Hai kịch bản cho sự phục hồi kinh tế toàn cầu
Các học giả kinh tế vẫn đang tranh luận về mô hình phục hồi của kinh tế thế giới. Trong bài phân tích đăng trên tờ "Thời báo Tài chính" của Anh số ra ngày 24/8, giáo sư kinh tế học Nouriel Roubini, của Trường Kinh doanh Stern thuộc Đại học NewYork (Mỹ) cho rằng kinh tế thế giới sẽ phục hồi chậm theo hình chữ U, song cũng không loại trừ khả năng hồi phục theo hình chữ W.
Theo ông, tại các nền kinh tế hàng đầu như Mỹ, Anh, khu vực đồng euro suy thoái sẽ không chính thức khép lại trước cuối năm 2009, trong khi tại Australia, Đức, Pháp, Nhật Bản và các thị trường đang nổi như Trung Quốc, Ấn Độ và Brazil, giai đoạn phục hồi kinh tế đã bắt đầu.
Hiện nhiều chuyên gia cho rằng kinh tế thế giới sẽ phục hồi nhanh theo hình chữ ''V''. Tuy nhiên, theo giáo sư Roubini, kinh tế thế giới sẽ phục hồi theo hình chữ ''U'', yếu ớt và chậm chạp trong vòng ít nhất 2 năm. Ông cũng không loại trừ nguy cơ kinh tế toàn cầu tăng trưởng theo hình chữ "W".
Lý giải về kết luận của mình, giáo sư Roubini đưa ra 7 cơ sở lập luận do nhiều nguyên nhân.
Thứ nhất, thất nghiệp tại Mỹ và tại một số nền kinh tế tiên tiến vẫn tiếp tục tăng mạnh. Vào năm 2010, tỷ lệ thất nghiệp toàn cầu sẽ trên 10%. Đây là tin xấu không chỉ đối với sự tụt dốc về nhu cầu tiêu thụ, mà cả vấn đề kỹ năng lao động - nhân tố chính phía sau tăng trưởng sức sản xuất dài hạn.
Thứ hai, cuộc khủng hoảng hiện nay liên quan tới vấn đề không thanh toán được nợ chứ không phải là khả năng thanh khoản bằng tiền mặt, nhưng tình hình giảm nợ thực vẫn chưa bắt đầu do những thua lỗ của các thể chế tài chính đã được xã hội hóa và đưa vào bảng quyết toán thu chi của chính phủ. Điều này hạn chế khả năng cho vay của các ngân hàng, hạn chế khả năng chi tiêu của các hộ gia đình và khả năng đầu tư của các doanh nghiệp.
Thứ ba, tại các nước đang bị thâm hụt tài khoản vãng lai, người tiêu dùng cần phải cắt giảm chi tiêu và tăng tiền tiết kiệm, vì thế họ là đối tượng phải gánh nợ, phải đối mặt với cú sốc về giá nhà sụt giảm, giá cổ phiếu đi xuống, thu nhập giảm và nguy cơ thất nghiệp.
Thứ tư, hệ thống tài chính (dù có nhận được sự hỗ trợ chính sách) đã bị tổn hại nặng nề. Các ngân hàng truyền thống đang phải chịu gánh nặng hàng nghìn tỷ USD các khoản cho vay và đầu tư chứng khoán trong khi vẫn đang thiếu vốn nghiêm trọng.
Thứ năm, khả năng tạo lợi nhuận yếu - do các khoản nợ lớn và nguy cơ không trả được nợ, tăng trưởng thấp và áp lực giảm phát kéo dài - sẽ khiến cho các doanh nghiệp không sẵn sàng tăng cường đầu tư, sản xuất và thuê thêm nhân công.
Thứ sáu, tình hình giảm bớt nợ trong lĩnh vực công thông qua việc tích lũy các khoản thâm hụt ngân sách lớn tạo ra nguy cơ đối với sự hồi phục trong chi tiêu của lĩnh vực tư nhân. Hơn nữa, hiệu quả của các gói kích thích kinh tế sẽ ít dần đi, đòi hỏi ngành tư nhân phải có một nhu cầu lớn hơn để hỗ trợ đà tăng trưởng.
Cuối cùng, sự mất cân bằng toàn cầu, có nghĩa là thâm hụt tài khoản vãng lai của các nền kinh tế chi tiêu nhiều như Mỹ, sẽ thu hẹp thặng dư của các quốc gia quá tiết kiệm như Trung Quốc, Đức, Nhật Bản và các thị trường đang nổi khác. Nhưng nếu nhu cầu nội địa không tăng trưởng đủ nhanh tại các quốc gia thặng dư thì điều này sẽ dẫn tới một sự phục hồi yếu hơn của kinh tế toàn cầu.
Đó là những lập luận của giáo sư Roubini cho nhận định kinh tế toàn cầu rơi vào cuộc "suy thoái kép" theo hình chữ W ngày càng gia tăng. Có hai nguyên nhân giải thích cho lập luận này.
Thứ nhất, hiện tồn tại những nguy cơ gắn liền với các chiến lược lối thoát từ việc nới lỏng tài khóa và tiền tệ ồ ạt.
Nếu các nhà hoạch định chính sách quá lo ngại về thâm hụt ngân sách lớn và tiến hành tăng thuế, giảm chi tiêu thì họ sẽ hủy hoại sự phục hồi và đẩy nền kinh tế trở lại tình trạng giảm-suy.
Trong trường hợp họ tiếp tục duy trì thâm hụt ngân sách lớn, thì lạm phát, trái phiếu chính phủ dài hạn và tỷ lệ vay sẽ đồng loạt tăng mạnh, dẫn tới tình trạng lạm-suy.
Lý do thứ hai để lo ngại về suy thoái hình chữ "W" là giá lương thực, năng lượng, dầu mỏ hiện đang tăng nhanh hơn sự bảo đảm của các nguyên tắc kinh tế cơ bản, và có thể tiếp tục đà leo thang này do nhu cầu tích lũy.
Tháng 7 năm ngoái, giá dầu mỏ đã đạt đỉnh điểm 147 USD/thùng, tạo ra những giai đoạn tiêu cực cho thương mại và cú sốc thu nhập sau thuế đối với các quốc gia nhập khẩu dầu mỏ. Kinh tế toàn cầu rõ ràng không thể chịu nổi cú sốc tương tự, nếu hoạt đồng đầu cơ đẩy giá dầu tăng mạnh lên 100 USD/thùng.
VIETNAM+
|