Thứ Năm, 02/07/2009 06:19

Cước vận tải có đua theo xăng dầu?

Giá xăng dầu trong nước tăng cao sẽ hạn chế rất nhiều năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Ngay sau khi giá xăng dầu bán lẻ trong nước đồng loạt tăng thêm tối đa là 700 đồng/lít, các hãng vận tải hàng hóa, xe khách, taxi bắt đầu rục rịch kế hoạch tăng giá cước.

Cũng vậy, các mặt hàng sử dụng nhiều nhiên liệu như ngành thép cũng dự báo là sẽ phải điều chỉnh giá trong thời gian tới.

Cước vận tải hàng hóa, taxi sẽ tăng

Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vận tải Việt Nam, từ đầu năm đến nay, giá xăng tăng khoảng 30%, diesel tăng khoảng 20%. Xăng dầu chiếm 40%-45% chi phí vận tải. Do vậy, việc tăng giá lần này buộc các doanh nghiệp phải tăng giá cước vận tải. Đại bộ phận các doanh nghiệp taxi trong TP.HCM đã điều chỉnh tăng giá cước thêm 500 đồng/km từ tuần vừa rồi. Hiệp hội có thống nhất với các doanh nghiệp là tính toán các chi phí để có mức điều chỉnh hợp lý. Có lẽ cước taxi đã tăng thì sẽ không tăng nữa, còn DN vận tải hành khách và hàng hóa chưa tăng cước trong tháng 6 thì có thể sẽ phải tăng giá cước trong một vài ngày tới.

Thông tin cụ thể hơn, chiều qua, ông Đinh Nam Dinh, Chủ nhiệm Hợp tác xã Vận tải số 9 kiêm Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô hàng hóa TP.HCM, cho biết cước vận tải hàng hóa từ hôm qua đã tăng tương ứng theo tỷ lệ của mức tăng giá bán lẻ xăng dầu. Theo ông Dinh, hợp đồng vận tải ký với khách hàng đã ghi rõ sẽ tăng hoặc giảm giá cước theo giá xăng dầu. Vì vậy, việc tăng giá cước vận tải hàng hóa của Hợp tác xã Vận tải số 9 và các thành viên trong hiệp hội từ hôm qua không gặp phản ứng từ phía khách hàng.

Theo ông Võ Ba, Tổng Giám đốc hãng taxi đen Future, sau nhiều lần tăng giá xăng dầu vừa qua hãng này vẫn cố gắng giữ ở mức 9.800 đồng/km đối với xe bảy chỗ và 9.000 đồng/km với xe bốn chỗ. “Nhưng với lần tăng giá xăng này thì hãng chúng tôi chịu hết nổi và sẽ phải xem xét đến việc tăng giá cước taxi vào những ngày tới!” - ông Võ Ba nói.

Trong khi đó, các hợp tác xã taxi khác cho biết chưa xem xét đến việc tăng giá cước vào dịp này. “Chúng tôi vừa điều chỉnh giá vào giữa tháng 6, nay tăng giá thì sẽ phải đi điều chỉnh lại đồng hồ, thêm tốn kém” - ông Phạm Quyết Chiến, Chủ nhiệm Hợp tác xã Taxi 27-7, quận 11, cho biết.

Về đợt tăng giá xăng lần này, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vận tải Việt Nam, cho rằng chuyện xăng dầu trong nước tăng giá liên tục, khiến các doanh nghiệp sử dụng xăng dầu chưa “tâm phục, khẩu phục” lắm. Quỹ bình ổn yêu cầu mỗi lần tăng chỉ 500 đồng/lít nhưng với mức tăng mạnh như hiện nay quỹ bình ổn trở thành vô hiệu.

Xe đò: Mùa ế khách, không dám tăng giá

Theo ông Huỳnh Hải Oanh, Phó Giám đốc Bến xe Miền Tây, đến cuối giờ chiều qua chưa thấy các doanh nghiệp chạy xe khách liên tỉnh từ bến này rục rịch chuyện tăng giá cước. Theo ông Lâm Văn Phấn, Chủ nhiệm Hợp tác xã Việt Thắng, các đợt tăng giá xăng dầu vừa qua nhích lên từng chút làm cho các đơn vị xe khách khó tính toán. Nhưng với lần này, Hợp tác xã Việt Thắng phải mạnh dạn giảm các chi phí khác chứ không tăng giá cước vì đang là mùa ế khách. Còn theo ông Nguyễn Tấn Lộc, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Vận tải bến bãi TP, đơn vị quản lý Bến xe An Sương và Bến xe Ngã tư Ga, các hãng xe khách hoạt động ở hai bến này sẽ không tăng giá cước vì đang là mùa ế khách. “Mặt khác, trên các tuyến từ Bến xe An Sương đi Tây Ninh hiện có quá nhiều tuyến xe buýt đi thẳng hoặc nối tuyến được trợ giá nên giá vé thấp. Vì vậy, nếu các hãng xe đò tăng giá thì khách sẽ chuyển sang đi xe buýt hết!” - ông Lộc cho biết.

Theo ông Thượng Thanh Hải, Phó Giám đốc Bến xe Miền Đông, hiện các hãng xe hoạt động tại bến này đang cân nhắc kỹ lưỡng việc tăng giá vé. “Phải đến năm, bảy ngày nữa mới có thể biết được các hãng có ra thông báo tăng giá hay không!” - ông Hải nhận định.

Ông Lê Trung Tính, Trưởng phòng Quản lý vận tải công nghiệp, Sở GTVT, cho biết tất cả các tuyến xe buýt có trợ giá sẽ không tăng giá. Riêng các tuyến không có trợ giá có tăng hay không thì phải đợi vài ba ngày nữa xem các doanh nghiệp có gửi thông báo về Sở hay không.

CHUYÊN GIA NÓI

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh , chuyên gia kinh tế cao cấp : Cần kiểm toán mức phí mà DN kê khai

Mức giá xăng dầu trong nước cao như vậy sẽ hạn chế rất nhiều năng lực cạnh tranh của DN vì xăng dầu là đầu vào của các ngành sản xuất. Thực tế mỗi lần giá bán lẻ xăng dầu trong nước tăng là người tiêu dùng cảm thấy bức xúc. Bởi điều vô lý lâu nay vẫn tồn tại là việc các DN kinh doanh xăng dầu đầu mối chưa được thanh tra, kiểm toán về việc thực tế họ lỗ, lãi ra sao. Nếu cuối quý III-2009, kinh tế thế giới hồi phục, đẩy giá hàng hóa thế giới lên cao, trong đó có mặt hàng dầu, không biết giá xăng dầu Việt Nam còn đi đến đâu?

Trước mắt, tôi đề nghị cần kiểm toán mức phí mà DN kê khai, căn cứ vào giá thế giới nhập khẩu bình quân trong 30 ngày để xây dựng khung giá đối chiếu trong nước và thế giới, từ đó có sự điều chỉnh tương ứng.

Bà Trần Thị Hằng, Vụ trưởng Vụ Thương mại-dịch vụ và giá cả: Chỉ số giá tiêu dùng sẽ bị ảnh hưởng

Sau năm lần tăng giá xăng liên tiếp từ đầu năm đến nay, chắc chắn sẽ tác động đến chỉ số giá tiêu dùng những tháng tiếp theo. Cụ thể, việc tăng giá này sẽ được điều chỉnh đi dần vào giá cả của hàng hóa, cước vận chuyển.

Ông Nguyễn Tiến Thỏa, Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính): Giá xăng vẫn thấp hơn các nước lân cận

Giá xăng dầu của ta đang thấp hơn so với các nước láng giềng. Hiện giá xăng dầu bán lẻ của ta vẫn thấp hơn 2.000-3.000 đồng/lít so với Trung Quốc, Thái Lan, Campuchia, Singapore.

Ông Nguyễn Tín Nghi, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam: Giá thép sẽ tăng 60.000 đồng/tấn

Để sản xuất ra một tấn thép, DN cần 40 kg dầu mazut. Cộng hai lần tăng giá xăng dầu gần đây nhất thì mỗi kg mazut tăng 1.500 đồng. Như vậy, mỗi tấn thép sẽ phải đội lên thêm 60.000 đồng do chi phí nhiên liệu tăng. Dự kiến tổng lượng thép sản xuất đưa ra thị trường sáu tháng cuối năm ước khoảng 1,9 triệu tấn, vị chi chỉ riêng chi phí nhiên liệu tăng, ngành thép đã phải bù thêm 114 tỷ đồng.

Ông Nghi cho biết hiện giá thép xuất xưởng trong nước của Tổng Công ty Thép Việt Nam dao động 10,6-10,8 triệu đồng/tấn (chưa gồm thuế VAT). Tuy nhiên, theo dự báo của ông Nghi, giá thép trong nước sẽ tăng khoảng 60.000 đồng/tấn để bù lại cho phần chi phí khi mazut tăng. Ngoài ra, chi phí vận tải cũng sẽ đội lên khi dầu diesel cũng tăng 10% nữa cũng khiến giá thép trong nước sẽ tăng từ nay đến cuối năm.

“Mỗi DN sẽ đưa ra các mức giá khác nhau tùy thuộc vào việc cân đối chi phí sản xuất của đơn vị mình. Lúc này các DN sẽ chứng tỏ sức cạnh tranh của chính mình” - ông Nghi nhận định.

Lưu Đức - Lê Thanh

Pháp luật

Các tin tức khác

>   Rau quả xuất khẩu đang bị bán phá giá (02/07/2009)

>   Cushman & Wakefield: giá văn phòng TPHCM vẫn còn quá cao (01/07/2009)

>   Khó "chạm" mục tiêu 4,5 triệu lượt khách quốc tế (01/07/2009)

>   Kinh tế 6 tháng đầu năm có dấu hiệu phục hồi (01/07/2009)

>   GDP năm 2009 có nhiều cơ sở đạt mức 5% (01/07/2009)

>   Xây dựng có thể là động lực cho kinh tế 2009 (01/07/2009)

>   Giá hải sản giảm mạnh, nhiều ngư dân bán tàu (01/07/2009)

>   Đăng ký xuất khẩu dưa hấu - chuyện không đơn giản (01/07/2009)

>   Cà phê tăng giá, nông dân và doanh nghiệp phấn khởi (01/07/2009)

>   Căn hộ chung cư tăng giá (01/07/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật