'Sức khỏe' tập đoàn: Thất thoát, lỗ, quản trị hạn chế
Công bố sáng nay (13/8) trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội sau đợt "khám sức khỏe" đầu tiên các tập đoàn kinh tế, đoàn giám sát của Quốc hội chỉ ra, việc chuyển từ tổng công ty lên tập đoàn chỉ là thay "vỏ" chứ không thay đổi, hay nâng cấp, về mô hình quản lý nhà nước cũng như quản trị doanh nghiệp.
Kết quả cho thấy hiệu quả sử dụng vốn, tài sản nhà nước so với các khu vực DN khác còn "thấp, chưa tương xứng với quy mô, vị trí và vai trò trong nền kinh tế".
Lỗ 3 năm vẫn tồn tại
Báo cáo do Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Hà Văn Hiền công bố cho hay, một số tập đoàn (TĐ), tổng công ty (TCT) đã không thực hiện được nhiệm vụ bảo toàn và phát triển vốn chủ sở hữu.
Đáng lo ngại là một số công ty trong lĩnh vực giao thông, do những khó khăn về tài chính tích tụ qua nhiều năm, đã làm thất thoát vốn chủ sở hữu.
Có những TCT do mất phần vốn nhà nước ở các đơn vị thành viên nên phần vốn chủ sở hữu toàn công ty bị âm trong 3 năm liên tiếp, "làm thất thoát tài sản mỗi năm một nhiều hơn nhưng vẫn hoạt động".
Chưa kể, một số DN xây dựng, sản xuất "có cơ cấu tài chính bấp bênh, nợ phải trả cao gấp nhiều lần vốn chủ sở hữu nên khả năng thanh toán không được bảo đảm". Chẳng hạn, năm 2006, có 38 (40%) TĐ, TCT hệ số an toàn vốn vượt ngưỡng ba lần, năm ngoái có 31 đơn vị. Nhiều TĐ, TCT lớn có tổng nợ cao gấp hơn 10 lần.
Các “anh cả đỏ” của nền kinh tế hiện đang nắm giữ một khối lượng rất lớn tài sản nhà nước gồm đất đai, khoáng sản. 88 TĐ, TCT đang nắm gần 375.000 ha đất.
Tuy nhiên, ông Hà Văn Hiền cho hay, hầu như các đơn vị "không báo cáo đầy đủ thông tin" về tình hình quản lý sử dụng đất đai nên đoàn giám sát không có đủ dữ liệu phân tích.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh QH Lê Quang Bình băn khoăn: “Thất thoát tài sản và lỗ liên tục như vậy, có ai chịu trách nhiệm hoặc bị cách chức? Nhà nước có cần đến trên 90 TĐ, TCT không hay thu gọn lại chỉ giữ những DN làm rường cột quốc gia?”.
93/99 TĐ, TCT đang nắm giữ hơn 485.000 tỷ đồng vốn nhà nước và nhận định của đoàn khảo sát là các DN đều “kinh doanh có lãi, tốc độ tăng trưởng và doanh thu đều năm sau cao hơn năm trước”. Song câu hỏi đặt ra là "DN tăng trưởng từ sức mạnh nội tại hay đơn thuần do bán tài sản nhà nước".
Trong khi các DN khác "bở hơi tai" tìm đất, lo đền bù, làm thủ tục… thì hầu hết các “anh cả đỏ” được Nhà nước giao, cho thuê đất vị trí "vàng" với giá "bèo".
Trưởng ban Dân nguyện Trần Thế Vượng dẫn ra câu chuyện Tập đoàn Vinashin có hàng mấy trăm ha đất bỏ hoang nhiều năm nay ở Hải Dương với không ít tâm tư, rằng "chỉ nghe nói" Vinashin nhiều đất lắm, nhưng "thực hư không biết thế nào".
"Lấn sân"
Trong lúc chưa tận dụng hết các lợi thế cạnh tranh thì các “quả đấm thép” của nền kinh tế lại "mải mê" đầu tư chứng khoán, ngân hàng, bảo hiểm hay góp vốn vào các quỹ đầu tư nhưng không sinh lời được bao nhiêu, nhiều trường hợp thua lỗ, thất thoát.
Kết quả giám sát chỉ ra, có những TĐ đầu tư vào lĩnh vực tài chính hơn 2.000 tỷ đồng, trong khi lại “than thở” thiếu tiền đầu tư vào các dự án lớn Nhà nước giao.
Có tới 47 đơn vị thực hiện phương châm “lấy ngắn nuôi dài” kiểu này, với tổng số tiền đầu tư tính đến hết 2008 là hơn 21.000 tỷ đồng.
Ngay cả những TCT đang có hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu cao gấp 14 lần cũng mạnh tay vung tiền đầu tư vào rất nhiều công ty chứng khoán khác nhau. Khi thị trường chứng khoán suy giảm mạnh, hầu hết tất cả đều bị lỗ.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển, các DNNN đã "xa rời nhiệm vụ chính, lấn sân vào những lĩnh vực mà lẽ ra nên khuyến khích các thành phần kinh tế khác cùng tham gia".
Không cơ quan nào nắm đầy đủ vốn TĐ
Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng thất thoát tài sản nhà nước vốn đã được cảnh báo không ít lần là việc phân công thực hiện quyền chủ sở hữu nhà nước ở khu vực này còn bị "phân tán", "cắt khúc".
Không một cơ quan đầu mối nào chịu trách nhiệm chính về quản lý vốn, tài sản hay đánh giá việc thực hiện mục tiêu chủ sở hữu Nhà nước giao.
Điều tréo ngoe là trong khi các bộ, tỉnh hầu như không nắm được hoạt động của DNNN, thì cơ quan quản lý là Bộ Tài chính lại chỉ "quản lý gián tiếp qua báo cáo từ dưới".
Chính việc chưa triệt để tách bạch chức năng thực hiện quyền chủ sở hữu với chức năng quản lý hành chính nhà nước dẫn đến tình trạng chồng chéo, thiếu minh bạch. "Chưa có cơ quan nhà nước nào nắm được đầy đủ, kịp thời về vốn, tài sản tại các TĐ, TCT", đoàn giám sát nhận định.
Theo ông Hiền, SCIC đã ra đời với kỳ vọng tách bạch hai chức năng này, nhưng quá trình vận hành đã bộc lộ nhiều lúng túng, cơ chế bất cập.
Đáng chú ý, các TĐ hiện nay được hình thành trên cơ sở các TCT 91. Việc thay đổi mô hình chỉ là thay "vỏ" chứ không thay đổi hay nâng cấp về mô hình quản lý nhà nước cũng như quản trị doanh nghiệp.
Thực tế, một số TĐ, TCT phát triển, mở rộng hoạt động kinh doanh quá "nóng", vượt khả năng tài chính, dẫn đến rủi ro khi xảy ra biến động thị trường. Có những TĐ có tới 157 DN thành viên, vốn đầu tư phát triển chủ yếu do vay mượn. Trong khi đó, "trình độ quản trị DN, quản trị rủi ro rất hạn chế".
Ngoài ra, tình trạng công ty con đầu tư ngược trở lại công ty mẹ, hoặc công ty mẹ chi phối công ty cháu đã làm phức tạp thêm quan hệ, lẫn lộn trong thực hiện quyền chủ sở hữu.
Như vậy, "khám sức khỏe" toàn diện lần đầu các tập đoàn kinh tế, tuy vẫn còn nhiều thông tin chưa thu thập được, song đoàn giám sát QH đã "bắt" được không ít "bệnh".
Hiện một số TĐ bất động sản, viễn thông, hóa chất... đang "rục rịch" ra đời.
Vietnamnet
|