Thứ Hai, 24/08/2009 19:33

Tận dụng nhưng đừng lạm dụng

TBKTSG Online đã trò chuyện với tiến sĩ Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam về cuộc vận động “Người Việt dùng hàng Việt”.

Trước đây từng có nhiều lời kêu gọi “người Việt dùng hàng Việt”. Liệu cuộc vận động lần này có tác động tốt đến thói quen của người tiêu dùng trong việc chọn hàng Việt Nam để sử dụng không, thưa ông?

Chắc chắn có cuộc vận động này thì nhà nước sẽ có các biện pháp tuyên truyền để có hiệu quả tốt. Theo tôi, cuộc vận động này là cần thiết, nhưng thực sự chỉ mới kêu gọi ở phía người tiêu dùng, thiếu hẳn vế doanh nghiệp. Tức là doanh nghiệp phải sản xuất ra sản phẩm tốt xứng đáng để người Việt Nam tiêu dùng, chứ không phải doanh nghiệp sản xuất ra hàng kém chất lượng rồi vẫn kêu gọi người Việt Nam cố gắng mà tiêu dùng. Chính doanh nghiệp phải có trách nhiệm để hàng hóa của họ có chất lượng bảo đảm được người tiêu dùng lựa chọn.

Tận dụng cơ hội từ cuộc vận động này, ngoài việc sản phẩm phải có chất lượng tốt, doanh nghiệp cần làm gì để khẳng định thế mạnh của mình?

Cuộc vận động này ra đời là một cơ hội cho doanh nghiệp, vì sẽ có thêm lượng lớn người tiêu dùng lưu tâm đến hàng Việt, ít nhất là vì lòng yêu nước của họ.Theo tôi, mọi phong trào cũng sẽ đến lúc chấm dứt, điều rõ ràng nhất chính là người tiêu dùng có quyền lựa chọn những sản phẩm phù hợp với mình chứ không nhất thiết phải lựa chọn hàng nội địa. Vì vậy, doanh nghiệp phải đặt trong thế đương đầu với cạnh tranh lâu dài để nâng cao chất lượng sản phẩm, chứ không thể chỉ dựa vào cuộc vận động này.

Muốn cạnh tranh được, doanh nghiệp ngoài việc chú ý đến chất lượng còn phải quan tâm đến các dịch vụ hậu mãi, vì trước nay doanh nghiệp Việt Nam chưa thực hiện tốt việc này, khiến người tiêu dùng chưa hài lòng và chọn các sản phẩm ngoại nhập.

Trước tình hình hàng Trung Quốc giá rẻ đang cạnh tranh gay gắt với hàng trong nước, theo ông thì nhà nước cần có biện pháp gì?

Khi đã kêu gọi người Việt dùng hàng Việt rồi thì nhà nước cũng phải yểm trợ, cụ thể là nguyên tắc thị trường phải được chú trọng, không để hàng lậu, hàng kém chất lượng tràn vào qua các cửa khẩu biên giới. Vì khi hàng kém chất lượng đã có trên thị trường thì người tiêu dùng sẽ mua, nên phải nghiên cứu, áp dụng các hàng rào kỹ thuật để ngăn không cho loại hàng này vào. Chuyện này không thể thực hiện một sớm một chiều, nhưng đó là các biện pháp lâu dài mà nhà nước phải tính đến.

Cuộc vận động này không bảo hộ hàng trong nước, và các hàng rào kỹ thuật cũng chỉ là để chấm dứt tình trạng hàng ngoại nhập kém chất lượng được bán tràn lan trên thị trường, ảnh hưởng đển người tiêu dùng và để doanh nghiệp có môi trường cạnh tranh lành mạnh hơn. Việc lớn nhất là doanh nghiệp phải đổi mới phương thức sản xuất, cải tiến quy trình công nghệ để hạ giá thành sản phẩm, nhưng phải đảm bảo chất lượng hàng hóa.

Xin cảm ơn ông.

Thanh Thương

TBKTSG Online

Các tin tức khác

>   Xuất khẩu cao su bứt phá (24/08/2009)

>   Có thể bỏ danh mục công trình xây dựng miễn phép (24/08/2009)

>   700 triệu đồng để tạo nhãn hiệu gạo thơm Sóc Trăng (24/08/2009)

>   Điều chỉnh giá thuê mặt bằng theo thuế thu nhập (24/08/2009)

>   Giảm tổn thất nông sản sau thu hoạch: Chặng đường gian nan (24/08/2009)

>   “Tăng cường năng lực hội nhập kinh tế của Việt Nam” (24/08/2009)

>   Dùng hàng nội: “Chính doanh nghiệp phải tạo sức hút!” (24/08/2009)

>   Mặt bằng cho thuê bán lẻ không sợ ế (24/08/2009)

>   Phát triển doanh nghiệp sau khủng hoảng (24/08/2009)

>   Cần gói kích cầu thứ hai (24/08/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật