Thứ Hai, 03/08/2009 09:53

Còn hơn 900 tỷ đồng sai phạm của Vinaconex chờ xử lý

Liên quan đến hàng loạt sai phạm trong cổ phần hoá Vinaconex, ngoài 1.000 tỷ đồng cần thu hồi ngay trong tháng 8/2009 theo kết luận của Thủ tướng, Bộ Tài chính sẽ chủ trì đề xuất biện pháp xử lý 8 khoản có vi phạm với tổng giá trị lên tới 928,939 tỷ đồng.

Một dự án, hơn 700 tỷ đồng sai phạm

Đó là dự án Khu đô thị mới Trung Hòa -  Nhân Chính, là dự án khu đô thị lớn nhất và cũng là đầu tiên của Vinaconex tại Hà Nội.

Tổng số tiền sẽ phải xử lý ở dự án này lên tới 717,392 tỷ đồng. Trách nhiệm liên đới được Thanh tra Chính phủ nêu rõ bao gồm cả TGĐ, Chủ tịch HĐQT Vinaconex Jsc, Giám đốc Ban quản lý dự án, lãnh đạo Bộ Tài chính, lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội và Tổng kiểm toán Nhà nước. 

Dự án này có 3 “lỗi” lớn bao gồm vi phạm quy hoạch, vi phạm về chuyển nhượng quyền sử dụng mặt sàn và vi phạm về xác định giá trị quyền sử dụng đất.

Cụ thể, so với quy hoạch chi tiết được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt, Vinaconex đã  ngang nhiên xây dựng ngoài quy hoạch tổng diện tích là 5.562m2.

Trong đó, xây vượt diện tích so với qui hoạch các toà nhà chung cư là 2.006 m2, xây ngoài qui hoạch 6 nhà văn phòng trên diện tích đất lưu không nối giữa các toà nhà chung cư cao tầng (từ VP2-VP7) là 2.483,5m2, 4 cửa hàng trên diện tịch đất lưu không nằm cạnh 2 toà nhà cung cư (từ 24T1-24T2) là 1.072m2. Giá trị quyền sử dụng đất của diện tích vi phạm này là 84,092 tỷ đồng.

Không những vậy, việc xác định giá trị quyền sử dụng đất của dự án này cũng sai Luật. Bộ Tài chính và Bộ Xây dựng khi thẩm định và công bố kết quả giá trị doanh nghiệp lại không tính giá trị quyền sử dụng đất đối với diện tích đất Vinaconex được giao làm dự án này theo đúng qui  định.

Hai bộ này chỉ tính giá trị tầng 1 các toà nhà, văn phòng, do đó, đã làm giảm giá trị vốn nhà nước tại Vinaconex tới 270,073 tỷ đồng.

Trong khi đó, khoản tiền 132,539 tỷ đồng giá trị tài sản tầng 1 các chung cư cao tầng mà hai Bộ xác định, theo quy định là thuộc UBND thành phố Hà Nội quản lý nhưng lại được đưa vào  xác định giá trị doanh nghiệp để CPH.

Vi phạm lớn thứ 3 của dự án này là việc chuyển nhượng quyền sử dụng mặt sàn không đúng thẩm quyền. HĐQT của Vinaconex đã phê duyệt việc bán, cho thuê tầng 1 các toà nhà chung cư cao tầng, nhà văn phòng, nhà cửa hàng với tổng diện tích mặt sàn là 12.996m2, thu số tiền là 230,688 tỷ đồng. Trong khi việc này phải thông qua hình thức đấu giá và hơn nữa, tầng 1 là thuộc quản lý của UBND thành phố Hà Nội.

Thanh tra Chính phủ cũng phát hiện có 192 tỷ đồng giá trị quyền phát triển dự án Khu đô thị Bắc An Khánh mà Vinaconex không lý giải được cho đoàn thanh tra các  cơ sở hình thành khoản tiền này.

Riêng các khoản tiền liên quan đến các dự án đất đai  này đã lên tới là 909,392 tỷ đồng.

Sẽ có 5 nhà đầu tư chiến lược bị huỷ bỏ?

Theo chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Xây dựng chủ trì rà soát lại danh sách các nhà đầu tư chiến lược của Vinaconex, trường hợp không đủ điều kiện thì có quyết định hủy bỏ.

