Kinh tế Mỹ và bước khởi đầu của sự kết thúc suy thoái
Tuần trước,Tổng thống Obama đã tuyên bố, mặc dù các dấu hiệu cho thấy hạng mục đầu tư của các doanh nghiệp Mỹ chững lại, nhưng không thể nói kinh tế Mỹ vẫn chưa thoát ra khỏi khó khăn. Người đứng đầu nước Mỹ còn nhận xét rằng “có lẽ đã nhìn thấy bước khởi đầu của sự kết thúc cuộc suy thoái”.
Theo đó, cố vấn kinh tế hàng đầu của Chính phủ Mỹ, ông Lawrence H. Summers, nói trên Đài truyền hình CBS: “Sáu tháng trước, khi tổng thống nhậm chức, chúng ta không biết cuộc khủng hoảng có biến thành suy thoái hay không. Còn hôm nay chúng ta bàn việc lúc nào thì cuộc suy thoái sẽ kết thúc”.
Theo số liệu quí 2/2009 mà Bộ Thương mại Mỹ công bố, kinh tế Mỹ co lại ở mức 1%/năm, thấp hơn dự báo của giới phân tích và cải thiện đáng kể so với mức âm 6,4% của quí 1/2009. Các công ty Mỹ, đã cắt giảm sản xuất, đóng cửa nhà máy, sa thải công nhân khi khủng hoảng bắt đầu giữa năm 2007, nay phải gia tăng sản xuất để đáp ứng nhu cầu hàng hóa và dịch vụ của xã hội. Điều đó sẽ làm tổng sản lượng nội địa (GDP) của Mỹ tăng nhanh trong những tháng cuối năm. Các lĩnh vực kinh tế bị tác động nặng nề nhất của suy thoái, như nhà đất và xe hơi, cũng bắt đầu phục hồi.
Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa thì sự kiện tuần qua, hai tập đoàn ngân hàng Goldman Sachs và J.P. Morgan Chase, đến Citi Group và Bank of America cũng niêm yết khoản lãi 2,5 – 3 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm nay. Sau khi bị lỗ 21 tỷ USD, bốn ngân hàng này đã lãi gần 14 tỷ USD, nhờ vậy, các cổ phiếu tài chính trên thị trường chứng khoán tăng vọt. Theo ông Nghĩa, Mỹ có hai hệ thống ngân hàng, thông dụng nhất là các ngân hàng thương mại hay ký thác (nhận tiền ký thác của thân chủ và đem cho vay theo một số quy định rõ rệt) với chức năng thông thường là huy động khoản tiết kiệm dư thừa để chuyển thành tín dụng cho doanh trường. Hệ thống thứ hai là ngân hàng đầu tư hay tổ hợp đầu tư tài chính, có nhiệm vụ tạo điều kiện thực hiện các dự án đầu tư. Sau đó, các cơ sở tài chính hỗn hợp này mới xin phép được làm cả nghiệp vụ tài trợ tín dụng như ngân hàng thương mại, lẫn nghiệp vụ đầu tư, tức là hùn vốn hay mua cổ phiếu của các cơ sở kinh doanh khác.
Ông Nghĩa nêu ra những lý do cho thấy chưa nên quá lạc quan về sự phục hồi nhanh chóng của nền kinh tế Mỹ: Thứ nhất, mức lời của 4 tập đoàn ngân hàng trên chưa đủ lớn nếu so với khoản thua lỗ của năm ngoái và so với triển vọng kiếm lời nhờ cho vay tiền. Thứ hai, khoản lời này không bắt nguồn từ việc tài trợ cho một thị trường tín dụng hiện còn ách tắc, như tín dụng nhà ở, kinh doanh hay tín dụng tiêu dùng. Cho tới nay, các doanh nghiệp nhỏ vẫn vay mượn khó khăn và ngân hàng thương mại loại nhỏ vẫn bị điêu đứng, ví dụ điển hình là tổ hợp ngân hàng tài trợ tiểu doanh là Citi Group đang bị đe dọa phá sản... Ngoài ra, sự phục hồi của kinh tế Mỹ còn phụ thuộc vào nhiều vấn đề lớn mà trước tiên là thái độ tiêu dùng của người dân Mỹ. Báo New York Times ra ngày 3/8 cho biết, cuộc khủng hoảng đã làm các gia đình ở Mỹ mất đi 14.000 tỷ đô la tài sản, do giá nhà giảm, việc làm và thu nhập giảm và chứng khoán tụt dốc - con số này nhiều hơn tổng thu nhập từ mọi nguồn của họ trong năm vừa qua. Theo lý thuyết “hiệu ứng tài sản” (wealth effect), cứ mỗi đô la tài sản mất đi thì tiêu dùng sẽ giảm từ 3-5 xu Mỹ.
Từ đó, gần như mọi dự báo đều cho thấy trong những năm tới, người dân Mỹ sẽ ra sức thắt lưng buộc bụng, giảm chi tiêu. Xu thế thực tế đã bắt đầu, tỷ lệ tiết kiệm so với thu nhập của người Mỹ đã tăng từ mức 0% lên 5,2% chỉ trong nửa đầu năm nay - theo số liệu của Bộ Thương mại Mỹ. Xu thế này có thể tốt cho kinh tế Mỹ trong dài hạn nhưng sẽ tác động tiêu cực tới kinh tế thế giới và trước mắt sẽ làm cho sự phục hồi của Mỹ diễn ra rất chậm chạp và khó khăn vì tiêu dùng đóng góp tới 75% GDP của Mỹ.
Ông Nghĩa cho biết, đã có nhiều bài học được rút ra từ cuộc khủng hoảng này, nhưng mỗi quốc gia hoặc mỗi khối kinh tế lại có cách ứng phó khác nhau. Một vấn đề được hai bên nêu ra nhưng khó đạt được sự đồng thuận chính là mức vay của các ngân hàng. Các quan chức kinh tế của Mỹ luôn trấn an dân chúng rằng, thâm hụt ngân sách sẽ được kiềm chế khi kinh tế có dấu hiệu hồi phục, sẽ đẩy mạnh xuất khẩu và cải thiện môi trường kinh doanh. Một cuộc khảo sát ở bang California cho thấy, mặc dù thị trường nhà đất và tài chính của tiểu bang vẫn còn hết sức ảm đạm, vậy mà, lĩnh vực công nghiệp chế tạo và xuất khẩu nông sản thực phẩm sang châu Á vẫn tăng mạnh. Chính quyền Mỹ đang muốn nhân rộng mô hình kinh tế của California ra cả nước. Hôm 17/7, Chủ tịch Hội đồng cố vấn kinh tế quốc gia Mỹ Lawrence Summers nói rõ: “Nền kinh tế Mỹ được xây dựng lại sẽ là nền kinh tế hướng tới xuất khẩu hơn là dựa vào tiêu thụ”. Khách quan mà nói, ý tưởng này rất khó thực hiện khi các nền kinh tế lớn khác như Đức, Nhật, Ấn Độ và Trung Quốc vẫn chưa hồi phục hoặc chưa lấy lại được phong độ cũ.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế thế giới cho rằng có thể rồi đây, kinh tế Mỹ bắt đầu hồi phục cũng là lúc khởi đầu một tiến trình chuyển hướng khác. Theo đó, sức cạnh tranh của Mỹ sẽ được nâng lên, thị trường tiêu thụ của Mỹ sẽ không còn mạnh như thời trước khủng hoảng. Và sự chuyển hướng đó của Mỹ, dù có thể diễn ra được nhờ sự tăng trưởng ấn tượng của các nền kinh tế đang phát triển, cũng sẽ khiến nước Mỹ đi chậm lại trong một thời gian dài nữa, và đó là điều mà các nước khác, nhất là các nước có kim ngạch xuất khẩu hàng hóa vào Mỹ như Trung Quốc, Hàn Quốc, Việt Nam... phải điều chỉnh chính sách thương mại trong dài hạn cho phù hợp với sự chuyển đổi của kinh tế Mỹ.
Đắc Hanh
Công Thương
|