Vai trò của các chính phủ và sự bình ổn giá
Một xu thế dễ nhận thấy chính là trong cuộc khủng hoảng hiện nay, chính phủ các nước can thiệp ngày càng sâu hơn vào nền kinh tế và việc kinh doanh của doanh nghiệp
Vai trò ngày càng lớn của chính phủ
Một xu thế dễ nhận thấy chính là trong cuộc khủng hoảng hiện nay, chính phủ các nước can thiệp ngày càng sâu hơn vào nền kinh tế và việc kinh doanh của doanh nghiệp. Đứng trước sự suy giảm của nền kinh tế, các nhà lập pháp đã đưa ra hàng loạt gói kích thích, dang tay cứu vớt các công ty trên bờ vực phá sản, và thực hiện các cuộc cải cách lớn về mặt chính sách.
Giờ đây, cánh tay của chính phủ đã vươn đến cả những vấn đề trước nay chỉ thuộc phạm vi giải quyết của các nhà quản lý và hội đồng quản trị của các tập đoàn. Giống như các cuộc khủng hoảng trước kia, cuộc khủng hoảng hiện giờ cũng có khả năng làm thay đổi toàn bộ vai trò của chính phủ trong nền kinh tế.
Biểu đồ thể hiện tỷ trọng mức chi tiêu của chính phủ Mỹ so với GDP |
Các nhà quản lý cần rà soát lại các chiến lược phát triển của mình có tính đến hai yếu tố mới do tình hình đưa đến. Thứ nhất, làm sao để đánh giá và chuẩn bị tư thế cạnh tranh trong bối cảnh chính phủ đề ra nhiều quy định mới.
Thứ hai, họ cần nhanh chóng nắm bắt rằng khu vực dịch vụ công sẽ là nơi tiêu thụ nhiều nhất hàng hoá và dịch vụ của các ngành khác do sức ép về chi tiêu tăng dần. Tuy nhiên, không tính đến cuộc khủng hoảng hiện tại, thì nguy cơ về thâm hụt và dân số già từ lâu đã được cảnh báo là gánh nặng với nhiều quốc gia trong tương lai không xa.
Các chính phủ cần thấy được trọng trách phải đem lại cho người dân những dịch vụ công chất lượng tốt ở mức giá phải chăng. Có quá khó chăng? Cái bắt tay đầy sáng tạo giữa khu vực kinh tế tư nhân và nhà nước có thể là lời giải cho thách thức này.
* Nhận định: Xu thế này đang tăng dần
Sự bình ổn giá gặp khó khăn
Trong vòng ba thập niên vừa qua, các công ty vẫn ung dung kinh doanh trong môi trường giá nhìn chung khá ổn định (điều này ít ra đã từng có ở các nền kinh tế phát triển). Thế nhưng, tình hình hiện giờ đã buộc các nhà quản lý dần phải đối mặt với thực tế không còn thuận lợi như trước.
Với nhiều người, lúc này, thiểu phát chính là nguy cơ thường trực đến với họ khi nguồn cung dư thừa đã tạo áp lực giảm giá lên mọi mặt hàng từ nông sản thực phẩm cho tới nguyên vật liệu xây dựng. Trong lúc đó, những nỗ lực của chính phủ nhằm kiềm chế những tác hại đến từ khủng hoảng và thúc đẩy đà tăng trưởng kinh tế dường như làm gia tăng nguy cơ lạm phát.
Như cách nói của cựu Phó Chủ tịch Cục dự trữ Liên bang Mỹ - ông Alan Blinder: “Xét trên phương diện nào đó, bất kể thời điểm, Fed có lẽ cũng cần phải tự tay thiêu rụi toàn bộ số tiền mình đã in ra”. Giá của những loại trái phiếu được phát hành nhằm kiểm chế lạm phát cho thấy các nhà đầu tư đều nhận ra những nguy cơ tiềm ẩn từ chúng.
Khi nền kinh tế bắt đầu phục hồi thì các ngân hàng trung ương cần phải đồng thời kiềm chế các yếu tố gây lạm phát và duy trì tốc độ phục hồi. Như vậy, để tìm ra một mức cân bằng tương đối giữa hai nhiệm vụ này quả thực vô cùng khó khăn khi giá cả hàng hoá cứ không ngừng tăng cao.
Biểu đồ thể hiện sự biến đổi của lạm phát khi nguồn cung tiền thay đổi |
Mặc dù nguy cơ lạm phát đã dần hiện hữu nhưng vẫn còn quá sớm để người ta coi đó đã là một xu thế. Không giống như thị trường lao động những năm 1970 - thời điểm lạm phát hai con số xuất phát từ sự tụt dốc của giá nhân công, giờ đây, chế độ tiền lương ở các nước đã hết sức linh hoạt.
Rõ ràng, giới đầu tư và kinh doanh đang rất khó nắm bắt được một xu thế rõ rệt nào đó từ thị trường. Vì vậy, thay vì cứ đoán già đoán non về xem mức độ lạm phát hay thiểu phát đến đâu, các công ty nên chăng hãy chú tâm tìm ra cách đương đầu với sự bất ổn giá.
Họ nên coi đây là thời điểm thích hợp để rà soát lại các hợp đồng với nhà cung ứng, hợp đồng trả tiền công cho nhân viên, các chính sách giá và các chiến lược phòng ngừa rủi ro để tìm ra những mảng nào đang tiểm ẩn các nguy cơ gây tổn hại đến tổ chức của mình.
Điểm mấu chốt để duy trì sự ổn định giá chính là việc các công ty phải luôn tỉnh táo trước những hợp đồng dài hạn với cả hai bên mua và bán; đồng thời, bất kỳ khi nào có thể, hãy nhanh chóng thiết lập mối liên kết khăng khít giữa chi phí đầu vào và giá bán ra thị trường.
Khi nền kinh tế đang trải qua lạm phát, sẽ rất bất lợi nếu bạn bị ràng buộc vào các hợp đồng cung cấp hàng hoá, dịch vụ dài hạn cho khách hàng ở mức giá cố định trong khi tại thời điểm đó, giá các yếu tố đầu vào không ngừng leo thang. Nhưng ở thời kỳ thiểu phát, đây lại trở thành lợi điểm cho bạn. Trong cả hai tình huống, chức năng mua nắm vai trò tối quan trọng.
Với những công ty chưa hề thực hành nhuần nhuyễn kỹ năng mua, đây chính là thời điểm để bạn đặt kỹ năng này lên hàng đầu
* Nhận định: Xu thế này đang tăng dần
Eric Beinhocker và Elizabeth Stephenson - Như Nguyệt dịch
Tuần Việt Nam, Harvard Business Publishing
|