Lãi suất huy động VND dồn về kỳ hạn ngắn
Khó khăn thanh khoản không căng thẳng như nửa đầu 2008, nhưng việc tập trung tăng lãi suất các kỳ hạn ngắn là chuyển động mới đáng chú ý.
Những ngày đầu tháng 8, nhiều ngân hàng thương mại tiếp tục tăng lãi suất huy động VND, dù trước đó tần suất điều chỉnh đã diễn ra liên tiếp từ cuối tháng 6.
Lãi suất kỳ hạn ngắn tăng mạnh
Trung tuần tháng 7, bà Hoàng Minh Lan đến Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đại Dương (Ocean Bank) để chuyển tiếp khoản tiền gửi có lãi suất trên 18%/năm giữa năm 2008. Khoản tiền gửi chuyển tiếp sang kỳ hạn 6 tháng, lãi suất chỉ còn 8,1%/năm. Chỉ hai tuần sau, bà Lan giật mình nhìn lại khi ở thời điểm này, chỉ cần gửi kỳ hạn 1 tháng cũng đã được lãi suất 8,1% - 8,2%/năm, kỳ hạn 6 tháng đã lên 8,6%/năm.
“Khi chuyển tiếp khoản tiền gửi này, tôi không quá cân nhắc về lãi suất, bởi những chênh lệch trên thị trường không lớn. Tuy nhiên, bây giờ nhìn lại, với mục đích chọn gửi ngân hàng để an toàn và tìm lãi thì tôi đang tính toán để có thể xin rút trước hạn vì khoản tiền cũng mới gửi, chuyển theo diễn biến mới để hưởng lãi suất cao hơn. Chỉ sau một thời gian ngắn như vậy mà đã có thay đổi nhanh thì phải cân nhắc lợi ích của mình”, bà Lan nói.
Đó là lựa chọn của người gửi tiền, liên quan đến lợi ích của họ. Nhưng với ngân hàng, việc “nhảy cóc” của các khoản tiền gửi nếu diễn ra nhiều sẽ dẫn đến xáo trộn cơ cấu huy động và cân đối vốn; và không mong đợi nếu khoản “nhảy cóc” đó lại chọn điểm đến là ngân hàng khác có lãi suất hấp dẫn hơn. Thực tế này cũng góp phần khiến cuộc đua lãi suất thêm căng thẳng.
Cuối tháng 7, thị trường ghi nhận mức lãi suất huy động VND cao nhất lên tới 10,2%/năm, có ở Ngân hàng Thương mại Cổ phần Phát triển nhà Tp.HCM (HDBank); nhiều thành viên khác cũng đã đẩy lên từ 10% - 10,1%/năm dưới các hình thức cộng thưởng, hoặc với sản phẩm áp dụng trong ngắn hạn.
Ngày 7/8, một loạt ngân hàng tiếp tục có thông báo tăng lãi suất. Mức cao nhất nhích lên 10,3%/năm, vẫn là của HDBank. Khác với các đỉnh xác lập trước đó, lần này, mốc 10,3% của HDBank có sự đối sánh từ Ngân hàng Thương mại Cổ phần Phương Đông (OCB), khi ngân hàng này áp dụng lãi suất 9,8%/năm kỳ hạn 36 tháng và thêm lãi suất cộng thưởng 0,5%/năm.
Nhưng trong đợt điều chỉnh này, diễn biến đáng chú ý nhất là ở các kỳ hạn ngắn. Nếu trước tháng 7, lãi suất huy động các kỳ hạn dưới 3 tháng phổ biến dưới 7%/năm, thậm chí chỉ từ 5%-6%/năm, thì nay đã đồng loạt tăng mạnh. Tại hầu hết các ngân hàng, kể cả các thành viên thường duy trì biểu huy động thấp như Vietcombank, lãi suất huy động 1 tháng đã lên tới 7,14%/năm, 3 tháng là 8,1%/năm.
Tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn (SCB), từ ngày 1/8, lãi suất các kỳ hạn cực ngắn 1 – 3 tuần đã tăng rất mạnh, tăng từ 0,3% - 0,8%/năm. Hiện kỳ hạn 1 tuần tại SCB là 6%/năm, 3 tuần lên tới 7,5%/năm. Cao hơn, tại HDBank, các kỳ hạn đó tương ứng là 6,2% và 7,6%/năm; hay tại OCB cũng là những mức lãi suất cao…
Chưa đến mức lo ngại?
Thông thường, lãi suất huy động ở các kỳ hạn ngắn tăng cao thường đi cùng với lo ngại về áp lực thanh khoản. Trong nửa đầu năm 2008, khó khăn thanh khoản đã từng đẩy lãi suất các kỳ hạn ngắn leo thang, các kỳ hạn thậm chí được chia nhỏ theo từng ngày, lãi suất qua đêm căng thẳng…
Nhưng thời điểm này, diễn biến trên được đặt trong bối cảnh hoàn toàn khác và có thể giải thích từ những nguyên nhân khác.
Trước hết, với cơ chế trần lãi suất cho vay, dư địa để có thể tiếp tục tăng lãi suất các kỳ hạn dài đã chật hẹp. Đỉnh lãi suất huy động 10,3%/năm đã tiến sát mức cho vay tối đa 10,5%/năm theo lãi suất cơ bản hiện hành; tất nhiên ngân hàng có thể cho vay cao hơn ở tín dụng tiêu dùng. Để cạnh tranh huy động, các ngân hàng dồn về các kỳ hạn ngắn khi dư địa vẫn còn lớn.
Việc tập trung lãi suất hấp dẫn ở các kỳ hạn ngắn như trên cũng có thể giải thích ở cầu vốn của các ngân hàng hiện nay. Về lý thuyết, các nhà băng khó sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn. Còn trước mắt, một nhu cầu thực tế là nguồn vốn cho giải ngân hỗ trợ lãi suất diện ngắn hạn còn lại ở những tháng cuối năm; cũng không loại trừ để phục vụ cho các nhu cầu vay “nóng” đầu tư vàng, chứng khoán…
Thứ hai, khó khăn thanh khoản thời điểm này (nếu có) cũng ở trong bối cảnh khác với nửa đầu năm 2008. Năm 2008, lạm phát tăng cao đi cùng với chính sách thắt chặt của Ngân hàng Nhà nước. Khó khăn thanh khoản có nguyên nhân cụ thể từ việc tăng mạnh tỷ lệ dự trữ bắt buộc, từ đợt phát hành tín phiếu bắt buộc trị giá 20.300 tỷ đồng trong tháng 3/2008… Còn nay, các ngân hàng vẫn đang trong cơ chế thuận lợi từ sự nới lỏng dần của Ngân hàng Nhà nước từ cuối năm 2008.
Trên thị trường liên ngân hàng, thời điểm khó khăn thanh khoản năm 2008, lãi suất liên tục leo thang. Còn nay, theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, tuần đầu tháng 8, lãi suất giao dịch bình quân bằng VND ở hầu hết các kỳ hạn thậm chí đều có xu hướng giảm so với tuần trước; riêng lãi suất bình quân qua đêm giảm mạnh, giảm tới 1,11%/năm.
Và theo giải thích từ đại diện một số ngân hàng thương mại, ngoài mục đích tăng cường huy động vốn, việc tập trung tăng lãi suất các kỳ hạn ngắn cũng là một giải pháp để giữ nguồn tiền gửi ở lại ngân hàng trước sự lôi kéo của các kênh đầu tư khác như vàng và chứng khoán.
Phía sau những chuyển động này, thay đổi có thể nhận thấy là “trật tự” của “đường cong lãi suất” tại một số thành viên đang có hơi hướng thay đổi; lãi suất kỳ hạn ngắn cao hơn lãi suất kỳ hạn dài. Trong khi cuối năm 2008, các ngân hàng đã phải nhiều lần ngồi lại với nhau, thông qua Hiệp hội Ngân hàng (VNBA), để xác lập lại “trật tự” như trong thời gian qua. Cũng ở thời điểm cuối năm 2008, yêu cầu bỏ các kỳ hạn tuần đã được đưa ra, nhưng nay đó lại là những kỳ hạn có lãi suất “nóng”.
TBKTVN
|