vào ngành điện
Hôm qua (20-8), Bộ Công thương đã chủ trì hội thảo quốc tế về quy hoạch và chiến lược phát triển năng lượng Việt Nam. Phát biểu tại hội thảo, ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, cho biết đến năm 2030, vốn đầu tư cho ngành điện cần khoảng 300 tỷ USD. Như vậy, ước tính mỗi năm cần khoảng 10 tỷ USD. Tuy nhiên, hiện nay ngành điện Việt Nam đang thiếu vốn trầm trọng.
Ông Ngãi dẫn chứng: Chính phủ giao cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) 13 dự án điện nhưng mấy năm nay không triển khai được vì không có vốn. Sau khi Chính phủ điều chỉnh, chuyển bớt một số dự án điện sang cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam thì đến nay cũng chỉ có dự án Vũng Áng 2 được khởi công.
Ông Ngãi băn khoăn: “Gần 10 năm nay không có nhà đầu tư nước ngoài nào đầu tư vào ngành điện bởi cơ chế giá. Để có lãi, nhà đầu tư nước ngoài đưa giá 8-10 cent/kWh nhưng chúng ta chỉ có thể trả với giá 6 cent. Với số vốn khổng lồ như nêu ở trên thì chỉ có cách là kêu gọi đầu tư nước ngoài tham gia mà thôi. Nhưng nếu chúng ta không có cơ chế cởi mở thu hút đầu tư nước ngoài thì với việc thiếu vốn trầm trọng như hiện nay, Việt Nam khó có thể có thị trường cạnh tranh trong tương lai gần”.
Ông Nguyễn Xuân Trung, Cục phó Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), chia sẻ: Các dự án đầu tư xây dựng nhà máy điện quy mô lớn, nhất là theo hình thức BOT được nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm. Tuy nhiên, việc bán điện thường phải đàm phán hợp đồng mua bán điện với EVN. Ngay khi có bán trực tiếp cho các nhà tiêu thụ điện như doanh nghiệp ở khu công nghiệp thì cũng phải có hợp đồng mua bán điện với EVN thỏa thuận việc mua bán. Hơn nữa, các nhà thầu nước ngoài luôn phản ánh việc đàm phán các hợp đồng mua bán điện với EVN mất nhiều thời gian. Ví dụ như dự án điện Phú Mỹ 2.2 và Phú Mỹ 3 mất đến năm năm.
Để thu hút được các nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào dự án điện, ông Trung đề xuất cần giải quyết các vướng mắc nêu trên, nhất là cải tiến Hợp đồng mua bán điện, đồng thời có cơ chế thông thoáng cả về thủ tục cũng như cách tính giá điện công khai, minh bạch. Mặt khác, nhằm đáp ứng kịp sự phát triển chung của xã hội, ngành điện cần cân đối việc tính giá bằng cách dùng nguồn điện giá thấp như thủy điện để bù lỗ khi mua lại giá điện cao.
Lê Thanh
Pháp luật
|