Quản lý giá, phát triển thị trường nội
Điều đáng lo ngại nhất là tình hình xuất khẩu khi giá trị nhiều mặt hàng chủ lực giảm mạnh. Sáng 1-7, tại Hà Nội, Tổng cục Thống kê (TCTK) đã công bố bản báo cáo về số liệu thống kê kinh tế-xã hội sáu tháng đầu năm 2009.
Theo TCTK, dù trong bối cảnh chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực từ sự suy thoái ngày càng nặng nề của nền kinh tế thế giới nhưng kinh tế-xã hội nước ta đã đang phát triển nhanh dần và có dấu hiệu phục hồi.
Xuất khẩu: Lượng tăng nhưng giá giảm
Ông Đỗ Thức, Phó Tổng cục trưởng TCTK, cho biết dấu hiệu kinh tế phục hồi được thể hiện qua mức tăng trưởng GDP đạt 3,9% so với cùng kỳ năm 2008. Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 2,5% và giá trị sản xuất công nghiệp tăng 4,8% so với sáu tháng đầu năm 2008. Đặc biệt, riêng trong lĩnh vực bán lẻ hàng hóa và phục vụ tiêu dùng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng tới 20% so với cùng kỳ năm 2008, đạt giá trị gần 550 ngàn tỷ đồng.
Tuy nhiên, theo ông Thức, lo ngại nhất là tình hình xuất khẩu khi giá trị nhiều mặt hàng chủ lực đều giảm mạnh. Ví dụ: xuất khẩu sắn và các sản phẩm sắn tăng hơn ba lần, gạo tăng 56,2%... nhưng giá bình quân hầu hết các mặt hàng xuất khẩu đều giảm so với cùng kỳ: cao su giảm 44%, cà phê giảm 28,3%, gạo giảm 21,6%...
Về chỉ số giá tiêu dùng (CPI), TCTK nhận định chỉ số tăng ở mức hợp lý: bình quân sáu tháng đầu năm chỉ số này cao hơn 10,27% so với cùng kỳ, trong đó hàng ăn và dịch vụ ăn uống có giá trị tăng lớn nhất, gần 15%. Tuy nhiên, riêng CPI trong tháng 6 tăng 0,55%, cao hơn mức tăng 0,44% của tháng 5 và 0,35% của tháng 4. Vì vậy, rủi ro về lãi suất khi nguy cơ lạm phát tái bùng phát là điều cần được quan tâm.
Ưu tiên kiềm chế nhập siêu
Ông Bùi Xuân Khu, Thứ trưởng Bộ Công thương, nhận định: Để tốc độ tăng trưởng GDP cả năm đạt 5% là không dễ dàng. Do vậy, nhiệm vụ ngành công thương sáu tháng cuối năm là phấn đấu các mục tiêu: giá trị sản xuất công nghiệp tăng 10%, kim ngạch xuất khẩu tăng 3%, đặc biệt là ưu tiên kiềm chế nhập siêu, không vượt qua mức 12 tỷ USD.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan đồng tình với việc kinh tế sáu tháng cuối năm sẽ có những điểm sáng. Tuy nhiên, bà Lan băn khoăn: “Tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, vấn đề tiền kích cầu được sử dụng hiệu quả như thế nào được quan tâm rất lớn. Cho đến nay, chưa có dữ liệu và thông tin chứng minh cụ thể hiệu quả của gói kích cầu. Ngân hàng nhà nước chỉ báo cáo con số giải ngân được bao nhiêu tiền nhưng chưa nói tiền đã đi đến địa chỉ nào, đúng nơi và được sử dụng ra sao. Nếu Ngân hàng nhà nước có thông tin cụ thể thì sẽ góp phần giúp các bộ, ngành chủ quản có cái nhìn đầy đủ về sức khỏe các ngành, qua đó sẽ có những chính sách, giải pháp đầy đủ và kịp thời chứ không chỉ hỗ trợ lãi suất”.
Ông Thức cũng nhận định: Nếu giữ được đà tăng trưởng như hiện nay thì mức tăng trưởng cả năm 2009 sẽ đạt khoảng 5%. Tuy nhiên, tình hình kinh tế thế giới hiện vẫn đang có những biến động phức tạp khó lường. Do vậy, TCTK đưa ra một số kiến nghị: Khẩn trương cơ cấu lại nền kinh tế nhằm khai thác tối đa hiệu quả về tiềm năng và lợi thế cạnh tranh của từng sản phẩm, từng ngành, từng vùng; tăng cường công tác quản lý giá đi đôi với việc thực hiện các chính sách, tài chính, tiền tệ linh hoạt; triển khai nhanh, đúng mục đích, đúng đối tượng các gói kích cầu. Tập trung khai thác và phát triển thị trường trong nước...
Ông CAO SĨ KIÊM , thành viên Hội đồng chính sách tiền tệ quốc gia : Không nên lo lắng quá về lạm phát
Hiện chúng ta đang nới lỏng tiền tệ để giúp nền kinh tế phục hồi. Cụ thể: Một là tăng trưởng tín dụng, chúng ta cố gắng giữ ở mức 25%. Hai là lãi suất ổn định mức 7%/năm từ nay đến cuối năm. Ba là tỷ giá, sẽ không có chuyện Việt Nam phá giá tiền đồng mà giữ biên độ hợp lý để hỗ trợ cho xuất khẩu, vừa đảm bảo trả nợ, vừa đảm bảo chống nhập siêu. Còn dự trữ bắt buộc đang được giữ nguyên. Tất cả các dấu hiệu này cho thấy chúng ta đang nới lỏng tiền tệ, bơm vốn cho nền kinh tế để chống suy giảm.
Tình hình kinh tế đã phục hồi tốt hơn từ tháng 4 trở lại đây. Tôi tin chắc là từ nay đến cuối năm chúng ta sẽ đạt những mức tăng trưởng khả quan và phát triển tốt vào năm 2010. Chúng ta có thể yên tâm là tất cả giải pháp hiện tại chỉ mang tính chất tình thế nhưng đã được các cơ quan, bộ, ngành xử lý linh hoạt theo tín hiệu của thị trường. Không nên quá lo ngại việc lạm phát sẽ quay trở lại khi chúng ta làm tốt các giải pháp mà Chính phủ đề ra.
Lê Thanh - Mai Minh
Pháp luật
|