Nên mở rộng biên độ ngày chào sàn
Cổ phiếu CSM tăng trần một mạch 9 phiên giao dịch, từ giá 50.000 đồng/CP lên 75.500 đồng/CP, tăng 51% tính từ khi chào sàn HOSE ngày 11/8. Nếu tính cả mức tăng 20% so với giá tham chiếu trong phiên đầu tiên, thì tổng mức tăng lên đến hơn 70%, tương đương giá trị vốn hóa tăng 825 tỷ đồng, chỉ bằng những phiên giao dịch với vài trăm, vài ngàn cổ phiếu được khớp lệnh.
Trong những ngày đặc biệt như thế, người ta nhìn thấy một lượng cầu vô vọng lên đến cả triệu đơn vị. Nói là vô vọng vì lượng cung "cho vui cửa vui nhà" so với tổng cầu chỉ bằng vài phần ngàn. Nhiều người cho rằng, việc xảy ra như thế là lẽ thường tình, vì thị trường OTC trước ngày niêm yết đã xác định mức giá hơn 60.000 đồng/CP cho CSM. Kịch bản tương tự đang xảy ra với cổ phiếu DIG, chào sàn HOSE ngày 19/8 với giá khởi điểm 50.000 đồng/CP, trong khi nhiều giao dịch thỏa thuận tay đôi trước ngày niêm yết đạt mức giá trên 80.000 đồng/CP.
Một chứng khoán chuyển từ OTC sang niêm yết, từ một thị trường ít thông tin sang minh bạch; từ kín tiếng và thanh khoản yếu trở nên đại chúng mà nhà đầu tư nào cũng có thể tham gia; từ chỗ tối ra chỗ sáng… nhiều lý lẽ có thể bào chữa cho sự háo hức chào đón một cổ phiếu mới, cho bài ca khan hiếm ngọt ngào trên.
Nhưng còn những nguyên nhân tế nhị khác có thể đẩy giá cổ phiếu đi đến tình trạng kỳ vọng quá mức hoặc sai lệch do tâm lý cung cầu, điều cần hạn chế vì quyền lợi nhà đầu tư. Có thể thấy rằng, quy định biên độ biến động giá tối đa +/- 5%/phiên sau ngày chào sàn đối với sàn HOSE là một chiếc phao cứu sinh cho những nhà đầu tư chưa quen chống chịu với sóng gió thị trường, đồng thời cũng là chiếc phao bảo hộ cho một số nhà đầu tư có tư tưởng đầu cơ, ăn theo sự khan hiếm. Họ sẽ khó từ bỏ lượng cổ phiếu (vốn đang khan hiếm) cho đến khi chiếc phao biên độ bắt đầu chìm. Những nhà đầu tư chân chính, dù đã "vớ bẫm" vẫn có thể nương theo chiếc phao này đến khi có thể.
Ý tưởng rằng, "tôi có thể rút lui với mức giảm khó vượt quá 10% (2 phiên giảm sàn), trong khi có thể đua theo cả chục phiên tăng trần; tại sao tôi không liều một phen?". Khi nhiều nhà đầu tư cá nhân có cùng suy nghĩ, tình trạng kỳ vọng quá mức có thể đẩy một chứng khoán vào tình trạng mua quá mức, quá giá hoặc bong bóng… về lâu dài không những có thể gây thua lỗ cho nhà đầu tư, mà còn bất lợi cho doanh nghiệp trong việc sử dụng các công cụ vốn trên TTCK.
Trên quan điểm cho rằng, cơ chế cung cầu của thị trường sẽ là thước đo để xác giá trị của chứng khoán, các TTCK càng phát triển sẽ càng hạn chế sử dụng các biện pháp kỹ thuật như giới hạn biên độ giá. Trong điều kiện thực tế tại Việt Nam, biên độ giá của tất cả các mặt hàng có sự điều tiết (xăng dầu, ngoại tệ…) cũng ngày một nới rộng là vì lý lẽ tự nhiên như thế.
Nên chăng, với TTCK giai đoạn này, có thể áp dụng biện pháp kéo dài thời gian xác định giá khởi điểm lên 3 phiên có biên độ +/-20% hoặc mở rộng biên độ ngày đầu với mức +/-30%, +/-40% hay +/-50% nhằm giúp cổ phiếu mới niêm yết nhanh chóng xác định mức giá có cung cầu cân bằng. Về lâu dài, nên có lộ trình mở rộng biên độ giá, hạn chế hiện tượng bơm giá hoặc ép giá có thể gây phương hại đến các nhà đầu tư.
Phúc Lân
ĐẦU TƯ CHỨNG KHOÁN
|