TG cần gói kích thích thứ 2 để tránh thập kỷ mất mát
(Vietstock) – Trong cuộc phỏng vấn với CNBC, kinh tế gia đoạt giải Nobel, Paul Krugman, nhận định kinh tế thế giới cần gói kích thích kinh tế thứ hai nếu muốn tránh lập lại lịch sử của Nhật Bản trong thập kỷ 1990. Khi đó kinh tế Nhật đã trải qua giai đoạn hết sức trì trệ trong nhiều năm.
Krugman nói: “Điều đáng mừng là tình hình hiện nay không mang hình thức của một cuộc đại suy thoái lần hai như những gì đã diễn ra trong vài tháng qua.”
Ông cho biết thêm, tất cả các chỉ báo đều hướng đến cùng một sự thật rằng không còn hiện tượng rơi tự do trong nền kinh tế nữa. Tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ suy giảm với tốc độ chậm hơn trước và dường như ngành dịch vụ toàn cầu cũng đang bình ổn.
Tuy nhiên khó mà xác định được các nguồn tăng trưởng trong tương lai khi cuộc khủng hoảng tài chính đã để lại cho thế giới hậu quả khá nghiêm trọng với tỷ lệ thất nghiệp đang ở mức cao kỷ lục.
Krugman phát biểu: “Ngay lúc này, tính hình kinh tế thế giới nói chung giống như Nhật Bản vào đầu thập lỷ 1990. Chưa đến mức trở thành thảm họa nhưng thực sự chúng ta không biết làm thế nào để đạt được tăng trưởng một cách thực thụ. Thực sự mà nói tính chất của cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu lúc này còn tồi tệ hơn rất nhiều so với bất kỳ cuộc suy thoái nào mà Nhật Bản đã gánh chịu trong suốt thập kỷ mất mát."
Krugman cho CNBC biết để đạt được phục hồi bền vững trong bổi cảnh lạm phát vẫn còn rình rập, nền kinh tế cần thêm một lượng tiền nữa.
Phủ nhận những nỗi lo sợ xung quanh sự leo thang của giá cả xuất phát từ dòng tiền lượng tiền mặt dồi dào trên thị trường, ông nói: “Chúng ta thực sự nên có thêm gói kích cầu thứ 2, chúng ta nên có thêm tiền.”
Theo ông, chưa xuất hiện bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy sự trở lại của lạm phát. "Các bạn nên hiểu rằng tiền đổ vào hệ thống tài chính thì vẫn còn ở đó. Nếu lạm phát sắp xảy ra thì việc rút số tiền này ra cũng dễ dàng. Tuy nhiên, nguy cơ xảy ra cuộc khủng hoảng lần 2 trong trung hạn rất cao khi cuộc cải cách toàn diện hệ thống tài chính vẫn chưa được thực hiện.", Krugman giải thích.
Nhà kinh tế nhận xét: “Tại thời điểm này, khả năng tiến hành cuộc cải cách đã giảm sút bởi sự đối lập quan điểm trong nội bộ quốc hội, bởi các ngành công nghiệp và ngân hàng làm ăn có lãi trở lại…”
Krugman cảnh báo: “Chính phủ có thể không sẵn sàng thực hiện điều này và điều đó đồng nghĩa với việc chúng ta phải chuẩn bị tốt cho gói kích cầu kinh tế thứ 2. Một cuộc khủng hoảng khác sẽ ập xuống trong những năm tới trước khi chúng ta có thể thực sự thay đổi mọi việc.”
Phạm Thị Phước (Theo CNBC)
|