Rau quả xuất khẩu đang bị bán phá giá
Sáu tháng đầu năm, xuất khẩu rau quả giảm 30% so với cùng kỳ năm rồi. Nhiều doanh nghiệp xuất hàng qua Trung Quốc đang nghe ngóng tình hình, chưa dám xuất hàng
Thông tin tại hội thảo hỗ trợ các nhà xuất khẩu VN được Bộ Công Thương tổ chức ngày 1- 7, tại TPHCM, cho thấy nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu đang gặp nhiều khó khăn, do khủng hoảng kinh tế, vướng nhiều rào cản kỹ thuật, các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm ở thị trường nước ngoài.
10% doanh nghiệp làm ăn chụp giựt
Thông tin từ Hiệp hội Rau quả VN, trong 6 tháng đầu năm, thị trường xuất khẩu bị thu hẹp, trong đó có khoảng 10 thị trường không có đơn hàng xuất khẩu như: Thụy Sĩ, Thụy Điển, Hungary , Ấn Độ, UAE, Brazil ... Nguyên nhân sụt giảm mạnh, ngoài khủng hoảng kinh tế còn do các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu cạnh tranh không lành mạnh, bán phá giá. Ước tính, số DN làm ăn chụp giựt trong ngành rau quả chiếm khoảng 10%.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Rau quả VN, ông Huỳnh Quang Đấu, cho biết xuất khẩu rau quả 6 tháng đầu năm giảm đến 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó có nguyên nhân DN bán phá giá, tự hại nhau. Chẳng hạn, mặt hàng dứa đông lạnh lâu nay xuất khẩu với giá 1.000 USD/tấn, nay nhiều DN chào bán 850 USD/tấn. Mặt hàng rau quả đóng hộp cũng bị nhiều DN chào với giá thấp không thể tưởng tượng nổi.
Ông Lý Hải Long, Giám đốc xuất khẩu Công ty Bảo Thanh, cho biết từ đầu năm đến nay, công ty chưa xuất được container hàng trái cây nào sang thị trường châu Âu. Do có nhiều DN chào bán với giá rẻ mạt. Thông thường, thanh long xuất với giá 6 USD/kg, nay họ chào bán hơn 2 USD/kg. Các loại trái cây giá rẻ thường có chất lượng kém, dẫn đến cơ quan chức năng các nước châu Âu cảnh giác, hạn chế nhập hàng. Đối với mặt hàng trái cây, lợi dụng kẽ hở, nhà nhập khẩu không cần mã số riêng như ngành thủy sản nên những người làm ăn gian dối đã trộn hàng kém chất lượng với hàng được sản xuất theo tiêu chuẩn sạch. Những DN này còn “mượn” cả giấy chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn để xuất khẩu. Sau khi bị cơ quan chức năng nước nhập khẩu phát hiện, đơn vị sản xuất theo tiêu chuẩn sạch bị cấm xuất khẩu, DN làm ăn chân chính bị thiệt.
Xuất sang Trung Quốc: Đang chờ
Nhiều DN xuất khẩu trái cây sang Trung Quốc (TQ) bằng đường chính ngạch cho biết đến thời điểm này họ vẫn chưa dám đóng hàng xuất sang nước này, vì chưa có cơ sở gì bảo đảm phía TQ chấp nhận. Họ đang nghe ngóng tình hình, sau 1- 7, bên kia biên giới mua bán như thế nào mới tính tiếp. Ông Lý Hải Long cho biết việc đăng ký với cơ quan trong nước đã xong, nhưng không biết phía TQ có chấp nhận hay không, còn phải chờ thêm một thời gian.
Ông Nguyễn Văn Ngã, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm dịch Thực vật vùng II, cho biết hiện chỉ có 31 tỉnh - thành đăng ký xuất khẩu 5 mặt hàng trái cây sang TQ. Quy trình đăng ký này cũng mất nhiều thời gian. Các DN phải đăng ký với sở NN&PTNT các tỉnh- thành, từ đây sở báo cáo về Cục Trồng trọt và tiếp tục chờ. Hiện nay, các cơ quan chức năng cũng chỉ mới dừng lại ở bước tiếp nhận đăng ký. Các sở NN&PTNT khi tiếp nhận đăng ký của DN nên có giấy xác nhận đăng ký để tạo cơ sở pháp lý sau này, cũng như tạo niềm tin cho DN.
Bắt đầu kê khai nguồn gốc 5 loại trái cây xuất sang Trung Quốc: Không vướng thủ tục
Trái với dự báo của nhiều khách hàng về thủ tục thông quan sản phẩm trái cây phải kèm theo giấy chứng nhận xuất xứ, đóng gói từ ngày 1-7 sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp, việc xuất trái cây sang Trung Quốc khá suôn sẻ, không gặp trở ngại về thủ tục.
Sáng 1-7, tại cửa khẩu Tân Thanh, Lạng Sơn, dòng xe tải chở hàng vẫn đều đều tiến sang Trung Quốc, sau khi đã lo xong thủ tục thông quan. Đa số xe chở trái cây của VN xuất sang Trung Quốc đều được đóng hộp giấy, có ghi nhãn mác và nguồn gốc xuất xứ trên bao bì. Bà Đào Thu Lan, Phó chi cục trưởng Chi cục Hải quan Tân Thanh, cho biết với các loại trái cây như thanh long, vải khô, nhãn... hầu hết các chủ hàng VN đã đóng hộp với đầy đủ thông tin xuất xứ.
Hết ngày 1-7, hầu hết xe chở trái cây VN đã thông quan mà không gặp trở ngại nào.
Nguyễn Hải - N.Quyết
Người lao động
|