Thứ Hai, 10/08/2009 16:56

Mua dự trữ 400 ngàn tấn gạo hè thu

Sáng 10.8, Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA) chính thức xác nhận: bắt đầu triển khai các biện pháp cấp bách cứu lúa hè thu, vốn đang tụt giảm giá quá thấp và nông dân không bán được.

Theo đó, trong ngày hôm nay (10.8), 21 đơn vị thành viên VFA sẽ triển khai mua đợt một 400.000 tấn gạo hè thu ở 13 tỉnh thành ĐBSCL với mức giá quy ra lúa là 3.800 đồng/kg. Kế hoạch thu mua sẽ hoàn thành dứt điểm trong tháng 8, sau đó, nếu tình hình ký mới các hợp đồng xuất khẩu vẫn chưa cải thiện, sẽ mua tiếp đợt hai.

Ông Nguyễn Thọ Trí, Phó chủ tịch thường trực VFA nói, nguồn vốn do các thành viên tự bỏ ra. Hội đồng quản trị Hiệp hội sẽ giám sát, tránh để xảy ra tình trạng doanh nghiệp được giao không mua đủ số lượng hoặc mua dưới giá quy định.

Thị trường gạo trầm lắng

Những ngày qua, nông dân các tỉnh ĐBSCL thu hoạch rộ lúa hè thu, nhưng do thời tiết mưa nhiều gây khó khăn phơi, sấy lúa khiến chất lượng lúa giảm. Do đó, lúa hè thu liên tục rớt giá, hiện chỉ còn 2.500-2.700 đồng/kg lúa tươi, trên 3.500 đồng/kg lúa khô nhưng nông dân vẫn khó bán. Ngoài nguyên nhân chất lượng, nhu cầu về thị trường gạo thế giới đang khá trầm lắng cũng tác động đến đầu ra, giá cả trong nước. Tính đến 31.7, Việt Nam ký hợp đồng xuất khẩu 5,39 triệu tấn gạo, trong đó giao 4,108 triệu tấn, đạt giá trị 1,684 tỉ USD (giá FOB). Như vậy, lượng gạo chưa giao đối với hợp đồng đã ký còn lại trên 1,3 triệu tấn, hiện trong kho doanh nghiệp còn tồn khoảng 1,3 triệu tấn, vừa đủ giao cho khách hàng.

Vấn đề hiện nay là, lượng lúa hè thu dự báo vẫn còn khá lớn, khoảng 2 triệu tấn, trong khi tiến độ ký mới các hợp đồng diễn ra khá chậm. VFA thừa nhận, nhu cầu thị trường gạo thế giới vẫn còn nhiều, nhưng các nước nhập khẩu vẫn chưa có kế hoạch mua cụ thể. Đối với thị trường châu Á, ngày 22.7 vừa qua, Philippines mở thầu nhập 78.000 tấn gạo nhưng doanh nghiệp Việt Nam không trúng vì bỏ giá quá cao. Số gạo 700.000 tấn nhập theo hợp đồng tập trung còn lại, dự kiến kéo dài đến hết năm 2009 thì đến nay, Việt Nam vẫn còn đang đàm phán với phía Philippines. Tuy nhiên, ông Nguyễn Thọ Trí cho rằng, nếu có trúng thầu lô gạo này, thì giá sẽ không cao.

Ngoài khó khăn từ thị trường Philippines, vừa qua doanh nghiệp Việt Nam cũng bỏ mất hợp đồng cung cấp thêm 100.000 tấn gạo cho Malaysia, do nước này đã chọn nước khác để mua. Trong khi đó, nhu cầu mua thêm 150.000 tấn của Indonesia hay các hợp đồng trợ cấp quốc tế dành cho các nước châu Phi tuy vẫn còn khá nhiều, nhưng vẫn chưa biết thời điểm họ chính thức mua…

Kiến nghị rút giấy phép doanh nghiệp bán phá giá

Thông tin thị trường xuất khẩu ảm đạm đưa đến mức giá gạo chào bán của Việt Nam khá thấp. Gạo 5% tấm hiện nay chỉ còn dưới 400 USD/tấn, gạo 25% tấm còn 350 USD/tấn, trong khi hồi tháng 5, tháng 6 giá lần lượt là 420-430 USD/tấn và gần 380 USD/tấn. Theo thông tin mà SGTT nắm được, để mua thêm 700.000 tấn gạo theo hợp đồng tập trung với Việt Nam (theo dự kiến trong các tháng cuối năm 2009), ngoài việc mở thầu nhập 78.000 tấn gạo hôm 22.7 để lấy mức giá chuẩn, chính phủ Philipines còn cho một số doanh nghiệp sang Việt Nam trực tiếp mua gạo nhằm nắm bắt sát khung giá trước khi đặt bút ký. Cách làm này đã giúp Philippines có thể mua được 700.000 tấn gạo giá rẻ, vì đã có nhiều doanh nghiệp Việt Nam cố tình bán thấp hơn giá sàn hướng dẫn cho doanh nghiệp Philippines.

Một thành viên VFA bức xúc: doanh nghiệp bán phá giá khiến việc đàm phán gặp nhiều khó khăn! Phía Philippines luôn thắc mắc tại sao doanh nghiệp nước họ sang Việt Nam mua gạo trực tiếp thì giá lại rẻ hơn so với giá đàm phán hợp đồng tập trung. “Nếu có đàm phán thành công thì lô gạo 700.000 tấn tới đây giá sẽ thấp hơn nhiều so với những lô ký hồi đầu năm với Philippines”, nguồn tin trên khẳng định.

Được biết, VFA đã gửi văn bản cùng danh sách những doanh nghiệp bán phá giá tới bộ Công thương, yêu cầu xử lý nghiêm khắc những doanh nghiệp đã vi phạm quy chế bán gạo vào các thị trường tập trung. Theo đó, doanh nghiệp nào vi phạm sẽ không được chấp thuận đăng ký tiếp các hợp đồng mới, thậm chí bị rút giấy phép kinh doanh.

Hoàng Bảy

Sài Gòn tiếp thị

Các tin tức khác

>   XK Lao động: Chưa có tiêu chí đánh giá doanh nghiệp mạnh? (10/08/2009)

>   Doanh nhân Việt kiều góp sức nâng vị thế Việt Nam (10/08/2009)

>   Sẽ đề xuất giám sát tối cao về xuất khẩu lao động (10/08/2009)

>   Cần Thơ: 2.000 tỷ đồng xây cầu dẫn vào khu đô thị mới (10/08/2009)

>   Xăng dầu tăng giá: Dân kêu giá cao, bộ bảo còn thấp (10/08/2009)

>   Thí điểm mô hình đầu tư PPP tại Hải Phòng (10/08/2009)

>   Ban hành chính sách hỗ trợ hàng xuất khẩu (10/08/2009)

>   Cần tháo gỡ vướng mắc về cơ chế và nguồn lực cho nhà ở xã hội (10/08/2009)

>   Diện mạo của "Câu lạc bộ" 1 tỷ USD (10/08/2009)

>   Đưa ngành thép vượt qua khủng hoảng (10/08/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật