Xuất khẩu lao động sang Malaysia: Nhiều dấu hiệu phục hồi
Nhiều DN khai thác thị trường Malaysia cho biết: Gần đây, họ đã ký được nhiều đơn hàng tuyển dụng trở lại, trong đó có những đơn hàng lên đến hàng trăm công nhân. Đây là tín hiệu vui cho thị trường một thời được coi là "vàng" của XKLĐ VN.
Đơn hàng nhiều
Ông Nguyễn Quốc Hán - Phó GĐ Cty CP thương mại và dịch vụ Vĩnh Cát - cho biết, Cty cần tuyển hơn 100 LĐ sang Malaysia làm ở NM điện tử, thu nhập bình quân từ 700 - 1.000 ringit/tháng (khoảng 4 triệu đồng/tháng). Sovilaco đang cần tuyển 250 LĐ công xưởng cho Malaysia; Cty CP thương mại Châu Hưng cần 100 LĐ nữ làm điện tử, LĐ nữ giúp việc gia đình, phiên dịch...
Các Cty môi giới LĐ tại Malaysia cho biết: Các NM lớn như Sony, Canon... dự tính sẽ tuyển hàng ngàn LĐ. Theo khảo sát của 109 trung tâm hỗ trợ việc làm Malaysia, hiện có khoảng 28.000 chỗ làm còn trống...
Theo Ban Quản lý LĐVN tại Malaysia: Do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, số LĐVN làm việc tại Malaysia giảm từ 120.000 LĐ xuống chỉ còn hơn 70.000 người. Kinh tế nước này đang dần hồi phục, nhiều NM, xí nghiệp đã hoạt động bình thường, nhu cầu tiếp nhận LĐ nhập cư tăng trở lại từ cuối tháng 6. Tuy không ồ ạt như trước đây, nhưng nhu cầu LĐ ở Malaysia đang tăng lên ở hầu hết các ngành nghề.
Muốn hiệu quả: Phải thay đổi cách làm
Tuy thị trường Malaysia có dấu hiệu phục hồi, đơn hàng nhiều, song việc tuyển LĐ của các DN gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân khiến LĐVN không muốn sang Malaysia - theo các chuyên gia, ngoài thu nhập thấp, chủ yếu LĐ vẫn sợ rủi ro không có việc làm phải về nước trước hạn.
Nhiều DN XKLĐ cho rằng, đây là cơ hội tốt cho LĐVN, trong đó có LĐ các huyện nghèo, bởi Malaysia là thị trường phù hợp cả về kinh tế lẫn tay nghề. Tuy nhiên, muốn hiệu quả, các DN không thể tuyển ồ ạt như trước mà cần làm chặt chẽ; đào tạo thật tốt để tạo nguồn LĐ có chất lượng.
Ông Đào Công Hải - Phó Cục trưởng Cục Quản lý LĐ ngoài nước - nhấn mạnh: "Cả NLĐ và DN cần phải thay đổi quan niệm về thị trường Malaysia rằng đây là thị trường dễ tính, LĐ không cần có tay nghề, ngoại ngữ".
Để khôi phục thị trường này, Cục Quản lý LĐ ngoài nước đã chỉ đạo các DN đưa LĐ sang Malaysia nghiêm túc đảm bảo quy trình thủ tục, trong đó lưu ý việc khảo sát, kiểm tra tại các NM, tăng cường khả năng ngoại ngữ, thái độ và tâm lý làm việc cho NLĐ. Đặc biệt là tăng cường trách nhiệm với NLĐ, duy trì người đại diện tại nước sở tại để kịp thời giải quyết những phát sinh, không nên uỷ quyền cho môi giới LĐ.
Đoàn Lan
Lao Động
|