Thứ Sáu, 14/08/2009 11:05

“Chuyển chợ” OTC

Ồn ào, lộn xộn và nhiều điều tiếng là những gì mà chợ OTC mang đến cho một công ty chứng khoán (CTCK), nhưng "cái được" khi nằm trong trung tâm của cái chợ này cũng phải là nhỏ. Chính vì thế, khi CTCK Đông Dương không còn bật đèn mỗi tối cho các môi giới giao dịch tiền - hàng, chợ OTC đã tìm được một địa điểm mới ngay gần, đó là VNDirectcafe.

Câu chuyện ở đây là, thị trường OTC là thị trường giao dịch thỏa thuận, mà thỏa thuận thì không thể thiếu vai trò của các môi giới.

Hạn chế được nhưng khó cấm

CTCK VNDirect đã dọn hết phòng giao dịch ở tầng trệt lên tầng trên để dành địa điểm cho VNDirectcafe, nơi các môi giới ngồi giao dịch mỗi ngày. Ở đây có một quầy bar nhỏ bán đồ ăn sáng và nước uống sẵn sàng phục vụ các môi giới. Cũng giống như ở "chợ" Đông Dương khi trước, chợ OTC lúc nào cũng đông đúc, náo nhiệt. Mỗi khi thị trường có biến động là có một nhóm môi giới nhảy lên vì sung sướng, nhưng một nhóm khác lại não nề theo những mất mát cùng thị trường. Hoạt động mua bán ở đây diễn ra trước giờ giao dịch mỗi sáng, nhưng sôi nổi nhất là vào cuối giờ giao dịch của thị trường niêm yết, tức là từ 10h đến 11h30 hàng ngày.

Đấy là nói đến giao dịch chốt giá cổ phiếu MB giữa các môi giới. Song song là hoạt động môi giới các cổ phiếu khác như cổ phiếu ngân hàng, bất động sản hay bất cứ cổ phiếu nào mà thị trường tìm mua hay cần bán.

Đến trưa và chiều, các môi giới tỏa đi nhận cọc hoặc đi làm thủ tục chuyển nhượng những cổ phiếu đã chốt giá cho người mua bán vào buổi sáng.

Hầu như mọi nhu cầu mua bán của thị trường đều được chuyển đến chợ này. Các CTCK có mảng OTC hoạt động tốt đều có "tay trong" ở chợ. Ngoài phục vụ những đại gia ở ẩn, chợ môi giới này cũng phục vụ cả những nhà đầu tư nhỏ lẻ ở Bình Dương, Đồng Nai, hay bất cứ đâu muốn mua, bán vài lô, hay vài nghìn cổ phiếu...

Thời điểm này, các môi giới kiếm tiền không dễ như 2 năm trước khi mà giá cả cổ phiếu giữa bên mua và bên bán chênh nhau vài chục giá. Nhà đầu tư bây giờ cũng rất khôn ngoan, họ khảo giá vài nơi trước khi mua bán. Đối với cổ phiếu có tính thanh khoản cao như Eximbank hay MB thì môi giới chỉ được phí khoảng 500.000 đồng trên một lô cổ phiếu (1 lô là 10.000 cổ phiếu) coi như công đi chuyển nhượng. Người bán chỉ cần đến điểm giao dịch ký giấy bán, nhận tiền, còn người mua chỉ cần chuyển tiền vào tài khoản và đưa cho môi giới một bản sao giấy chứng minh thư để chuyển tên. Nếu tin tưởng môi giới, người mua chỉ cần ngồi một chỗ để môi giới lo hết thủ tục mua và chuyển nhượng.

Nếu không có hoạt động của các môi giới tự do thì có lẽ nhiều cổ phiếu sẽ mất hẳn tính thanh khoản do nhiều nhà đầu tư muốn mua bán cổ phiếu, nhưng chẳng biết làm thủ tục thế nào và ở đâu.

"Sự tồn tại của thị trường tự do này do nhu cầu của thị trường quyết định, chứ không phải do một CTCK hay cơ quan quản lý nào lập nên. Cái mà chúng ta làm được là tạo điều kiện để các môi giới, hay nhà đầu tư tham gia thị trường này có thể giao dịch theo phương thức ít rủi ro nhất", giám đốc một CTCK nói. Theo vị giám đốc này thì nếu không có Đông Dương hay VNDirect, chợ OTC cũng sẽ tìm được một tụ điểm mới ở đâu đó hoặc cũng chẳng cần một địa điểm nào với công nghệ chốt giá bằng tin nhắn.

CTCK được gì từ chợ OTC?

Vì sao Đông Dương chia tay với "chợ" OTC khi Công ty từ lâu đã trở thành địa điểm cho các môi giới đến tụ họp? Theo một đại diện của Đông Dương, các quy định hiện nay không cho phép CTCK tự tổ chức sàn giao dịch dưới bất cứ hình thức nào. Sau vài “vụ nổ” trên thị trường OTC vừa qua, tên tuổi Đông Dương đương nhiên cũng bị gắn vào những phiền phức này, trong khi Đông Dương muốn phát triển mảng kinh doanh chính thống hơn.

Chia tay với chợ OTC là sự thay đổi về chiến lược của Đông Dương. Hiện tại, nguồn thu từ môi giới cổ phiếu niêm yết và vàng của Đông Dương cũng tương đối lớn và Đông Dương muốn phát triển mạnh về lĩnh vực này. "Không thể phủ nhận Đông Dương được nhiều từ chợ OTC. Hiện nay chúng tôi vẫn cử người tham gia chợ này và đang nghiên cứu cùng với một số đối tác tổ chức hình thức hoạt động mới, nhưng phải có sự chấp thuận của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước", đại diện CTCK Đông Dương cho biết.

Phải dành một địa điểm đẹp ở Quận 1, TP. HCM với hạ tầng tối thiểu là ghế ngồi, bảng điện, điện nước, camera, bảo vệ, trông xe cho các môi giới đến ngồi giao dịch miễn phí, cái được trước tiên của CTCK là tiền trong tài khoản giao dịch sẽ tăng lên do các môi giới cũng là nhà đầu tư, họ mở tài khoản giao dịch chứng khoán và giao dịch tiền. Sau khi chợ OTC rời đi thì Ngân hàng ACB cũng dừng thuê mặt bằng ở CTCK Đông Dương để mở phòng giao dịch với giá thuê nghe nói là 6.000 đến 7.000 USD/tháng.

Nhưng đấy chỉ là những cái lợi nhỏ. Chợ đầu mối OTC liên kết với chợ đầu mối ở Hà Nội có thể mua bán vài triệu cổ phiếu MB hay Eximbank mỗi ngày, kể cả đánh khống và giao dịch chuyển nhượng thật. Với tiềm lực về vốn và cổ phiếu sẵn có, CTCK có thể tham gia tự doanh OTC và cung cấp dịch vụ môi giới OTC cho khách hàng, nhất là tổ chức đầu tư.

Và lợi nhuận từ mảng tự doanh này lớn hơn nhiều lợi nhuận từ các dịch vụ khác, tính bằng tỷ đồng mỗi ngày cho đến vài chục tỷ đồng vào những đợt sóng lớn. Bên chia tay chợ OTC có chiến lược thì hẳn bên mời chợ OTC về cũng có chiến lược của mình.

Việc mở một quán cà phê cho các môi giới đến ngồi không phải là ý tưởng tồi và dường như CTCK không muốn nhường lợi thế này cho một đối tượng khác. Chưa hình dung ra rằng, khi các cổ phiếu có thanh khoản cao như MB, Eximbank lên niêm yết thì chợ OTC có còn sôi động như bây giờ hay không, vì vẫn chưa thấy cổ phiếu nào có khả năng thay thế vị thế của hai cổ phiếu này ở thị trường OTC. Nhưng chừng nào còn có hàng trăm cổ phiếu OTC cần giao dịch mà chưa đưa lên UPCoM thì chừng đó, các môi giới tự do còn có việc. Còn nhìn xa hơn nữa, khi tất cả công ty đại chúng đã vào UPCoM thì có lẽ, chúng ta sẽ được chứng kiến sự sáng tạo của thị trường như những sáng tạo kiểu giao dịch tương lai, quyền chọn cổ phiếu MB hiện nay.  

Thành Nam

ĐẦU TƯ CHỨNG KHOÁN

Các tin tức khác

>   DaiABank lãi 16,353 tỷ đồng (14/08/2009)

>   Các công ty đại chúng phải cung cấp số liệu (14/08/2009)

>   Nhiều sai phạm trong cổ phần hóa (14/08/2009)

>   UPCoM-Index tiến về điểm xuất phát (13/08/2009)

>   Vắng ngân hàng trên UPCoM: Vướng ở đâu? (13/08/2009)

>   Rắc rối thặng dư vốn đấu giá cổ phần (13/08/2009)

>   Không ngại cung hàng từ cổ phần hóa (13/08/2009)

>   Đưa vào hoạt động trạm dừng nghỉ Mai Linh - Cái Bè (13/08/2009)

>   Vinaxuki giới thiệu 11 loại xe tải mới (13/08/2009)

>   Bán khoản đầu tư từ CTCP Chế biến gỗ Đức Thành (13/08/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật