Thị trường nội địa cần "đường ray" mới
Gặp lúc khủng hoảng kinh tế, nhiều thị trường xuất khẩu bị thu hẹp, các doanh nghiệp Việt lại tính chuyện "quay về ao ta" với nhiều chương trình khuếch trương hàng nội.
Tuy nhiên các chuyên gia cảnh báo nếu vội chuyển hướng vào thị trường nội địa, mà sự am hiểu chưa thấu đáo, và không có chiến lược giữ các thị trường ngoại, không khéo doanh nghiệp mất cả thị trường ngoại lẫn bế tắc ở thị trường nội”. "Con tàu" thị trường nội địa đang cần "đường ray" chiến lược mang tính bài bản, dài hơi...
Lường được tổng cầu
Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, khi thiếu một chiến lược dài hơi, các chương trình đầu tư phát triển thị trường nội địa khó mang lại hiệu quả cao do đó cần xây dựng “kịch bản” tổng thể phát triển thị trường nội địa, để tạo “đường ray” pháp lý cho thị trường này phát triển bền vững, hiệu quả. Để kịch bản mang tính khả thi cao, các chuyên gia đề nghị cơ quan quản lý tổ chức điều tra, nghiên cứu nhằm xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về thị trường nội địa.
Bà Vũ Kim Hạnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Hỗ trợ doanh nghiệp đề xuất sớm tiến hành các hoạt động, điều tra nghiên cứu kỹ lưỡng, để lường được tổng cầu của thị trường trong các giai đoạn phát triển khác nhau. Trong đó phải làm rõ được, cầu của thị trường nông thôn, thành thị có những đặc trưng gì, chịu tác động bởi các yếu tố nào... Khi có được hệ thống dữ liệu mang tính quốc gia về thị trường nội địa nói chung, tổng cầu nói riêng sẽ chỉ ra được các phân khúc thị trường, để giúp doanh nghiệp chủ động khai thác thị trường.
Tiến sĩ Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cho rằng không nắm được chính xác, bài bản những yêu cầu đặc thù của thị trường nội địa, mà cứ kêu gọi các doanh nghiệp lâu nay phát triển theo định hướng xuất khẩu chuyển đầu tư vào thị trường này thì chẳng khác gì đánh đố. Bởi bản thân các doanh nghiệp còn mù mờ về thị trường nội địa, nên không thể nhanh chóng khai thác thị trường này hiệu quả.
“Nếu không có chiến lược giữ các thị trường ngoại, mà vội chuyển hướng vào thị trường nội địa với sự am hiểu chưa thấu đáo, không khéo doanh nghiệp mất cả thị trường ngoại lẫn bế tắc ở thị trường nội”, ông Thiên cảnh báo.
Định hướng sản xuất, phân phối
Theo các chuyên gia và doanh nghiệp, cùng với “đường ray” tổng cầu, “đường ray” sản xuất, phân phối sẽ hỗ trợ cho “con tàu” thị trường nội địa vận hành theo hướng dài hơi, hiệu quả. Nguyên nhân là do những gợi mở giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí, tiền của trong việc xác định hướng đầu tư vào sản xuất, phân phối để đáp ứng trúng nhu cầu của thị trường. Bởi vậy, trong chương trình tổng thể phát triển thị trường nội địa nên đưa ra định hướng sản xuất, phân phối để thỏa mãn tổng cầu trong các giai đoạn khác nhau.
Bà Vũ Kim Hạnh cho rằng, việc đảm bảo sự kết nối chặt chẽ giữa tổng cầu của thị trường nội địa với định hướng sản xuất, phân phối rất quan trọng cho chiến lược phát triển thị trường của từng doanh nghiệp. Nếu thiếu sự gắn kết giữa hai yếu tố này doanh nghiệp dễ gặp phải nhiều rủi ro.
Do đó, để định hướng sản xuất, phân phối sát với thực tế trong quá trình xây dựng chương trình phát triển thị trường nội địa nên tiến hành điều tra, nghiên cứu chuẩn xác về thị hiếu người tiêu dùng ở thị trường nông thôn, thành thị; thị hiếu lứa tuổi, thị hiếu giới; thói quen tiêu dùng... “Xây dựng được chương trình phát triển thị trường nội địa có chất lượng đã khó, nhưng thực hiện có hiệu quả còn khó hơn. Điều này đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan quản lý và cộng đồng doanh nghiệp", bà Hạnh nói.
Theo bà Hạnh, Cơ quan quản lý thường xuyên cập nhật dữ liệu về biến động của thị trường, đưa ra những dự báo để gợi mở cho doanh nghiệp hướng sản xuất, phân phối; đặc biệt, giám sát việc tổ chức triển khai chương trình phát triển thị trường nội địa theo đúng quy hoạch, lộ trình. Cộng đồng doanh nghiệp nên có sự hợp tác, hỗ trợ nhau trong khai thác thị trường nội địa...”.
Còn ông Đặng Đình Bảo, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần xuất nhập khẩu thủy sản Hà Nội đề xuất: định hướng sản xuất, phân phối cần đi vào chi tiết các ngành hàng mà thị trường nội địa có tiềm năng phát triển mạnh, mang lại giá trị cao về mặt dài hạn. Trên cơ sở đó sẽ giúp các doanh nghiệp thu xếp nguồn lực cho đầu tư phát triển thị trường nội địa...
Vietnam+
|