Thứ Năm, 13/08/2009 19:54

Bài toán “hậu kích cầu”

Nền kinh tế quý II có sự tăng trưởng thêm 1,4% so với quý I. Một số chỉ số xuất khẩu, sản xuất công nghiệp tháng 7 tiếp tục tăng so với tháng trước đó đang là những con số chứng minh cho gói kích cầu của Chính phủ được đưa ra nhằm chống suy thoái kinh tế bắt đầu phát huy tác dụng.

Trong một cuộc hội thảo mới đây do Hội Các nhà quản trị doanh nghiệp Việt Nam tổ chức, GS-TS. Nguyễn Quang Thái, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam, đánh giá: Nền kinh tế Việt Nam làm ra 100 tỷ USD mà gói kích cầu có 1 tỷ USD, rồi tiếp đến gói 8 tỷ USD thì tác động làm xoay chuyển nền kinh tế sẽ không quá lớn như kỳ vọng nhưng đã có tác động tâm lý rất tốt, tạo niềm tin cho người dân, và trong điều kiện khó khăn đã có tác dụng hỗ trợ doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Thanh Hoàn, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Xây dựng công trình ngầm, cho biết: Năm 2008, công ty ông đã gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là khả năng mất cân đối tài chính lớn do các chủ đầu tư không tạm ứng và thanh toán vốn kịp thời như cam kết, trong khi các nhà cung ứng vật tư nhiên liệu lại yêu cầu thanh toán tiền mặt trước khi nhận hàng, rồi lãi suất ngân hàng không ngừng tăng... Tuy nhiên, bằng nỗ lực của tập thể công ty, cùng với gói kích cầu của Chính phủ đã giải quyết được căn bản những khó khăn đó. Đến nay, công ty đã tiếp tục hoạt động trở lại.

Đồng quan điểm về hiệu quả của gói kích cầu, Tổng Giám đốc Công ty Vật tư công nghiệp quốc phòng, ông Nguyễn Đức Thuận, chứng minh bằng con số thống kê rất thực tế qua khảo sát trên 180 doanh nghiệp trong và ngoài ngành: Có 50,6% doanh nghiệp đã dùng vốn kích cầu để duy trì sản xuất, 36,2% mở rộng sản xuất, 9,7% giải quyết tiền lương cho công nhân...

Thông tin từ ông Nguyễn Đức Thuận cũng cho thấy, có 1,69% doanh nghiệp thừa nhận dùng vốn hỗ trợ lãi suất để đảo nợ. Nhiều ý kiến khác cho rằng nguồn vốn này còn được các doanh nghiệp đầu tư vào các kênh kinh doanh khác như chứng khoán, bất động sản...

Không dừng...cũng hết!

Gói kích cầu của đã đi được một chặng đường gần 7 tháng. Hiệu quả mà các gói kích cầu mang lại là không nhỏ. Hiện dư luận bắt đầu “bàn" nhiều về giai đoạn hậu kích cầu.

Phát biểu tại Hội thảo “Hiệu quả gói giải pháp kích cầu của Chính phủ”, ông Nick Freeman, chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho rằng: Kinh tế Việt Nam đã bắt đầu được cải thiện từ quý II/2009 và đã qua giai đoạn “đáy”, song có thể Việt Nam vẫn phải mất nhiều thời gian để lấy lại đà tăng trưởng.

“Điều này khiến dự đoán về thời điểm kết thúc gói kích thích kinh tế trở nên khó khăn. Tuy nhiên, nên bắt đầu suy nghĩ tới thời điểm dừng gói kích cầu để nền kinh tế phát triển bền vững hơn. Nếu dừng quá sớm, kinh tế có thể suy thoái trở lại giống như thời điểm quý IV/2008 nhưng nếu dừng quá muộn thì kinh tế có thể trở nên quá nóng với tỷ lệ lạm phát cao”- ông Nick Freeman bày tỏ.

Trên thực tế, đây cũng là vấn đề được một số chuyên gia kinh tế nhắc tới trong thời gian gần đây.

Theo các chuyên gia, khi mà nền kinh tế bắt đầu có dấu hiệu chuyển biến tích cực, rất dễ hiểu vì sao có đề xuất về việc dừng kích cầu. Nhưng đã nên hay chưa khi mà kinh tế vĩ mô chưa thật sự ổn định và mục tiêu điều hành kinh tế trong năm nay vẫn là chống suy giảm kinh tế? Hơn thế, trong gói kích cầu trị giá 8 tỷ USD, không ít ngân khoản được chi cho các mục tiêu dài hạn, đó là đầu tư cho cơ sở hạ tầng, nông nghiệp nông thôn, đào tạo nguồn nhân lực...?

Theo TS. Nguyễn Minh Phong (Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế- xã hội Hà Nội), vấn đề quan trọng trong thực hiện kích cầu vào thời điểm này là phải tập trung kích cầu đầu tư cho những dự án sắp hoàn thành, nhanh đưa vào sử dụng; các dự án có dung lượng và triển vọng thị trường tiêu thụ tốt; các dự án góp phần trực tiếp vào việc duy trì và mở rộng năng lực sản xuất và kinh doanh cần thiết của doanh nghiệp và nền kinh tế...

“Kích cầu đầu tư không có nghĩa là đầu tư tuỳ tiện, bất chấp hiệu quả”- ông Phong nói.

Trong một cuộc tiếp xúc mới đây với báo giới, ông Cao Sỹ Kiêm - thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia, nói: Sẽ vẫn còn những thách thức trước mắt trong giai đoạn hậu kích cầu. Trước hết là phải tạo ra những nhận thức mới. Chống suy giảm kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm nhưng cần phải tiếp tục chống lạm phát quay trở lại. Kế đó là phải tính ráo riết các biện pháp tự vệ, bảo vệ hàng hóa trong nước và tiêu thụ nội địa. Và cuối cùng, phải tính hết được những rủi ro, hậu quả khi bội chi ngân sách lớn.

GS-TS Nguyễn Quang Thái cho rằng, về lâu dài Chính phủ cần cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tự vươn lên sử dụng được gói kích cầu và các nội lực khác để phát huy nền kinh tế, chứ không chỉ chờ đợi vay vốn nhiều hay ít mang tính bao cấp của Nhà nước.

“Nếu chưa dừng kích cầu thì vốn hỗ trợ lãi suất vay nhiều rồi cũng hết. Vấn đề chỉ là thời gian mà thôi”- GS-TS Nguyễn Quang Thái nói.

Nguyễn Thành 

Tổ Quốc

Các tin tức khác

>   Quản lý tập trung thông tin về hàng hóa XNK (13/08/2009)

>   Khan hiếm lao động làm việc tại các nhà máy chế biến thủy sản (13/08/2009)

>   WITFOR: Cơ hội cho công nghệ thông tin Việt Nam (13/08/2009)

>   Những hệ lụy từ việc chi tiết hóa (13/08/2009)

>   Không thể làm thay doanh nghiệp (13/08/2009)

>   Cấp chứng nhận đầu tư dự án bãi đậu xe ngầm công viên Lê Văn Tám (13/08/2009)

>   Đa số tập đoàn, tổng công ty Nhà nước hoạt động hiệu quả? (13/08/2009)

>   Thanh tra CP phát hiện nhiều sai phạm trong tháng 7 (13/08/2009)

>   Vốn tư nhân đổ vào hạ tầng vẫn thấp (13/08/2009)

>   Tổng Giám đốc Hà Dũng: Tôi đang lãi thời gian (13/08/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật