Tiêu dùng ở châu Á: Cần một sự chuyển dịch
Các nền kinh tế mới nổi ở châu Á đang bật dậy mạnh mẽ hơn nhiều nơi khác. Trong lúc sản lượng công nghiệp của Mỹ tiếp tục giảm trong tháng 5, sản lượng ở các nền kinh tế châu Á đang nổi lên đã lấy lại được phong độ thời trước khủng hoảng (xem bảng 1).
Điều này phần lớn nhờ vào Trung Quốc. Ở các nền kinh tế nhỏ hơn trong khu vực, mặc dù sản xuất vẫn còn yếu hơn một năm về trước nhưng sự hồi phục cũng đang diễn ra. Ở Đài Loan chẳng hạn, sản lượng công nghiệp từ tháng 3 đến tháng 5 đã tăng với mức bình quân 80%/năm so với ba tháng trước đó.
Ngân hàng JPMorgan dự đoán tăng trưởng của các nền kinh tế mới nổi châu Á trong quí 2 năm nay vào khoảng 7%/năm.
Cần đẩy mạnh tiêu dùng nội địa
Khả năng tách rời khỏi kinh tế Mỹ của châu Á phản ánh thực tế rằng cuộc suy thoái của khu vực này chỉ một phần là do sự trì trệ của kinh tế Mỹ.
Để lý giải đà tụt dốc của tốc độ tăng trưởng GDP của phần lớn các nền kinh tế châu Á, sự sụt giảm nhu cầu tiêu thụ nội địa tỏ ra quan trọng hơn sự sụt giảm xuất khẩu. Giá lương thực và năng lượng tăng đột ngột trong nửa đầu năm ngoái đã bóp nghẹt lợi nhuận và sức mua. Chính sách tiền tệ chặt chẽ nhằm chặn đứng lạm phát sau đó càng làm cho nhu cầu nội địa thêm khô héo.
Sự phục hồi gần đây của sản lượng công nghiệp châu Á phản ánh sự kiện các nhà sản xuất đã chấm dứt việc xả hàng tồn kho cũng như tác động từ những gói kích cầu khổng lồ của các chính phủ. Nhưng sức đẩy của cả hai yếu tố này sẽ nhanh chóng phai nhạt.
Trong khi đó, thị trường xuất khẩu ở các nền kinh tế phát triển có vẻ vẫn tiếp tục yếu kém. Vì thế tiến trình phục hồi của các nền kinh tế châu Á vẫn hết sức chập chờn trừ phi chi tiêu nội địa, nhất là tiêu dùng của dân chúng, mạnh lên.
Trên khắp khu vực này, thị hiếu chi tiêu của người tiêu dùng có sự khác biệt lớn. Trong thời kỳ suy thoái toàn cầu, chi tiêu của người Trung Quốc, Ấn Độ và Indonesia vẫn tăng bình quân mỗi năm 5%.
Năm ngoái, doanh số bán lẻ của Trung Quốc tăng 15%. Con số này vượt quá mức tăng thực tế vì nó bao gồm cả sự mua sắm của chính phủ, nhưng các cuộc khảo sát chính thức về chi tiêu của hộ gia đình cho thấy chi tiêu thực vẫn tăng ở mức ấn tượng là 9%. Từ tháng 5 năm ngoái đến tháng 5 năm nay ở Trung Quốc doanh số hàng điện tử gia dụng tăng 12%, áo quần tăng 22% và xe hơi tăng tới 47%.
Ở những nơi khác, chi tiêu lại giảm xuống, bị bóp nghẹt bởi tình trạng thất nghiệp cao và tiền lương bị giảm. Trong quí 1 năm nay, chi tiêu thực của người tiêu dùng ở Hồng Kông, Singapore và Hàn Quốc giảm 4-5% so với cùng kỳ năm ngoái, mức giảm còn nhiều hơn ở Mỹ.
Tuy vậy, theo quan sát của ông Frederic Neumann, nhà kinh tế của Ngân hàng HSBC, đã có những dấu hiệu cho thấy tiêu dùng đang bắt đầu tăng trở lại. Doanh số bán lẻ ở Đài Loan tháng 5 đã tăng tháng thứ ba liên tiếp. Doanh số các siêu thị ở Hàn Quốc cũng tăng 5% so với tháng 5 năm ngoái.
Người ta thường cho rằng, các nền kinh tế mới nổi ở châu Á có thặng dư tài khoản vãng lai lớn, và như thế đã không nhận lãnh đầy đủ trách nhiệm đối với thế giới bởi vì người dân khu vực này thích tiết kiệm hơn tiêu dùng. Nhưng lập luận này không phù hợp với thực tế. Trong vòng năm năm qua, chi tiêu của người tiêu dùng ở các nền kinh tế đang nổi lên của châu Á tăng bình quân mỗi năm 6,5%, nhanh hơn rất nhiều so với các khu vực khác. Sự thật là tỷ trọng của tiêu dùng trong tổng sản lượng GDP đã giảm đi, nhưng sở dĩ như vậy vì tỷ trọng của đầu tư và xuất khẩu còn tăng nhanh hơn chứ không phải vì tiêu dùng giảm. So với chi tiêu của người Mỹ, tiêu dùng của châu Á tăng rất mạnh (xem bảng 2).
Ở phần lớn các nền kinh tế châu Á, tiêu dùng của tư nhân chiếm khoảng 50-60% GDP, không chênh lệch nhiều so với các nước có mức thu nhập tương đương ở các khu vực khác trên thế giới. Tuy nhiên Trung Quốc là một ngoại lệ. Tiêu dùng tư nhân ở Trung Quốc đã giảm từ mức 46% GDP năm 2000 xuống còn 35% vào năm ngoái, chỉ bằng một nửa so với Mỹ. Tiêu dùng ở Singapore cũng thấp, chỉ vào khoảng 40% GDP.
Kích cầu như thế nào?
Điều này giải thích tại sao Chính phủ Trung Quốc gần đây đã hành động mạnh hơn các nước khác nhằm thúc đẩy tiêu thụ.
Trong sáu tháng qua, chính quyền Bắc Kinh đã đưa ra hàng loạt biện pháp ưu đãi để khuyến khích các hộ gia đình mở hầu bao. Cư dân nông thôn được trợ giá khi mua xe cộ và đồ dùng gia đình như ti vi, tủ lạnh, máy tính và điện thoại di động; cư dân đô thị được trợ giá khi đổi xe và đồ dùng gia đình đã cũ lấy những sản phẩm mới; thuế đánh vào các loại xe hơi phát ra ít khí thải cũng được cắt giảm.
Có nhiều khả năng tiêu dùng sẽ tăng cao ở các vùng nông thôn Trung Quốc khi thu nhập được cải thiện: chỉ mới 30% số hộ gia đình nông thôn có tủ lạnh, trong khi gần như mọi gia đình đô thị đều có, đó là một ví dụ.
Chính phủ Trung Quốc năm nay cũng ban hành nhiều biện pháp để cải thiện mạng lưới an sinh xã hội, chẳng hạn tăng đầu tư cho hệ thống chăm sóc y tế, hưu bổng và tài trợ cho những gia đình thu nhập thấp.
Ngày 19-6 vừa qua, Trung Quốc ra lệnh cho mọi doanh nghiệp nhà nước niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán từ sau năm 2005 đều phải chuyển 10% số cổ phần của mình vào Quỹ An sinh xã hội quốc gia để gia tăng tài sản của quỹ này. Tác động trước mắt của chính sách này có thể rất khiêm tốn nhưng nếu những biện pháp như vậy làm dịu đi nỗi lo toan của người dân về chi phí chăm sóc sức khỏe và sinh sống trong tương lai, thì về lâu dài nó có thể kích thích người dân giảm tiết kiệm, tăng tiêu dùng.
Một cách khác để kích cầu là làm cho việc vay mượn được dễ dàng hơn. Ở phần lớn các nền kinh tế châu Á, nợ của hộ gia đình chỉ chiếm chưa tới 50% GDP so với mức 100% ở nhiều nền kinh tế phát triển; riêng tại Ấn Độ và Trung Quốc, tỷ lệ này còn ở dưới mức 15%. Hàn Quốc là một ngoại lệ lớn: tỷ lệ nợ trên thu nhập của các hộ gia đình Hàn Quốc cao ngang với các gia đình Mỹ; tỷ lệ tiết kiệm của họ cũng giảm nhanh trong thập niên qua, từ mức 18% thu nhập xuống còn 4% hiện nay.
Ở nhiều nền kinh tế châu Á gần như không tồn tại các chương trình tài trợ mua sắm các mặt hàng tiêu dùng lâu bền. Tại Trung Quốc, cơ quan quản lý ngành ngân hàng vừa công bố một dự thảo luật, theo đó từ tháng 5-2009 các tổ chức tài chính trong nước và nước ngoài được phép thành lập các công ty tài trợ tiêu dùng để cho cá nhân và hộ gia đình vay mua sắm hàng tiêu dùng.
Những biện pháp này chỉ là bước đi khiêm tốn nhưng đúng hướng. Nhưng thử thách lớn nhất cho quyết tâm của các chính phủ châu Á trong việc chuyển dịch cán cân tăng trưởng từ dựa vào xuất khẩu sang dựa vào tiêu thụ nội địa là liệu họ có cho phép tỷ giá hối đoái được tăng lên hay không.
Việc nâng tỷ giá sẽ nâng sức mua thực của người tiêu dùng và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp chuyển dịch tài nguyên về hướng sản xuất phục vụ thị trường nội địa thay vì chỉ lo xuất khẩu. Nhưng cho đến nay các nhà hoạch định chính sách ở châu Á vẫn rất lưỡng lự trong việc để cho đồng tiền tăng giá quá nhanh.
Tiêu dùng ở châu Á đã là một động lực quan trọng của sự tăng trưởng toàn cầu. Ngay từ trước cuộc khủng hoảng, chi tiêu của người tiêu dùng trong các nền kinh tế mới nổi ở châu Á đã đóng góp vào sự tăng trưởng của nhu cầu toàn cầu lớn hơn là tiêu dùng của người Mỹ. Nhưng nếu người châu Á được hưởng thụ đầy đủ thành quả lao động khó nhọc của họ thì sự đóng góp này có thể còn to lớn hơn nữa, thay vì chỉ thắt lưng buộc bụng tiết kiệm để tài trợ cho người tiêu dùng phương Tây thông qua những đồng tiền bị định giá quá thấp. Đã đến lúc phải có sự dịch chuyển lớn hơn nữa của sức mua từ phương Tây sang phương Đông.
Huỳnh Hoa (Theo Economist)
TBKTSG
|