Lực đỡ mới cho thị trường chứng khoán
TTCK trong phiên giao dịch cuối tuần qua có sự khởi sắc bất ngờ, đúng vào thời điểm NHNN tổ chức một cuộc hội thảo quan trọng bàn về các chính sách vĩ mô nhằm kích thích kinh tế tăng trưởng nhanh hơn trong những tháng còn lại của năm 2009 và năm 2010. Những đánh giá lạc quan cho thấy, TTCK càng có những căn cứ để tin tưởng vào triển vọng trung và dài hạn.
Hai kịch bản tăng trưởng
Theo Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Giàu, dù theo kịch bản nào thì tiềm năng tăng trưởng kinh tế 2010 cũng đạt từ 6-7%. Các kịch bản vẫn để ngỏ khả năng duy trì tốc độ tăng của tín dụng và tổng phương tiện thanh toán năm 2009 khoảng 30%. Nếu năm 2009 tốc độ tăng tín dụng 30% thì năm 2010 sẽ giảm xuống còn 25-27%. Nếu tăng trưởng tín dụng 2009 từ 25-27% thì năm 2010 còn 23-25%.
Rõ ràng việc lựa chọn chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng được xác định trong mối tương quan với lạm phát và sẽ được giảm dần trong các năm tiếp theo. Với mức tăng trưởng tín dụng cao trong hai khả năng trên, mức lạm phát năm 2010 cũng chỉ ở mức từ 10%.
Về gói kích cầu thông qua hỗ trợ lãi suất 4%, báo cáo của NHNN cho thấy cơ cấu dư nợ cho vay hỗ trợ lãi suất của NHTM và Cty tài chính đến đầu tháng 8.2009 là 92,1% cho vay ngắn hạn, 7,77% là cho vay trung -dài hạn. Dư nợ cho vay của các DN ngoài nhà nước chiếm 66,95%; DN nhà nước chiếm 15,64%; hợp tác xã và hộ gia đình chiếm 17,41%.
Theo đánh giá của NHNN, việc hỗ trợ lãi suất đã giúp mặt bằng lãi suất thị trường tương đối ổn định, hệ thống NHTM không hạ lãi suất cho vay và không tăng lãi suất huy động. Trong 7 tháng đầu năm, nguồn vốn để cho vay hỗ trợ lãi suất hoàn toàn do các NHTM huy động từ nền kinh tế để cho vay, NHNN không bơm thêm tiền phát hành ra lưu thông, bằng chứng là quy mô và tốc độ huy động vốn của các NHTM tương ứng với vốn tín dụng.
Theo Thống đốc Nguyễn Văn Giàu, cơ chế hỗ trợ lãi suất được Chính phủ quy định thực hiện trong năm 2009 và công bố công khai từ khi triển khai cơ chế. DN sẽ không bị "sốc" về mặt thời điểm chấm dứt cơ chế. Tuy nhiên, với mức hỗ trợ 4%/năm là khá lớn, làm giảm chi phí tiền vay hơn 30%, xét về mặt tâm lý và hạch toán giá thành sản phẩm thì cần có bước đi giảm dần về đối tượng, lãi suất để ổn định tâm lý.
Lạc quan hơn về cuối năm
Theo tiến sĩ Nguyễn Trọng Nghĩa - GĐ khối phân tích-đầu tư CTCK Thăng Long, 4 yếu tố quan trọng sẽ ảnh hưởng đến TTCKVN những tháng còn lại của năm 2009 bao gồm: Diễn biến của TTCK thế giới, trong đó đặc biệt là TTCK Mỹ; yếu tố nội tại của nền kinh tế Việt Nam như tăng trưởng GDP, lợi nhuận của DN niêm yết; chính sách tiền tệ; và bản thân tiềm năng của CP trên bình diện quan hệ giữa giá CK và lợi nhuận (P/E).
Theo nghiên cứu của CTCK Thăng Long, VN-Index hiện đang có mức độ phụ thuộc khá lớn vào chỉ số S&P 500 của Mỹ (chỉ số quan trọng nhất thể hiện diễn biến giá CP của 500 đại Cty của Mỹ) vào khoảng 72%. Điều đó có nghĩa là nếu chỉ số S&P 500 tăng điểm thì có 72% khả năng VN-Index cũng tăng điểm theo. Khi mối quan hệ này ngày càng chặt chẽ thì NĐT càng có xu hướng theo dõi các sự kiện ảnh hưởng đến thị trường quốc tế.
Hai nguyên nhân dẫn đến thực trạng này là độ mở lớn của nền kinh tế Việt Nam với thế giới, thể hiện ở giá trị kim ngạch xuất khẩu chiếm tới 70% GDP và dòng vốn nước ngoài (cả trực tiếp và gián tiếp) chảy vào Việt Nam. TTCK Mỹ những tháng gần đây mặc dù có điều chỉnh, nhưng vẫn trong xu hướng tăng. Liên tiếp các báo cáo, điều tra xã hội học lẫn các phát ngôn của những chuyên gia có uy tín đều nhìn nhận tình hình dần sáng sủa hơn và nền kinh tế Mỹ đang trong giai đoạn phục hồi. Điều đó sẽ ảnh hưởng rất tích cực tới thị trường Việt Nam.
Đối với nền kinh tế trong nước, mức độ tăng trưởng tính đến quý II và số liệu mới nhất tính đến tháng 8.2009 cho thấy dấu hiệu tăng tốc về cuối năm càng rõ nét. Theo đánh giá của tiến sĩ Võ Trí Thành - Phó Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế T.Ư - tốc độ tăng trưởng trên 5% là khả thi và bội chi ngân sách ở mức dưới 7%.
Từ góc độ DN, ông Nghĩa cho rằng lợi nhuận của DN niêm yết 6 tháng đầu năm tăng trưởng tốt, bất chấp suy thoái. Cụ thể, thống kê cho thấy tổng lợi nhuận quý I/2009 của các DN niêm yết vào khoảng 5.371 tỉ đồng thì tổng lợi nhuận quý II đã là 9.360 tỉ đồng, tương đương mức tăng trưởng 74,3%. Với diễn biến vĩ mô không thể xấu hơn nếu không muốn nói là tốt hơn về cuối năm, lợi nhuận của DN sẽ có xu hướng còn tăng nữa, với tốc độ khoảng 20-30% trong hai quý tới.
Hoàng Nguyên
Lao Động
|