Thêm 4 ngân hàng Mỹ bị giải thể
Các nhà chức trách Mỹ ngày 17/7 đóng cửa hai ngân hàng ở bang California và 2 ngân hàng ở các bang Georgia và Nam Dakota, nâng tổng số ngân hàng lâm nạn ở nước này từ đầu năm tới nay lên con số 57.
Lớn nhất trong số 4 nhà băng bị đóng cửa lần này là Vineyard Bank ở bang California, với tài sản lên tới 1,9 tỷ USD và lượng tiền gửi của khách hàng là 1,6 tỷ USD tính ở thời điểm 31/3/2009. Kế đó là một ngân hàng nữa cũng của bang California, có tên Temecula Valley Bank, với tài sản 1,5 tỷ USD và 1,3 tỷ USD tiền gửi của khách.
Còn lại là hai ngân hàng có quy mô khiêm tốn hơn, gồm First Piedmont Bank ở bang Georgia và BankFirst ở Nam Dakota. Tính tới ngày 6/7, First Piedmont có tài sản 115 triệu USD và nắm giữ 109 triệu USD tiền gửi của khách hàng. Ở thời điểm ngày 30/4, Bank First có 275 triệu USD tài sản và 254 triệu USD tiền gửi.
Cơ quan Bảo hiểm tiền gửi Liên bang Mỹ (FDIC) cho biết, ngân hàng California Bank & Trust có trụ sở ở California đã nhất trí tiếp quản toàn như toàn bộ số tài khoản tiền gửi và mua lại hầu hết tài sản của Vineyard Bank. Trong khi đó, ngân hàng First-Citizens Bank and Trust Company of Raleigh ở bang Bắc Carolina sẽ tiếp quản toàn bộ số tài khoản tiền gửi và mua lại gần hết tài sản của Temecula Valley Bank.
FDIC và hai ngân hàng là khách mua lại nói trên đều đã ký kết những thỏa thuận chia sẻ thua lỗ có thể phát sinh từ tài sản của các ngân hàng đổ vỡ này.
Theo FDIC, họ cũng đã tìm được khách mua lại hai ngân hàng bị giải thể còn lại trong đợt này. Đó là ngân hàng First American Bank and Trust Co. of Athens ở Georgia đồng ý mua lại First Piedmont Bank và Alerus Financial ở Nam Dakota nhất trí mua lại Bank First.
Tính tới thời điểm này của năm, hai bang Georgia và California là hai bang “nóng” nhất ở Mỹ xét về số vụ ngân hàng đổ vỡ, do đây là hai bang có thị trường địa ốc suy giảm nghiêm trọng nhất ở Mỹ. Từ đầu năm tới nay, đã có 15 ngân hàng ở bang Georgia và 8 ngân hàng ở California “sập tiệm”.
Như vậy, từ đầu năm tới nay, tại Mỹ đã có tới 57 ngân hàng đổ vỡ, so với con số 25 ngân hàng trong cả năm 2008 và 3 ngân hàng trong năm 2007.
FDIC ước tính, 4 vụ giải thể ngân hàng lần này sẽ tiêu tốn của quỹ bảo hiểm tiền gửi tới gần 1,1 tỷ USD.
Tính tới cuối quý 1 vừa qua, FDIC chỉ còn 13 tỷ USD trong ngân quỹ, mức thấp nhất kể từ năm 1993 tới nay. FDIC dự báo, trong thời kỳ 2009-2013, các vụ đổ vỡ ngân hàng sẽ ngốn của cơ quan này số tiền lên tới 70 tỷ USD.
Vụ đổ vỡ nhà băng gây tốn kém nhất cho FDIC kể từ khi cuộc khủng hoảng này nổ ra là vụ giải thể ngân hàng IndyMac ở bang California vào tháng 7 năm ngoái, với chi phí lên tới 10,7 tỷ USD. Kế đến là vụ lâm nạn tiêu tốn 4,9 tỷ USD của BankUnited ở bang Flordia vào tháng 5 vừa qua.
Tuy nhiên, danh hiệu vụ đổ vỡ lớn nhất trong lịch sử ngành ngân hàng Mỹ hiện thuộc về ngân hàng tiết kiệm Washington Mutual. Đổ vỡ vào tháng 9/2008, ngân hàng có tài sản tới 307 tỷ USD này đã được JPMorgan Chase mua lại với giá 1,9 tỷ USD.
Các quan chức của FDIC cho hay, mặc dù tình hình thua lỗ ở mảng cho vay thế chấp nhà có thể đã nhẹ bớt, tình trạng vỡ nợ ở danh mục cho vay bất động sản thương mại vẫn là một điểm nóng có nguy cơ dẫn tới sự tan rã của nhiều ngân hàng nữa trong thời gian tới.
MAI PHƯƠNG (Theo AP)
TBKTVN
|