Vinaconex có 7 nhà đầu tư chiến lược thì trong đó, theo Thanh tra Chính phủ, có 5 đơn vị không đủ điều kiện là nhà đầu tư chiến lược. Đó là Sở giao dịch Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, Ngân hàng CP nhà Hà Nội, Công ty SXKD XNK Bình Minh, Công ty CP đầu tư Masan, Tổng công ty Vật liệu xây dựng số 1.

Mỗi đơn vị này đã được HĐQT Vinaconex phê duyệt mua 1 triệu cổ phần với tổng giá trị ưu đãi là 26,029 tỷ đồng.

Đơn vị thứ 6 là Ngân hàng thương mại cổ phần đầu tư và phát triển Việt Nam tuy đủ điều kiện là nhà đầu tư chiến lược, được mua 5 triệu cổ phần ưu đãi nhưng lại chuyển nhượng 3 triệu cổ phần cho cán bộ, nhân viên hội sở chính sai qui định, với giá trị là 15,617 tỷ đồng.

Cùng đó, Vinaconex đã bán vượt tới 10.204 nghìn cổ phần ưu đãi cho các nhà đầu tư chiến lược so với số lượng chỉ được phép là 795.677 cổ phần. Vì vậy, các nhà đầu tư này đã được hưởng vượt so với qui định là 53,12 tỷ đồng giá trị ưu đãi, làm thất thu ngân sách nhà nước.

Tổng số tiền các khoản giá trị ưu đãi tương ứng sẽ phải nộp lại là 94,766 tỷ đồng. Nếu đơn vị nào không nộp thì Bộ sẽ chuyển hồ sơ đến các cơ quan bảo vệ pháp luật xử lý.

Đây là vụ việc điển hình cho sự thất thoát, lãng phí trong quá trình CPH doanh nghiệp Nhà nước. Bài học kinh nghiệm sẽ không nhỏ khi mà, những sai phạm này còn kéo theo hệ luỵ liên đới tới quyền lợi của các cổ đông đã đóng góp cho công ty. Đồng thời, vụ việc này đã báo động sự nới lỏng trong công tác giám sát đầu tư của cơ quan quản lý các cấp khi vi phạm xảy ra ngay trước mắt.

Sau khi có kết luận của Thủ tướng, ngày 30/7, Tổng công ty CP Xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam (Vinaconex Jsc) đã công bố thông tin tới các cổ đông và Uỷ ban chứng khoán Nhà nước về vấn đề này.

Khoản vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và khoản vốn tăng thêm khi chuyển sang công ty cổ phần đã được Vinaconex nộp cho SCIC từ năm 2008. Khoản hơn 810 tỷ đồng thặng dư bán cổ phần lần đầu được Vinaconex cho rằng được để lại nhằm tăng vốn Nhà nước tại Tổng công ty.

Vinaconex đã yêu cầu các nhà đầu tư chiến lược giải trình về các điều kiện và việc bán cổ phần ưu đãi nhưng khẳng định, đây là các doanh nghiệp Nhà nước có uy tín, thương hiệu, có ý nghĩa trong phát triển lâu dài của đơn vị. 

Phạm Huyền

VIETNAMNET

Các tin tức khác

>   TTCK Việt Nam: Điểm nhấn và cơ hội đầu tư (03/08/2009)

>   PPC: Báo cáo tài chính chi tiết quý II năm 2009 (03/08/2009)

>   Choáng với cổ tức nửa năm 2009 (03/08/2009)

>   TTCK: Bức tranh cuối năm (02/08/2009)

>   Tiếp thị hình ảnh đến nhà đầu tư (02/08/2009)

>   Chứng khoán: Nhà đầu tư chờ đợi tuần lướt sóng? (02/08/2009)

>   NXBGD đăng ký bán 300,000 cổ phiếu EBS và SGD (03/08/2009)

>   Tổng công ty Sông Hồng đăng ký bán toàn bộ cổ phiếu ICG (03/08/2009)

>   Tin giao dịch cổ phiếu SJ1, SSM, TNG, S91, MKV, CCM, AGC, CMC (03/08/2009)

>   ACB lãi 6 tháng hơn 1,045 tỷ đồng (01/08/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật