Trung Quốc mắc bẫy đồng đôla Mỹ
Sự tăng vọt về giữ trữ ngoại tệ của Trung Quốc mâu thuẫn với lời lời kêu gọi thay thế vị trí đồng đôla trong thanh toán, dự trữ quốc tế của nước này. Đằng sau đó chứa nhiều bất trắc, tính toán.
Theo số liệu công bố ngày 14/7, trong quý 1, dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc chỉ tăng 7,7 tỷ USD, nhưng quý 2 đã tăng 178 tỷ, mức tăng lớn nhất trong một quý từ trước tới giờ. Điều đáng nói là hai dòng vốn chảy vào chính trong quý 2 là thặng dư mậu dịch đạt hơn 34 tỷ USD và FDI đạt 21,2 tỷ USD, đều giảm so với cùng kỳ năm trước.
Trong phần tăng trên, chỉ có 56 tỷ USD là dòng tiền chính thức chảy vào Trung Quốc. Một số đánh giá sơ bộ cho rằng, có khoảng 30-70 tỷ USD là dòng tiền nóng chảy chủ yếu vào bất động sản và chứng khoán. Tiền nóng nhiều cho thấy nhiều người tin vào khả năng phục hồi của kinh tế Trung Quốc. Tuy nhiên, tiền nóng có thể tạo ra bong bóng trong thị trường chứng khoán hay địa ốc, gây suy thoái khi bong bóng sụp đổ.
Với khoản dự trữ ngoại tệ rất lớn và tài khoản vốn đóng, Trung Quốc không lo ngại về tình trạng rút vốn hàng loạt như trường hợp các nước Đông Nam Á trong cuộc khủng hoảng tài chính châu Á 10 năm trước. Tuy nhiên, nếu khủng hoảng nổ ra, Trung Quốc sẽ buộc phải bán tài sản định giá bằng đôla từ dự trữ ngoại tệ của mình để bảo vệ cán cân thanh toán và điều này sẽ gián tiếp ảnh hưởng lên lợi tức trái phiếu của Mỹ và đồng đôla.
Một số chuyên gia kinh tế cho rằng, Trung Quốc đang bị “bẫy đôla”. Quốc gia này đang rơi vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan. Một mặt phải giữ đồng tệ định giá thấp để hỗ trợ xuất khẩu nên vẫn phải tiếp tục tích lũy dự trữ quốc gia và tài sản định giá bằng đôla. Mặt khác số dự trữ này đang có nguy cơ mất giá bởi chính sách nới lỏng tiền tệ và kích cầu rất mạnh của Mỹ nhằm cứu vãn nền kinh tế.
Tệ hại hơn, bất kỳ nỗ lực nào của Trung Quốc tìm cách bán bớt khối tài sản định giá bằng đôla đều đẩy nhanh quá trình mất giá này. Dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc dưới dạng tài sản định giá bằng đôla đã quá lớn, chiếm khoảng 60-70% tổng số dự trữ ngoại tệ.
Trung Quốc không còn lựa chọn nào khác buộc phải tiếp tục mua USD để giữ cho đồng tệ không lên giá. Điều này có lợi cho Mỹ khi đang phải phát hành một lượng lớn trái phiếu chính phủ để giải cứu hệ thống tài chính và kích cầu nền kinh tế.
Nhờ có nguồn cầu từ Trung Quốc, lợi tức trái phiếu của Mỹ sẽ không tăng quá cao. Đồng đôla gián tiếp được Trung Quốc hỗ trợ nên không mất giá quá mạnh trong ngắn hạn. Điều này sẽ giữ cho giá dầu mỏ không tăng đột biến tạo thêm gánh nặng cho nền kinh tế Mỹ. Nhưng tình trạng tiền nóng chảy vào đầu cơ trong nội địa Trung Quốc đang tạo ra những rủi ro lớn hơn cho bản thân nền kinh tế này. Và nếu Trung Quốc có “mệnh hệ” gì thì thế giới chắc sẽ phải tạm quên đi khả năng hồi phục trong năm 2009, thậm chí cả năm 2010.
Sài Gòn Tiếp Thị
|