Choáng với cổ tức nửa năm 2009
Sau khi công bố báo cáo tài chính nửa đầu năm 2009, nhiều công ty đã chính thức chia cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ rất cao. Cùng với sự nóng lên của ngành xây dựng trong quý 2, nhiều công ty sản xuất vật liệu xây dựng đã có mùa bội thu với lợi nhuận tăng vọt. Không ít công ty đã hào phóng đưa ra mức cổ tức hấp dẫn cho các nhà đầu tư (NĐT).
70%!
Đi tiên phong là "họ" nhà Viglacera, trong đó Công ty cổ phần (CTCP) Viglacera Đông Triều (DTC) có mức cổ tức cao ngất với tỷ lệ chia lên tới 70% bằng tiền mặt (1 cổ phiếu được nhận 7.000 đồng). Đây là cổ tức đợt 1 năm 2009 của DTC sau khi sơ kết mức tăng trưởng lợi nhuận quý 2/2009 tăng gần 78% so với năm 2008. Tính chung 6 tháng đầu năm, lợi nhuận sau thuế của DTC tăng gần 59% so với cùng kỳ năm trước.
Không thể sánh được với DTC nhưng mức chia cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 40% trong nửa đầu năm 2009 của CTCP Viglacera Từ Sơn (VTS) cũng làm hài lòng các NĐT đang nắm giữ cổ phiếu này. Lợi nhuận quý 2/2009 mà công ty này đạt được rất ấn tượng, tăng 152,47% so với quý 2/2008. Tính hết nửa đầu năm nay, lợi nhuận của VTS đạt được là 9,022 tỉ đồng, tăng 76,49% so với cùng kỳ năm 2008.
Cũng làm nức lòng các NĐT, CTCP Viglacera Bá Hiến (BHV) chia cổ tức đợt 1/2009 với tỷ lệ 35% cho NĐT ngay sau khi công bố mức lợi nhuận 6 tháng đầu năm 2009 tăng gần 82% so với cùng kỳ.
Khiêm tốn hơn các đàn anh kể trên, "người anh em" HLY của CTCP Viglacera Hạ Long I cũng đưa ra mức cổ tức hấp dẫn so với mặt bằng chung với tỷ lệ chia bằng tiền mặt 25% cho 6 tháng đầu năm.
Có thể thấy, vật liệu xây dựng đang dẫn đầu trong các ngành có lợi nhuận lớn, cổ tức cao trong nửa đầu năm 2009. Còn khá nhiều công ty hoạt động trong các lĩnh vực khác cũng đã và đang dự kiến đưa ra mức cổ tức hấp dẫn cho NĐT. Có thể kể ra như Tổng CTCP đầu tư phát triển xây dựng (DIC Corp) với mức cổ tức dự kiến thấp nhất là 35%; Tập đoàn Hòa Phát điều chỉnh cổ tức từ 20% lên thành 30%...
Mùa cổ tức nửa đầu năm nay đã khởi động sớm hơn các năm trước và độ hấp dẫn cũng cao hơn cùng với nhiều bất ngờ.
Nhìn cổ tức, quyết định đầu tư
Đến thời điểm này, việc chia cổ tức bằng tiền mặt cao hay thấp, chia hay không chia vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau. Không ít ý kiến lo ngại việc đưa ra tỷ lệ cổ tức bằng tiền mặt cao sẽ rủi ro nếu cuối năm, việc kinh doanh không được thuận lợi. Nhưng dù không quá mạnh mẽ, chứng khoán vẫn hấp thụ thông tin cổ tức theo cách riêng của mình. Đặc biệt, tại thời điểm thị trường lình xình và nhiều NĐT chọn phương án đầu tư trung hạn thì tỷ lệ cổ tức là một trong những yếu tố quan trọng để NĐT xem xét trước khi lên danh mục đầu tư.
Chị Hà, NĐT có tài khoản tại sàn Đại Việt, cho biết mới mua vào cổ phiếu (CP) HLA của CTCP Hữu Liên Á Châu với giá 19.000 đồng/CP. Lý do chị Hà chọn CP này do mức lợi nhuận lớn mà HLA đạt được trong quý 2 vừa qua. "Tôi xác định đầu tư trung hạn, nếu cuối năm thị trường tăng thì bán ra, không tăng thì với mức cổ tức 15%, mua giá này cũng là hợp lý, không lo bị lỗ so với gửi tiết kiệm" - chị Hà tính toán. Đây cũng là cách tính của nhiều NĐT chọn đầu tư trung hạn trong bối cảnh thị trường hiện nay.
Theo một chuyên gia chứng khoán tại TP.HCM, việc các doanh nghiệp có lợi nhuận cao, "có thực tiền để chia cổ tức cao" cũng là một dấu hiệu cho thấy “sức khỏe” thật sự của các doanh nghiệp này. "Trước mắt chưa có thông tin hỗ trợ nào thì cổ tức sẽ là yếu tố tác động lên giá CP trong ngắn hạn" - chuyên gia này nói.
Một NĐT khác cũng nhận xét, với việc lãi to trong 6 tháng đầu năm, các ngân hàng cũng đang được kỳ vọng sẽ đưa ra mức cổ tức hấp dẫn.
Bên cạnh đó, các công ty hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, bất động sản... cũng đang được chờ đợi có mức cổ tức bất ngờ.
Nguyên Hằng
Thanh niên
|