Để nông nghiệp - nông thôn phát triển bền vững
Những năm qua, nông nghiệp là “lá chắn” vững chắc bảo vệ nền kinh tế trước các tác động bất lợi từ bên ngoài. Tuy nhiên, để nông nghiệp thực sự phát huy vai trò “trụ đỡ” cho nền kinh tế, vẫn còn nhiều việc phải làm. Trong đó, vai trò điều hành xuất khẩu gạo là rất quan trọng và phải được dự báo chính xác.
Ba lần đẩy nông dân và doanh nghiệp ra rìa
Hơn 10 năm qua, đã 3 lần nước ta lỡ nhịp xuất khẩu gạo khi giá cao. Lần thứ nhất vào năm 1998 do hiện tượng El nino, nhiều nước như Philippines, Indonesia, Trung Quốc mất mùa nhưng Việt Nam lại ngừng xuất khẩu gạo, khi cho xuất khẩu trở lại thì giá gạo thị trường thế giới đã “hạ nhiệt”. Lần thứ hai xảy ra vào năm 2008, khi giá gạo trên thị trường thế giới lên đến 1.000USD/tấn, lấy lý do bảo đảm an ninh lương thực, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) tham mưu cho Bộ Công Thương cất gạo vào kho. Bị nông dân và các doanh nghiệp xuất khẩu gạo phản ứng, sau khi kiểm tra thực tế, số gạo dự trữ còn khá nhiều trong khi vụ hè - thu chuẩn bị thu hoạch, Bộ cho xuất khẩu gạo trở lại thì giá đã tụt mất phân nửa, làm người trồng lúa và nhà nước thiệt hại nửa tỷ USD. Lần thứ ba xảy ra vào tháng 2/2009, nước ta cũng tạm ngừng xuất khẩu gạo với lý do đã ký hợp đồng xuất khẩu 3,6 triệu tấn trong 6 tháng đầu năm. Sang tháng 5, lại tiếp tục cho xuất khẩu gạo khi mà giá gạo trên thị trường thế giới đã giảm từ 20-40USD/tấn so với tháng 2. Lý do giảm giá là do ấn Độ và Thái Lan đẩy lượng gạo tồn kho 4,8 triệu tấn ra thị trường để mua lúa mới cho kịp thời vụ.
Giới doanh nghiệp cung ứng, chế biến và xuất khẩu gạo đã đặt câu hỏi nghi vấn về tính khách quan của người điều hành ký kết xuất khẩu gạo. Việc điều hành xuất khẩu gạo của VFA bộc lộ nhiều tồn tại và yếu kém. Trách nhiệm giữa VFA với các UBND cấp tỉnh cũng không rõ ràng. Tỉnh sản xuất lúa gạo nhưng không được xuất khẩu, do địa phương không có quyền quyết định trong điều hành xuất khẩu gạo. Như ở Kiên Giang, hàng năm sản lượng lương thực đạt khoảng 3,4 triệu tấn, tương đương 1,2 triệu tấn gạo, nhưng chỉ được VFA cho phép xuất khẩu khoảng 600.000 tấn. Không những thế, vào tháng 4/2009, Công ty Du lịch Thương mại Kiên Giang tìm được thị trường xuất khẩu 53.500 tấn gạo, nhưng bị bế tắc vì điều kiện của VFA!
Làm gì để phát triển nông nghiệp - nông thôn bền vững?
Nhờ có “trụ đỡ” vững chắc là nông nghiệp nên ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu đến nước ta là không lớn. Tuy có vai trò quan trọng như vậy, nhưng nông nghiệp chưa được quan tâm đúng mức. Để xây dựng nông thôn hiện đại, nông nghiệp phát huy tối đa vai trò của mình, trước hết Chính phủ cần xác định mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện và bền vững, cần đánh giá, rà soát, bổ sung quy hoạch sản xuất nông nghiệp cho phù hợp với nhu cầu thị trường. Những nông sản nào có lợi thế về thị trường thì ưu tiên đầu tư, tập trung theo hướng chuyên canh đi kèm với việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng - vật nuôi phù hợp, cho năng suất cao.
Hiện, chúng ta chưa có chiến lược lâu dài cho xuất khẩu hàng nông sản, hàng nông sản xuất khẩu chủ yếu mới ở dạng thô. Nên dù Việt Nam đứng hai về xuất khẩu gạo nhưng giá trị gia tăng không lớn. Chính vì vậy, bên cạnh việc xây dựng thương hiệu cho hàng nông sản, Việt Nam cần tập trung đầu tư cho công nghiệp chế biến. Chính phủ cần đầu tư nhiều hơn cho hạ tầng nông thôn, nhất là về giao thông, thủy lợi, điện. Đầu tư mạnh lĩnh vực này không những góp phần cải thiện đời sống của người dân nông thôn mà còn giúp giảm chi phí sản xuất nông nghiệp, góp phần điện khí hóa, cơ giới hóa nông nghiệp, nông thôn cũng như góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn.
Trần Trọng Triết
kinh tế nông thôn
|