Thị trường lúa gạo xuất khẩu cuối năm nhiều khó khăn
Trái với những diễn biến của thị trường lúa gạo những tháng đầu năm là giá tăng, nhu cầu lớn, các chuyên gia phân tích của Trung tâm Thông tin Phát triển Nông nghiệp Nông thôn (Agroinfo), lại cho rằng, từ nay đến cuối năm xuất khẩu sẽ gặp khó do giá giảm.
Tiếp tục sôi động
Bà Nguyễn Trang Nhung, chuyên gia phân tích của Agroinfo, cho biết, thời gian qua thị trường gạo trong nước có dấu hiệu sôi động trở lại khi nhiều nước trên thế giới như: Philippines, Maylaysia có nhu cầu nhập khẩu thêm gạo. Philippines cho biết sẽ nhập thêm khoảng 350.000 tấn gạo quy xay, ngoài lượng 1,5 triệu tấn đã mua của Việt Nam. Manila cũng đã cho phép các doanh nghiệp tư nhân nhập khẩu 200.000 tấn gạo từ nay tới hết tháng 8 năm 2009. Ngoài ra, Châu Phi dự kiến sẽ mua 400.000 tấn gạo...
Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2009, nước ta đã xuất khẩu được 3,6 triệu tấn gạo, đạt kim ngạch 1,5 tỷ USD. Hiện, lúa tẻ thường ở Đồng bằng sông Cửu Long từ 4.100 – 4.250 đồng /kg lên 4.200 – 4.350 đồng/kg. Giá gạo tẻ thường tại Cần Thơ và Hà Nội tăng lên mức 8.000 đồng/kg và 8.500 đồng/kg. “Thị trường gạo trong nước thời gian qua sôi động là do hoạt động thu mua của các thương lái cho nhu cầu xuất khẩu lớn. Hiện, lúa hàng hóa vụ đông xuân trong dân đã tiêu thụ gần hết, chủ yếu còn trong kho các doanh nghiệp. Tuy nhiên, vụ hè thu đang vào thu hoạch đã đảm bảo nguồn cung gạo cho xuất khẩu làm cho thị trường gạo càng trở nên nhộn nhịp” – bà Trang phân tích.
Đại diện Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết, giá gạo xuất khẩu loại 5% tấm của Việt Nam đang ở mức 413 USD/tấn và 355 USD/tấn đối với gạo 25%. Thị trường xuất khẩu gạo của nước ta vẫn tương đối ổn định là nhờ Thái Lan và ấn Độ vẫn chưa xuất khẩu gạo trở lại.
Tuy nhiên, ông Huỳnh Minh Huệ, Tổng thư ký VFA, khuyến cáo việc gạo nước ta đạt mức xuất khẩu là nhờ sự nỗ lực của nông dân và ngành nông nghiệp trong sách lược tăng năng suất và uy tín trên thị trường. Tuy nhiên, bà con nông dân cũng cần phải tiếp tục nâng cao chất lượng, giá trị và thương hiệu của gạo Việt Nam, khi an ninh lương thực đang là vấn đề được nhiều người quan tâm.
Kịch bản nào?
Nhận định về giá cũng như thị trường xuất khẩu từ nay đến cuối năm, ông Phạm Quang Diệu, Giám đốc Agroinfo, cho biết: “Dự báo trong thời gian tới, xuất khẩu gạo của Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn và có khả năng giá sẽ giảm. Nguyên nhân là do sau một thời gian tạm dừng xuất khẩu, một số nước đã có dấu hiệu chuẩn bị giảm xuất khẩu trở lại, điển hình là Thái Lan và Ấn Độ. Và chính các nguồn cung này sẽ tác động tới thị trường gạo thế giới, làm giá gạo giảm đáng kể”.
Tuy nhiên, ông Diệu cũng đưa ra 2 kịch bản đối với những diễn biến về giá nếu Thái Lan và Ấn Độ chưa chịu bán lượng gạo dự trữ sẽ dẫn tới việc nguồn cung khan hiếm, do đó, đây sẽ là cơ hội để các doanh nghiệp Việt có thể xuất khẩu tối đa 6 triệu tấn gạo.
Kịch bản thứ 2 là nếu thị trường gạo thế giới tăng cung nghĩa là Thái Lan và Ấn Độ tung gạo dự trữ thì xuất khẩu của Việt Nam sẽ gặp khó, lượng xuất khẩu theo đăng ký có thể không được như dự kiến. Bên cạnh đó, nguồn cung trong nước sẽ tiếp tục tăng do bước vào vụ thu hoạch lúa hè thu và thu đông. Và nếu điều này xảy ra, thị trường lúa gạo trong nước sẽ lặp lại kịch bản như cuối năm 2008 nghĩa là lúa gạo dư thừa và giá giảm mạnh.
Đồng tình với kịch bản 2 này, chuyên gia phân tích của Viện Nghiên cứu Thương mại, Nguyễn Đình Bích cho biết: “3 tháng đầu năm 2009, giá gạo tăng là do cung tăng mạnh, cầu giảm. Từ xưa đến nay giá gạo diễn biến lên xuống luôn theo chu kỳ. Khi được giá, nông dân sẽ tiếp tục mở rộng diện tích canh tác làm tăng sản lượng dẫn tới cung vượt cầu và vì vậy giá lại giảm. Bên cạnh đó, nhân tố quan trọng nhất tác động trực tiếp sẽ làm cho giá giảm là do có nhiều khả năng ấn Độ sẽ tung ra thị trường khoảng 2,5 triệu tấn. Còn Thái Lan hiện tồn kho khoảng 8 triệu tấn. Và để đảm bảo chất lượng của hạt gạo, chắc chắn 2 nước này sẽ phải mở cửa xuất khẩu. Vấn đề hiện nay là họ đang chọn thời điểm nào để xuất mà thôi. Và chính điều này sẽ làm cho cung vượt cầu, giá giảm. Vì vậy, khi thị trường còn đang “khan hiếm”, chúng ta nên tận dụng cơ hội này để đẩy mạnh xuất khẩu. Các doanh nghiệp có bao nhiêu thì nên bán hết” - ông Bích nói.
Ông Diệu kết luận: “Việc dự báo nhất là đối với mặt hàng lúa gạo là hết sức khó khăn bởi nó còn phụ thuộc và chịu sự chi phối của nhiều yếu tố, tuy nhiên có thể thấy rằng giá gạo từ nay đến năm 2010 có nhiều khả năng sẽ giảm và xuất khẩu sẽ gặp khó”.
Thúy Nga
Kinh tế nông thôn
|