Thứ Ba, 21/07/2009 08:02

Hoa hữu nghị, trái kinh doanh

Bên cạnh quan hệ hữu nghị truyền thống, hiện tại, Lào là địa chỉ tiếp nhận nhiều vốn đầu tư nhất từ Việt Nam. Các dự án do doanh nghiệp Việt Nam đầu tư hầu hết nhận được sự hỗ trợ thiết thực của chính quyền nước bạn và đang “chạy tốt”.

Trong một phát biểu chính thức gần đây, ông Sổmvẳng Ninthạvông, Tham tán Kinh tế - Thương mại Lào tại Việt Nam khẳng định rằng, hợp tác kinh tế là một trong những lĩnh vực được lãnh đạo hai Đảng, hai Nhà nước Lào và Việt Nam đặc biệt quan tâm trong tổng thể các mối quan hệ hợp tác giữa hai nước. Sự hợp tác đó được tiến hành đồng thời trên ba cấp độ: trung ương, địa phương và doanh nghiệp và tập trung vào 5 mũi nhọn chiến lược là hợp tác công nghiệp - thương mại; thăm dò, khai thác, chế biến xuất khẩu khoáng sản; nông - lâm nghiệp (sản xuất, chế biến hàng nông - lâm sản phục vụ xuất khẩu với cao su là chủ lực); năng lượng; giáo dục - đào tạo.

Tính đến hết tháng 5/2009, Việt Nam là quốc gia đầu tư lớn thứ 2 tại Lào, chỉ đứng sau Cộng hòa Liên bang Nga. Các doanh nghiệp Việt Nam đã đầu tư sang Lào 147 dự án với tổng vốn đầu tư lên đến trên 1.531 triệu USD. Nhiều dự án tại Lào đạt hiệu quả kinh tế cao và đặc biệt đã có ý nghĩa xã hội tích cực đối với khu vực tiếp nhận đầu tư, đơn cử như dự án trồng cao su trên diện tích 20.000 ha có tổng vốn đầu tư đăng ký 81,99 triệu USD do Công ty cổ phần cao su Dầu Tiếng Việt-Lào đầu tư, được Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp giấy chứng nhận đầu tư vào tháng 6/2007.

Hiệu quả đầu tư của Việt Nam vào Lào được lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước Lào đánh giá là đã góp được một phần tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế của Lào, giúp nâng cao đời sống nhân dân các địa phương có dự án, hỗ trợ tích cực công cuộc xoá đói giảm nghèo của Lào nói chung.

Tham tán Kinh tế - Thương mại Lào thông tin thêm, tại cuộc họp giữa kỳ của hai Phân ban hợp tác Việt - Lào và Lào - Việt diễn ra ở Savanakhet mới đây, lãnh đạo hai bên đã được nghe các doanh nghiệp Việt Nam trực tiếp báo cáo và đề đạt nguyện vọng về nhiều vấn đề liên quan đến thủ tục đăng ký, làm thẻ lao động và cư trú, thuế thu nhập, quota nhập lao động, vấn đề giao đất và giải phóng mặt bằng, các quy định về nhập khẩu xăng dầu, việc quản lý các phương tiện vận tải tạm nhập tái xuất đưa từ Việt Nam sang Lào phục vụ dự án, các vấn đề về thuế và thủ tục hải quan, các vấn đề về cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào Lào… “Văn phòng Kinh tế - Thương mại Đại sứ quán Lào tại Việt Nam cố gắng hết sức mình làm cầu nối quan tâm nghiên cứu, tìm biện pháp giải quyết các điểm nêu trêu, trên tinh thần kết hợp thoả đáng tính chất đặc biệt của quan hệ Lào - Việt, đôi bên cùng có lợi, dành ưu tiên, ưu đãi hợp lý cho nhau, hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hai nước, giúp nhau cùng phát triển” - quan chức này khẳng định.

Liên quan đến các lĩnh vực đầu tư cụ thể, theo ông Nguyễn Đăng Chất, Tổng lãnh sự Việt Nam tại các tỉnh Nam Lào gợi ý, khu vực này còn rất nhiều tiềm năng mà các doanh nghiệp Việt Nam có thể khai thác. “Ở vùng Paksong của tỉnh Champasak vẫn còn 80.000 ha đất phù hợp với cây cà phê, nhưng chúng ta chưa có dự án đầu tư vào đây. Vùng Daktrưng của Secon có khí hậu mát mẻ như Đà Lạt của Việt Nam nên rất thích hợp cho trồng rau quả, hoa, cây cảnh để xuất khẩu kết hợp với du lịch. Đây là hai vùng đầy tiềm năng của Nam Lào mà hiện chưa có doanh nghiệp Việt Nam nào vào đầu tư” - vị Tổng lãnh sự gợi ý. Lĩnh vực chăn nuôi như cá và bò ở khu vực Nam Lào cũng có tiềm năng lớn. Thịt bò Lào giá thành vừa rẻ lại vừa ngon. Theo ông Chất, Thái Lan cũng đã nhập khẩu thịt bò của Lào và bán được giá hơn thịt bò của Thái. Còn với cá nước ngọt, chỉ riêng tỉnh Champasak đã có hơn 245km của nhánh sông Mekong chảy qua, chất lượng nước lại rất tốt, hoàn toàn có thể nuôi cá xuất khẩu.

Bên cạnh đó, với cảnh quan hùng vĩ (như thác Khôn) và di sản văn hóa thế giới Vặt Phu, các doanh nghiệp hoàn toàn có thể xây dựng được các sản phẩm du lịch hấp dẫn. Nơi đây cũng có loài cá heo nước ngọt quý hiếm ở Muongoc, vốn hấp dẫn rất nhiều du khách nước ngoài.

Vẫn Tổng lãnh sự cho biết, đã có khá nhiều dự án của Việt Nam đầu tư vào các tỉnh Nam Lào nằm trong khu vực Tam giác phát triển. Trong lĩnh vực nông nghiệp, thì chủ yếu tập trung vào 4 loại cây trồng là cao su, cà phê, cây điều và ngô. Trong lĩnh vực chế biến, Dự án chế biến tinh bột sắn của Công ty Huỳnh Phước đã đi vào hoạt động từ cuối năm 2007 và đến nay đã xuất khẩu được 6.000 tấn tinh bột sắn. Ngoài ra còn 6 dự án chế biến các sản phẩm đồ gỗ của Việt Nam đang đầu tư vào khu vực này, trong đó đặc biệt là dự án Champasavi - một liên doanh giữa tỉnh Champasak và TP.HCM, chuyên sản xuất các sản phẩm đồ gỗ để xuất khẩu vào thị trường Mỹ và Nhật Bản. Về thủy điện, Việt Nam hiện có 2 dự án, trong đó có Dự án Sekaman 3 khởi công từ đầu năm 2006 và đến cuối năm 2007 đã chặn dòng. Dự án này có khả năng sẽ phát điện tổ máy số 1 vào cuối năm 2009.

Về cơ bản, các dự án đầu tư của Việt Nam đạt tiến độ triển khai nhanh chóng và được phía bạn đánh giá là hiệu quả cao. Công ty cổ phần Cao su Việt Lào dự kiến đến năm 2010 mới triển khai xong dự án, nhưng đã về đích sớm gần 3 năm. Nhờ các dự án của Việt Nam đầu tư tại đây, người dân địa phương nói vui rằng, họ đã bỏ qua được “giai đoạn xe đạp” để tiến thẳng lên “giai đoạn xe máy”!

Tính đến hết tháng 5/2009, Việt Nam là quốc gia đầu tư lớn thứ 2 tại Lào, chỉ đứng sau Cộng hòa Liên bang Nga

Ngọc Phạm

DIỄN ĐÀN DOANH NGHIỆP

Các tin tức khác

>   16 hãng lữ hành Philippines tìm hiểu du lịch TP.HCM (21/07/2009)

>   Xuất khẩu 80 tấn bưởi da xanh sang EU (21/07/2009)

>   Giá cước di động còn giảm mạnh (21/07/2009)

>   Lúa gạo tăng giá trở lại (21/07/2009)

>   Chưa có thì mong, có rồi bỏ trống! (21/07/2009)

>   Sẽ tăng thuế nhập khẩu, chưa giảm giá xăng dầu (21/07/2009)

>   Khủng hoảng thôi thúc nhà đầu tư Thái tìm đến VN (21/07/2009)

>   VN muốn Ukraine sớm công nhận DN xuất thủy sản (21/07/2009)

>   Hà Nội: Nhà ở tăng giá mạnh thứ hai (20/07/2009)

>   Quy hoạch Cảng hàng không quốc tế Phú Bài (20/07/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật