Thứ Tư, 22/07/2009 15:37

Tại sao Trung Quốc không sản xuất được đồ hiệu?

Trung Quốc là công xưởng của thế giới, nhưng những công ty hàng đầu của Trung Quốc vẫn vô danh đến lạ kỳ.

Huawei là một công ty rất lớn ở Trung Quốc và có sản phẩm đi khắp năm châu nhưng trên thế giới, có rất ít người nghe tên tuổi này. Đó chính là vấn đề làm Trung Quốc đau đầu. Ảnh Corbis.

Một tập đoàn lớn, nhưng nhân viên chưa phát âm chuẩn tên công ty

Công ty Huawei được một cựu quân nhân Giải phóng quân Trung Quốc thành lập vào năm 1988, với số vốn chưa đầy 4.000 USD. Kể từ đó, Huawei đã từ một nhà nhập khẩu nhỏ phát triển thành một đại gia ngày càng lớn mạnh. Doanh thu năm 2008 tăng 43%, hơn 18 tỷ USD. Huawei sắp vượt qua Nokia và Siemens trở thành nhà cung cấp thiết bị di động lớn thứ hai thế giới sau Ericsson.

Không phải tới lúc này mà ngay từ 10 năm trước, Huawei đã được kỳ vọng sẽ là thương hiệu lớn mang tầm cỡ toàn cầu của người Trung Quốc. Trụ sở của Huawei ở Sơn Dương trông chẳng khác mấy so với Thung lũng Silicon giàu có ở Mỹ, với đầy đủ phòng thí nghiệm, bãi cỏ xanh tươi cắt xén cẩn thận và cả những hồ bơi trong xanh trải dài.

Có lẽ vì thế mà Huawei đã được tờ báo kinh doanh nổi tiếng BusinessWeek xếp vào vị trí 10 công ty “có tầm ảnh hưởng nhất” trên toàn cầu, sánh vai với những thương hiệu nổi tiếng như Apple, Wal-Mart, Toyota và Google.

Tuy nhiên, cho tới tận thời điểm này thì người ta vẫn chỉ quen thuộc với những thương hiệu Apple, Wal-Mart, Toyota và Google, còn Huawei mặc dù xếp cùng bảng thì vẫn vô cùng xa lạ với thế giới.

Tệ hơn, là một công ty có mặt ở nhiều nước nhưng ở nhiều nơi, ngay cả nhân viên của Huawei còn chưa phát âm chuẩn tên công ty mình.

Cũng giống trường hợp Huawei kể trên, Trung Quốc có tiếng là công xưởng lớn của cả thế giới, nhưng ngay cả các công ty kiệt xuất nhất của Trung Quốc cũng chỉ có được danh tiếng vô cùng nhỏ bé trên thương trường thế giới, nếu có.

Nghịch lý này đã trở thành một điều phiền lòng với giới lãnh đạo Trung Quốc. Quốc gia tỷ dân này dễ dàng có thể đạt tăng trưởng 2 con số mỗi năm một cách đơn giản bằng cách đưa một lượng lớn nông dân vào làm việc ở các công xưởng với lương thấp để rồi bán sản phẩm họ làm ra với giá rẻ hơn ai hết nhờ giảm được chi phí nhân công. Thậm chí bằng cách đó Trung Quốc có thể tuồn hàng sang cả những thị trường có chi phí sản xuất thấp như Việt Nam.

Nhưng lãnh đạo Trung Quốc không dừng lại ở mong muốn đó. Thủ tướng Ôn Gia Bảo từng kêu gọi doanh nghiệp nước này đầu tư hơn nữa để sản phẩm của mình mang hàm lượng chất xám cao hơn, có uy tín hơn và đặc biệt là có thương hiệu quốc tế hơn, để người dân các nước sẵn sàng trả giá cao cho hàng hoá Trung Quốc, chứ không phải chỉ mua hàng hoá Trung Quốc vì giá quá rẻ.

Khủng hoảng tài chính đã khiến mong muốn trên của Trung Quốc càng trở nên cấp bách hơn, nhất là khi người tiêu dùng phương Tây đang quay lưng với hàng hoá Trung Quốc sau những bê bối về chất lượng đối với hàng Made-in-China. Họ quay lại với thói quen sử dụng các sản phẩm chất lượng, uy tín và có thương hiệu để đảm bảo an toàn.

Điều đó đặt ra nhu cầu bức thiết cho Trung Quốc: hàng hoá Trung Quốc muốn tồn tại lâu dài phải đáp ứng được ít nhất các yêu cầu: chất lượng, uy tín và có thương hiệu.

Chưa đạt tầm toàn cầu hoá

Quay trở lại với trường hợp điển hình Huawei. Vào thăm nhà máy này, người ta vẫn cảm thấy một cung cách làm ăn truyền thống của người Trung Quốc hơn là cung cách làm ăn thời toàn cầu hoá: hàng hoá chủ yếu bán qua các khâu trung gian hoặc bán từng bộ phận cho các hãng lắp ráp thay vì bán trực tiếp trên phạm vi toàn cầu, thiên hướng cạnh tranh thiên về cạnh tranh giá cả hơn là cạnh tranh bằng sáng kiến và hàm lượng chất xám trong sản phẩm.

Thế nên, chỉ các hãng lắp ráp và các nhà trung gian mới biết đến Huawei. Người tiêu dùng toàn cầu thì chỉ biết đến sản phẩm hoàn chỉnh dưới cái tên của các hãng lắp ráp và các nhà trung gian.

Và ngay cả khi doanh nghiệp Trung Quốc làm một cuộc cách mạng về thương hiệu, chẳng hạn  Tập đoàn máy tính Lenovo trong năm 2006 đã mua lại bộ phận sản xuất máy tính cá nhân của công ty Mỹ IBM, nhưng sau đó cũng không thành công lắm. Lenovo giờ rất khó mở rộng thị phần tại nước ngoài và đành chấp nhận cố gắng bảo vệ thị phần trong nước.

Mải cạnh tranh khốc liệt với nhau trong nước

Trung Quốc không có những thương hiệu nổi tiếng thế giới do họ có quá nhiều thương hiệu nhỏ mải mê cạnh tranh khốc liệt với nhau trong nước. Đó có thể coi như một sự giải thích đơn giản nhất cho vấn đề thương hiệu của nước này. Trong nhiều lĩnh vực của sản phẩm, thông thường hàng trăm công ty tranh giành thị phần trong nước, lợi nhuận biên do đó trở nên kém hẳn đi. Tại Trung Quốc, 150 công ty được cấp giấy phép sản xuất xe hơi và các loại xe chạy bằng động cơ khác và có hơn 500 công ty được cấp giấy phép sản xuất xe đạp. Hao tổn công sức và tiền bạc cho cạnh tranh trong nước nên ngân sách cho công tác đầu tư nghiên cứu phát triển và làm thương hiệu cũng bị giảm thiểu.

Đáng lo ngại hơn, việc liên tiếp gần đây một loạt các sản phẩm bị trả lại, bị phát hiện lỗi, thậm chí nhiễm độc, đã khiến người tiêu dùng lo lắng và tránh xa hàng hoá Trung Quốc. Hàng Made-in-China nhiều khi bị định kiến là thấp cấp, chất lượng tồi và thậm chí độc hại cho người dùng và chỉ được mỗi ưu điểm là giá rẻ.

Vì thế mà năm ngoái, công ty tư vấn thương hiệu Interbrand tại London đã công bố một báo cáo cho hay, trong số 700 doanh nhân quốc tế từng đi nhiều nơi và nếm trải nhiều loại hàng hoá thì có tới 66% trong số đó dùng từ “giá rẻ” để miêu tả hàng hóa Trung Quốc, chỉ có 12% số người cho rằng hàng hóa Trung Quốc đang cải thiện, có 8% số người trả lời ngay rằng, “chất lượng thấp” là trở ngại lớn nhất để hàng hóa Trung Quốc giành được thành công tại thị trường nước ngoài.

Điều đáng nói nhất là, hầu hết các công ty Trung Quốc giờ đang mơ ước có ngày sẽ trở thành một tập đoàn như Huawei, bất chấp thế giới có đọc đúng tên của họ hay không. Có lẽ thị trường tỷ dân đã là quá rộng cho họ bươn chải.

Nhật Vy (Theo Newsweeks)

VIETNAMNET

Các tin tức khác

>   Apple tiếp tục bứt phá (22/07/2009)

>   FDI trên thế giới sẽ phục hồi trong năm 2010 và tăng mạnh trong năm 2011 (22/07/2009)

>   Nhật Bản: Sản lượng thép thô giảm kỷ lục (22/07/2009)

>   BoC: Kinh tế Canađa đã chớm phục hồi (22/07/2009)

>   Coca-Cola tăng lợi nhuận bất chấp suy thoái kinh tế (22/07/2009)

>   Xuất khẩu của Angiêri sang EU và UMA giảm mạnh (22/07/2009)

>   Hàn Quốc sẽ điều chỉnh mức lãi suất siêu thấp theo lộ trình (22/07/2009)

>   Mỹ sẽ tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ để phục hồi KT (22/07/2009)

>   NAB huy động 2.25 tỷ USD thông qua bán cổ phiếu (22/07/2009)

>   Nhật Bản cấp các khoản vay khẩn cấp cho châu Á (22/07/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật