Một cựu giám đốc Mỹ thừa nhận hối lộ quan chức VN
Joseph Lukas, cựu quản lý công ty công nghệ Nexus ở Philadelphia, hôm 30/6 đã thừa nhận tham gia âm mưu hối lộ một số quan chức Việt Nam để giành được những hợp đồng cung cấp thiết bị và công nghệ.
Trợ lý Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Lanny A.Breuer thuộc Ban tội phạm và thẩm phán Michael L.Levy thuộc toà án quận phía đông bang Pennsylvania cho biết, hành động trên là vi phạm Đạo luật chống các hành vi tham nhũng ở nước ngoài.
Lukas, 60 tuổi, cư dân New Jersey, làm việc tại công ty công nghệ Nexus tới tận 2005. Nexus có văn phòng tại Philadelphia, New Jersey và thành phố Hồ Chí Minh (Việt Nam).
Theo tài liệu của toà án, Nexus là một công ty xuất khẩu tư nhân, chuyên xác định các nhà cung cấp được công khai tham gia đấu thầu do Chính phủ VN tổ chức để mua thiết bị và công nghệ, gồm thiết bị định vị dưới nước, phụ tùng trực thăng, máy dò hoá chất, thiết bị vệ tinh viễn thông, hệ thống dò tìm hàng không.
Lukas là người chịu trách nhiệm giám sát các cuộc bàn thảo về hợp đồng với các nhà cung cấp tại Mỹ.
Liên quan tới việc nhận tội, Lukas thú nhận, từ năm 1999 tới 2005 đã cùng với các nhân viên khác của Nexus đồng ý hối lộ một số quan chức Việt Nam để đổi lấy hợp đồng với một số công ty mà chính quan chức đó làm việc. Trong tài liệu của Nexus, các vụ hối lộ này được miêu tả như là “tiền hoa hồng”.
Lukas bị bắt vào ngày 5/9/2008 sau khi bị một ban bồi thẩm liên bang tại Philadelphia kết tội âm mưu hối lộ quan chức Việt Nam, vi phạm đạo luật chống các hành vi tham nhũng ở nước ngoài. Nếu bị kết án trong phiên toà dự kiến diễn ra vào 6/4/2010, nhân vật này có thể lĩnh án tối đa là 10 năm tù giam.
Theo thông cáo từ Bộ Tư pháp Mỹ, cùng với Lukas, còn có một số nhân vật tòng phạm như Nam Nguyen, Kim Nguyen and An Nguyen cũng bị truy tố.
Vụ việc trên do FBI, Bộ Thương mại và văn phòng xúc tiến xuất khẩu Mỹ phối hợp điều tra.
Trong thông báo mới nhất, Bộ Tư pháp Mỹ chưa đưa ra bất kỳ thông tin nào liên quan đến quan chức và cơ quan cụ thể nào ở Việt Nam.
Theo Hoài Linh (VNN, PRN Newswire, Bộ Tư pháp Mỹ)
Pháp luật
|