Xuất khẩu nông sản thời khủng hoảng KT: Bức tranh ảm đạm
Trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế, tài chính toàn cầu rộng cả về quy mô và tầm ảnh hưởng đã tác động xấu đến xuất khẩu nông sản, đời sống của bà con nông dân. Những yếu tố trên đã kìm hãm tốc độ tăng trưởng của ngành nông nghiệp. Vì vậy, phần lớn các chỉ tiêu về xuất khẩu của ngành nông nghiệp đều đạt mức thấp hơn so với mục tiêu kế hoạch đề ra.
Tăng trưởng... âm
Báo cáo của Bộ NN&PTNT cho thấy, tổng kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm của nước ta ước đạt 7,6 tỷ USD, bằng 54,3% so với kế hoạch và giảm 2,43% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu các mặt hàng nông sản ước đạt 4,3 tỷ USD, giảm 0,39%; đồ gỗ và lâm sản chính đạt 1,2 tỷ USD, giảm 18,8%; thủy sản đạt 1,7 tỷ USD, giảm 11,24%. Theo phân tích của Bộ NN&PTNT, 6 tháng đầu năm 2009, mặc dù kinh tế có khó khăn nhưng được sự hỗ trợ từ chính sách kích cầu của Chính phủ nên các sản phẩm lương thực, chăn nuôi, thủy sản tiêu thụ tương đối thuận lợi, bảo đảm có lãi cho người sản xuất, nhất là các mặt hàng nông sản, thực phẩm thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân như gạo, đường, muối, các sản phẩm chăn nuôi. Tuy nhiên, đối với những hàng hóa là nguyên liệu chủ yếu cho chế biến xuất khẩu như cà phê, cao su, hạt tiêu, hạt điều, thủy sản và đồ gỗ do xuất khẩu chịu tác động trực tiếp của khủng hoảng kinh tế thế giới, nhu cầu suy giảm nên tiêu thụ khó khăn, giá sụt giảm mạnh. So sánh giá tại thời điểm giữa tháng 6-2009 so với cùng kỳ năm trước, giá gạo 5% tấm giảm 2.000 đồng/kg, cà phê nhân giảm 15.000 đồng/kg, hạt tiêu đen giảm 9.000 đồng/kg, cá tra giảm 2.000 đồng/kg. Vì vậy, mặc dù một số mặt hàng xuất khẩu nêu trên có lượng tăng nhiều so với 6 tháng đầu năm ngoái nhưng tổng kim ngạch xuất khẩu chỉ đạt 7,6 tỷ USD, giảm 2,43% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó đồ gỗ và lâm sản (đạt 1,2 tỷ USD) là mặt hàng sụt giảm mạnh nhất, lên đến 18,8%. Bên cạnh các yếu tố về giá cả, nhiều nước cũng đã tăng cường bảo hộ cho sản xuất trong nước nên đã dựng nhiều rào cản kỹ thuật khiến môi trường cạnh tranh ngày càng gay gắt hơn. Theo ước tính, kim ngạch xuất khẩu gạo trong 6 tháng đầu năm 2009 đạt 1,8 tỷ USD, tăng 57,54% về lượng và 24,6% về giá trị, tuy nhiên thị trường xuất khẩu vẫn không có nhiều thay đổi, đứng đầu vẫn là thị trường Phi-líp-pin với tỷ trọng giá trị chiếm 50,46%, tiếp đến là Ma-lai-xi-a với tỷ trọng 8,64%. Trong khi đó mặt hàng cà phê xuất khẩu đạt 741 ngàn tấn, tăng 23,1% nhưng chỉ đạt 1,1 tỷ USD, giảm 12,07% so với cùng kỳ. Đây là một trong những mặt hàng nông sản có mức giá giảm mạnh nhất, giảm khoảng 559 USD/tấn. Cao su cũng là ngành hàng giảm mạnh cả về sản lượng và giá trị với mức giá xuất khẩu bình quân đạt 1.408 USD/tấn, giảm 42,36% so với cùng kỳ năm 2008. Đối với mặt hàng thủy sản, thị trường tiêu thụ chính vẫn là EU và Nhật Bản, tuy nhiên kim ngạch xuất khẩu thủy sản ước đạt 1,69 tỷ USD, giảm 11,24% so với cùng kỳ năm trước.
Chưa thoát được khó khăn
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, khả năng xuất khẩu gạo trong 6 tháng cuối năm tương đối khả quan, số lượng hợp đồng xuất khẩu đã ký được hơn 5 triệu tấn, trong đó đã xuất khẩu được 3,65 triệu tấn. Giá thu mua lúa gạo khá cao, giúp nông dân sản xuất lúa hàng hóa bảo đảm có lãi. Song, với một số mặt hàng nông, lâm, thủy sản khác đang gặp khó, sắp tới nhiều ngành hàng khả năng phải giảm đầu tư, chưa kể một số mặt hàng nhập khẩu sẽ tăng mạnh, gây áp lực lên sản xuất trong nước. Do vậy, việc duy trì sản xuất nông nghiệp như thế nào khi đầu ra bị thu hẹp là bài toán khó. Do đó cần cải thiện mạnh mẽ việc thông tin, dự báo thị trường để có thể tận dụng cơ hội cho sản xuất, xuất khẩu, bảo đảm nông dân có thể ứng phó linh hoạt hơn. Đồng thời, phải kích cầu nội địa bởi một số mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực như cà phê, chè, hạt tiêu... lâu nay đều hướng ngoại đến 80% - 90% sản lượng. Bộ NN&PTNT cho rằng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm, tình hình chung vẫn khó khăn do mức suy giảm kinh tế thế giới theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới còn rất nặng nề. Bên cạnh đó, xu hướng bảo hộ mậu dịch ngày càng tăng song song với việc các nước đều tìm kiếm cơ hội xâm nhập thị trường bên ngoài và tranh thủ chính sách kích cầu của các nước khác. Vì vậy, bên cạnh việc theo dõi sát sao tình hình sản xuất, chế biến, xuất khẩu các mặt hàng nông sản, Bộ NN&PTNT cũng sẽ tập trung chỉ đạo kiểm tra điều kiện sản xuất, kinh doanh, vệ sinh an toàn thực phẩm. Đồng thời, tổ chức mạnh mẽ hơn các hoạt động xúc tiến thương mại kết hợp với vận động quốc tế để tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn cho xuất khẩu nông sản vào các thị trường, giữ vững thị trường truyền thống và mở rộng thị trường mới.
Thúy Nga
Hà Nội mới
|