Thứ Ba, 21/07/2009 19:13

Tạo đột phá cho nền kinh tế từ các đặc khu kinh tế

Mặc dù Việt Nam hiện tại có 15 khu kinh tế mở đang xây dựng và chưa có tác động nhiều tới nền kinh tế, nhưng tiến sĩ Võ Đại Lược cho rằng các khu kinh tế tự do, hay còn gọi là đặc khu kinh tế, sẽ là đột phá về thể chế kinh tế và xã hội của Việt Nam trong thời gian tới.

Tại tọa đàm “Giới thiệu một số khu kinh tế tự do trên thế giới và vấn đề xây dựng các đặc khu kinh tế của Việt Nam” do Trung tâm kinh tế châu Á - Thái Bình Dương TPHCM tổ chức sáng 21-7 tại TPHCM, tiến sĩ Võ Đại Lược - chủ nhiệm chương trình trọng điểm cấp nhà nước về các vấn đề kinh tế Việt Nam đến năm 2020 - khẳng định phát triển các khu kinh tế mở là giải pháp quan trọng của Việt Nam trong phát triển kinh tế tương lai.

Ta hơi khác người!

Chu Lai ở Quảng Nam là khu kinh tế mở đầu tiên của Việt Nam, nhưng sau 5 năm thành lập tới nay vốn đầu tư hạ tầng lại do nhà nước đầu tư; các nhà đầu tư vào khu kinh tế này nổi bật nhất lại là nhà đầu tư trong nước (Công ty ô tô Trường Hải) và sản phẩm tiêu thụ nội địa.

Trong khi đó, các khu kinh tế mở ở Trung Quốc, nhà nước không đầu tư mà chỉ đưa ra cơ chế chính sách và khu kinh tế thu hút đầu tư từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước theo kiểu đổi đất lấy hạ tầng; các nhà đầu tư vào trong khu kinh tế mở chủ yếu là nước ngoài và hướng tới xuất khẩu sản phẩm.

Một tập đoàn lớn của nước ngoài đầu tư vào miền Trung lại không chọn Chu Lai, khi được ông Lược hỏi tại sao, nhà đầu tư ấy đã trả lời bằng một câu hỏi: “Tại sao tôi phải chọn Chu Lai trong khi nhiều địa điểm khác ở miền Trung tốt hơn?”.

Như vậy, ngay cả việc lựa chọn địa điểm xây dựng khu kinh tế mở của Việt Nam gần như chủ quan của chính quyền chứ không phải tham khảo ý kiến và nguyện vọng của nhà đầu tư.

Tương tự, khu kinh tế Dung Quất cũng do nhà nước đầu tư và hiện nay chủ yếu vẫn là nhà máy lọc dầu của nhà nước mà sản phẩm của nó hướng nội nhiều hơn là xuất khẩu. Khu kinh tế mở Vân Đồn ở Quảng Ninh thì tới giờ chỉ có một ông trưởng ban quản lý “ngồi giữ đất”.

Các đặc khu kinh tế ở Thâm Quyến, Thiên Tân hay các khu kinh tế tự do ở Dubai mà ông Lược đã tới tham quan học hỏi, ông rút ra yếu tố quan trọng đầu tiên mà khu kinh tế mở phải có là thể chế, thể hiện trong nhiều yếu tố như thuế gần như không có gì hoặc bằng 0% hoàn toàn, thay thế bằng lệ phí kinh doanh, phí nhà đất. Đất đai thì cho thuê trong thời gian dài, trước là 70 năm sau tăng dần lên 90 năm, thậm chí xây dựng khách sạn 5 hay 7 sao thì thuê đất tới 120 năm, tùy theo loại hình là đô thị hay công nghiệp.

Đặc biệt, quyền tự quản của khu kinh tế mở rất cao. Những nơi nào mà khu kinh tế mở có quyền tự quản càng cao thì y như rằng khu đó càng thành công và quyền tự quản của khu kinh tế mở gắn liền với thể chế hành chính phù hợp.

Chẳng hạn đô thị tài chính quốc tế ở Dubai thì luật quy định các hoạt động tài chính ở đây lại theo luật của Vương quốc Anh, thậm chí thị trưởng khu đô thị tài chính thì thuê người nước ngoài.

“Phần lớn các khu kinh tế có thể chế (trừ chính trị) do các nhà đầu tư đề xuất, thậm chí tìm kiếm vị trí xây dựng khu kinh tế mở cũng tham khảo ý kiến các nhà đầu tư chiến lược”, ông kể lại.

Đột phá

Sau khi giới thiệu cách thức đầu tư, xây dựng và thể chế một số khu kinh tế mở (đặc khu kinh tế, khu kinh tế tự do) ở Trung Quốc, Dubai, Hàn Quốc, Mỹ… tiến sĩ Lược cho rằng quy hoạch phát triển các khu kinh tế mở của Việt Nam đã có, bao gồm 15 khu, trong đó 13 khu đang đầu tư xây dựng nhưng có quá nhiều khiếm khuyết.

“Phải đổi mới, định hình lại mà quan trọng nhất là thay đổi thể chế, tìm kiếm các nhà đầu tư chiến lược và lựa chọn địa điểm đầu tư”, ông nói.

Lý giải tại sao các khu kinh tế mở của Việt Nam hiện nay gần như không thành công nhưng ông vẫn đề xuất xây dựng khu kinh tế mở, ông giải thích: “Việc tạo đột phá cho cả nền kinh tế hiện nay không dễ dàng và có nhiều rủi ro nhưng tạo đột phá mang tính thử nghiệm trong không gian một khu kinh tế mở để từ đó lan tỏa, tác động tới cả nền kinh tế thì dễ dàng hơn nhiều”.

Đồng thời ông cũng không đồng tình với quan điểm hiện nay ở nhiều cơ quan quản lý là Việt Nam đã mở cửa sâu rộng, đã hội nhập WTO thì không còn cần thiết phải có khu kinh tế mở. Cái quan trọng, theo ông Lược, hội nhập WTO là Việt Nam mở cửa và bỏ dần hàng rào thuế quan, trong khi khu kinh tế mở là nơi hấp thu các nguồn lực từ trong nước và nước ngoài chứ không đơn thuần là cắt giảm thuế.

Chính vì cách suy nghĩ hấp dẫn nhà đầu tư bằng thuế và tiền thuê đất mà nhiều khu kinh tế mở ở Việt Nam lại lo tìm chính sách ưu đãi đầu tư về thuế, đất đai, lao động, thậm chí cạnh tranh nhau mà quên đi rằng ở khu kinh tế mở cái quan trọng nhất là thể chế.

Ông Trần Thanh Hồng, Phó tổng giám đốc Công ty liên doanh khu chế xuất Tân Thuận, đồng tình quan điểm này. Ông Hồng cho rằng ngay cả nền kinh tế của Mỹ tự do nổi tiếng trên thế giới nhưng hiện họ có tới 145 khu kinh tế tự do và đang xây dựng thêm khu kinh tế tự do, khu chế xuất.

“Nhiều chính sách ban hành hiện nay đã quên mất các khu kinh tế mở, khu chế xuất”, ông nói.

Ông Hồng kể khu chế xuất thì các doanh nghiệp bên trong buôn bán bằng đồng tiền gì là việc nội bộ của họ vì chỉ diễn ra bên trong khu chế xuất và ban đầu khi mời nhà đầu tư vào, mình cho họ quyền tự do nhưng sau vẫn bắt phải dùng tiền đồng, kiến nghị mãi mới nới lỏng chút ít.

Ông Hồng cũng cho biết các nhà đầu tư thắc mắc là các cơ quan quản lý của Việt Nam hiện không mạnh, không đủ trở thành chỗ dựa cho nhà đầu tư, chẳng hạn nhà đầu tư hỏi thì ban quản lý các khu công nghiệp, khu chế xuất trả lời phải chờ để hỏi lại các bộ ngành, thành phố…

Theo ông Lược, Việt Nam có nhiều lợi thế để lập các khu kinh tế mở vì Việt Nam hiện là trung tâm của một khu vực có kinh tế phát triển năng động trên thế giới; về địa kinh tế, Việt Nam cũng có nhiều lợi thế. Kế đó là khả năng sinh lời dài hạn ở Việt Nam cao nếu bỏ vốn vào đầu tư; con số hơn 70 tỉ đô la Mỹ đăng ký đầu tư nước ngoài trong năm ngoái cũng phần nào nói lên điều đó. Thứ ba là Việt Nam có nhiều tiềm năng về cảng biển, nhiều vị trí để lựa chọn đầu tư xây dựng khu kinh tế mở.

Hồng Văn

TBKTSG Online

Các tin tức khác

>   Nokia Siemens sẽ tham gia xây dựng 3G cùng Viettel (21/07/2009)

>   Phát huy lợi thế, tạo vai trò động lực vùng KT trọng điểm ĐBSCL (21/07/2009)

>   Hạ thủy tàu chở ô tô đóng mới tại Việt Nam (21/07/2009)

>   Trao "đặc quyền" của thuê bao trả sau cho trả trước (22/07/2009)

>   Giao dịch bất động sản qua sàn: Ít vì vướng luật (21/07/2009)

>   Thị trường lúa gạo xuất khẩu cuối năm nhiều khó khăn (21/07/2009)

>   "Việt Nam đối phó tốt trước cuộc khủng hoảng" (21/07/2009)

>   Tháo gỡ khó khăn, kích cầu trong nông nghiệp, nông thôn (21/07/2009)

>   Bước phát triển mới trong hợp tác viễn thông Việt - Nga (21/07/2009)

>   Giá cà phê tăng gần 100 USD/tấn (21/07/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật