Thứ Tư, 01/07/2009 11:50

Minh bạch chiến lược

Hiện nay, 50% kinh tế VN phụ thuộc vào kinh tế thế giới. Các số liệu thống kê cho thấy VN sẽ cần một khoảng thời gian dài để lấy lại đà tăng trưởng cải thiện chất lượng tăng trưởng.

Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, để ổn định lại quỹ đạo trở lại bình thường phải mất từ 3-5 và xác suất đi xuống vẫn có thể xảy ra theo hình chữ W. Vì vậy Chính phủ cần sớm công bố minh bạch chiến lược phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội. Và chính sách tài chính tiền tệ sẽ là huyết mạch để giải bài toán kinh tế của VN.

Điểm yếu lộ diện

Theo TS Phạm Thị Thu Hằng - Viện trưởng Viện phát triển doanh nghiệp, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ DNNVV (VCCI) trong lúc khó khăn các hạn chế của DNVN càng bộc lộ rõ: Thứ nhất là thiếu tầm nhìn chiến lược – thể hiện rõ nhất ở các DN sản xuất tư nhân; DN phụ thuộc chủ yếu vào một số đại lý thương mại ở khu vực Đông Á và hầu như chưa có sự chuyển động lên mắt xích cao hơn trong “ Chuỗi giá trị” ; DN ít đưa ra các lựa chọn chiến lược khác biệt hoặc đưa ra những sản phẩm hoàn toàn mới. Thứ hai là doanh số và quy mô lao động của nhiều DN sụt giảm. Theo kết quả kinh doanh năm 2006 – 2008 của 630 DN tại 2 khu vực HN và TP HCM và các tỉnh lân cận cho thấy, mức tăng doanh số và lao động sụt giảm rõ rệt trong năm 2008 so với năm 2007. Các tác động này khá nghiêm trọng (gây nên tăng trưởng âm) cho khối DN ở khu vực TP HCM. Do các tác động này, khối các DN hướng về xuất khẩu rơi vào tình trạng nguy hiểm hơn các DN nội địa (doanh số gần như không tăng; lao động giảm mạnh). Tuy nhiên, tỷ suất lợi nhuận trong năm 2008 chỉ sụt giảm nhẹ so với năm 2007. Tỷ trọng DN có tỷ suất lợi nhuận trên 5% chỉ giảm từ 61,7% năm 2007 xuống 58,5% năm 2008. Thứ ba là khả năng đổi mới và thích ứng của DN chưa cao.

TS Lê Duy Hiếu - Viện Kinh tế VN cho rằng: Khủng hoảng tài chính toàn cầu tấn công trực diện vào cơ chế đầu cơ và lũng đoạn, bộ lộ điểm yếu của hệ thống làm cho thị trường trở nên cạnh tranh và hiệu quả hơn. Các TCty nhà nước tháo chạy khỏi thị trường chứng khoán, các ngân hàng hạn chế và siết chặt cho vay bất động sản và cổ phiếu mà không cần đến bất kỳ quy định nào của chính phủ đối với ngăn ngừa đầu tư thái quá vào các thị trường đầu cơ. Hệ quả đương nhiên của sự chuyển hướng đầu tư như trên, một mặt có tác dụng tái phân bổ lại sự độc quyền làm cho cạnh tranh trở nên công bằng và lành mạnh hơn, mặt khác là tái phân bổ các nguồn vốn vào các lĩnh vực đầu tư sinh lợi vì cộng đồng và xã hội.

Xét về tổng thể, khủng hoảng tài chính toàn cầu có thể làm giảm tốc độ tăng trưởng của VN 2-2,5%, nhưng đổi lại, nó đã làm cho cơ chế đầu cơ và lũng đoạn co lại, do vậy tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh và sự phân bổ đầu tư hiệu quả hơn cũng như hình thành tầng lớp các nhà DN mới gắn bó nhiều hơn với lợi ích cộng đồng xã hội. Sự phân bổ lợi ích hợp lý này còn được hỗ trợ bởi thu nhập thực tế của đại bộ phận những người có thu nhập thấp tăng lên. Tất cả nhưng điều này nếu đổi lấy sự giảm sút tăng trưởng rõ ràng là có lợi cho quốc kế dân sinh. Bởi lẽ, sự suy giảm tốc độ tăng trưởng do giảm giá lũng đoạn. Chẳng hạn giá đất, giá cao bất hợp lý do chính sách bảo hộ sản xuất trong nước, chẳng hạn giá ôtô... Mặt khác, là tạo lập môi trường trở nên cạnh tranh và hiệu quả hơn về thực chất là nâng cao chất lượng tăng trưởng.

Cần nhấn mạnh rằng, sự tăng trưởng này có thể coi là kết quả của sự tấn công trực diện vào cơ chế đầu cơ và lũng đoạn mà hai yếu tố cấu thành của nó là bộ máy hành chính và giá lũng đoạn là một thắng lợi vô cùng to lớn, bởi lẽ không có bất kỳ một lực lượng nào có thể đương đầu và có thể dành được thắng lợi cho dù chỉ là rất nhỏ. Trên giác độ này, VN đã được nhiều hơn so với những gì mất đi do khủng hoảng tài chính toàn cầu gây nên - ông Hiếu nhận xét.

Hướng đi nào cho DN ?

Hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang tích cực xây dựng đề án tái cấu trúc nền kinh tế quôc dân sau suy thoái. Các DN cũng không thể đứng ngoài cuộc. Từ thực tế tồn tại của DN, TS Phạm Thị Hằng kiến nghị: Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ mạnh mẽ DN đổi mới công nghệ; khẩn trương hoàn thiện chính sách hỗ trợ DNNVV theo hướng giảm thiểu những tác động của khủng hoảng kinh tế tới các yếu tố đầu vào của DNNVV như: nguồn nhân lực, vốn, chi phí thủ tục hành chính; khuyến khích khởi nghiệp bằng việc miễn hoàn toàn thuế thu nhập DN trong vòng 2 - 3 năm; đẩy mạnh đầu tư vào đào tạo nguồn nhân lực, đồng thời có chiến lược phát triển nguồn nhân lực có khả năng tiếp thu và ứng dụng công nghệ trong các ngành công nghiệp tiên tiến; Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; Tăng cường cung cấp thông tin dự báo kinh tế; Tăng cường kích cầu vào lĩnh vực cơ sở hạ tầng, đặc biệt là cảng biển và đường bộ; Tiếp tục đẩy mạnh việc cung cấp thông tin thị trường, xúc tiến thương mại cả trên thị trường nội địa lẫn xuất khẩu. Riêng đối với DN cần mở rộng nội hàm của vấn đề “năng lực cạnh tranh" . DN phải đưa ra các lựa chọn chiến lược khác biệt hoặc đưa ra những sản phẩm hoàn toàn mới; Ưu tiên hàng đầu đối với vấn đề đầu tư công nghệ, đổi mới sản phẩm, tăng cường mối liên kết với các tổ chức nghiên cứu; Xây dựng chiến lược phát triển dựa trên sự liên kết trong chuỗi giá trị và cung ứng; Sử dụng có hiệu quả nguồn vốn kích cầu; Quan tâm tích cực đến nâng cao năng suất lao động, nâng cao tay nghề cho đội ngũ công nhân; Phối hợp với Chính phủ cải thiện môi trường kinh doanh, nâng tầm phát triển của cộng đồng DN VN, cùng Chính phủ vượt qua cơn khủng hoảng toàn cầu.

Đồng tình với quan điểm này, ông Vũ Xuân Tiền cho rằng:  “Chữa bệnh trước hết phải chữa từ bên trong”, các DN cần nghiêm túc nghiên cứu, đánh giá những điểm yếu trong mọi lĩnh vực của mình và có biện pháp khắc phục kịp thời. Đó là nội dung quan trọng của tái cấu trúc DN. Ngoài ra, việc chuyển hướng kinh doanh cũng là một trong những nội dung qua trọng của tái cấu trúc DN.

Các DNNVV ở nước ta có một đặc điểm chung, trong tổng số vốn kinh doanh, vốn vay từ các nguồn khác nhau chiếm tỷ trọng rất lớn. Điều đó không trái luật nhưng luôn luôn tiềm ẩn một rủi ro lớn khi có những biến động không thuận trên thị trường tiền tệ. Lạm phát và khủng hoảng kinh tế có tác động  tiêu cực rất lớn và có thể xẩy ra không báo trước. Do đó, từng bước nâng cao tỷ lệ vốn của chủ sở hữu trong tổng số vốn kinh doanh là biện pháp quan trọng nhằm hạn chế những tác động tiêu cực từ những biến động của thị trường tiền tệ. Điều đó có nghĩa là, cần sử dụng lợi nhuận sau thuế để bổ sung cho vốn kinh doanh, hạn chế việc sử dụng cho nhu cầu cá nhân. Cần thận trọng hơn nữa khi sử dụng vốn để đầu tư ra ngoài linh vực kinh doanh chính, đặc biệt là đầu tư tài chính. Tăng cường hơn nữa các liên kết kinh tế để chiếm lĩnh thị trường nội địa.

Sau 6 tháng đã có những dấu hiệu chứng tỏ thời kỳ “lạnh lẽo” dần qua đi, nhưng các hiệu ứng lan toả cả tích cực, tiêu cực vẫn cơ bản còn nguyên phía trước, vì hầu như chưa tới “mùa thu hoạch” hiệu quả đích thực của các gói kích thích kinh tế. Dự báo cả năm 2009, mức tăng trưởng GDP 5% vẫn là một thách thức phụ thuộc rất nhiều vào khả năng điều hành của Chính phủ.

Chính sách huyết mạch

Trên thực tế những tín hiệu từ thị trường tài chính chứng khoán, nhà đất chỉ cho thấy dấu hiệu nền kinh tế có dấu hiệu hồi phục chứ không đồng nhất với việc nền kinh tế hồi phục. Nguy cơ có thể xảy ra tái lạm phát là rất lớn. Và chính sách tài chính tiền tệ sẽ là huyết mạch quan trọng để giải bài toán kinh tế của VN. Nó đòi hỏi sự quyết đoán linh hoạt và đồng bộ.

Để chống suy thoái, Chính phủ đã chi một lượng tiền không nhỏ để kích cầu và đã có những phản ứng tích cực. Song, tác động của những biện pháp đó đến việc mở rộng thị trường, tăng khả năng thanh toán không nhiều. Trong thời gian tới, theo kế hoạch vẫn còn một lượng tiền khá lớn được “bơm ra” lưu thông. Đến nay, những dấu hiệu ban đầu cho một cuộc lạm phát mới đã xuất hiện và ngày càng rõ, đó là: Giá cả hàng hóa đang có chiều hướng tăng, điển hình là giá xăng dầu; Thị trường chứng khoán sôi động trở lại và đã có hiện tượng “ bong bóng tài chính”; Thị trường bất động sản cũng đã “nóng” lên và Lãi suất huy động của các ngân hàng tăng với tốc độ nhanh, lãi suất tiền gửi cao nhất là 10,2%/ năm, đã gần sát với trần của lãi suất tiền vay  là 10,5%/ năm.

Theo TS Nguyễn Đại Lai  “gói” kích cầu mới của Chính phủ liên tục bổ sung, khiến cho có những quan ngại rằng: “Nếu phần lớn kích cầu chỉ phục vụ việc thực hiện cơ cấu lại nợ của người vay thì nguy cơ tái lạm phát là hiện hữu”. 8 tỷ USD (tương đương 144.000 tỷ VND) cho các “gói kích” cầu lần lượt đưa ra trong năm tài khoá 2009 chủ yếu dồn vào 6 tháng đầu năm và cho đồng thời nhiều mục tiêu khác nhau, nếu không tạo ra hiệu quả bằng việc làm ra hàng hoá tiêu thụ được sẽ góp phần tạo áp lực tái lạm phát, mặc dù tuyệt đại đa số nguồn tài lực cho kích thích đầu tư và kích cầu tiêu dùng là huy động từ trong dân và từ dự trữ của Nhà nước chứ không từ phát hành tiền hay vay nước ngoài.

Cũng theo ông Lai, trong thị trường tài chính, các dòng vốn luôn vận động theo quy luật “nước chảy chỗ trũng” và theo nguyên tắc “bình thông nhau” là hiện tượng hết sức bình thường. Các chính sách vĩ mô không nên can thiệp hành chính một cách thô bạo hoặc trái qui luật vào các cơ chế vận động của thị trường, mà chỉ nên tác động vào tổng cung và tổng cầu. Trong bối cảnh hiện nay, vừa chống suy giảm kinh tế, vừa chủ động phòng chống lạm phát, Nhà nước cần sớm công bố minh bạch chiến lược phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội như giao thông, y tế, giáo dục, an ninh, quốc phòng theo hướng hiệu quả, hiện đại đủ sức tạo định hướng và niềm tin cho thị trường hấp thụ vốn có hiệu quả làm cơ sở cho khu vực công nghiệp, dịch vụ, nông, lâm, ngư nghiệp phát triển theo theo đúng chiến lược quốc gia.

Một khối lượng lớn vốn trung và dài hạn có lộ trình, địa chỉ hiệu quả và lãi suất theo từng giai đoạn đủ hấp dẫn, được huy động bằng trái phiếu công trình có bảo lãnh của Chính phủ tạo thành trái phiếu chất lượng cao để bổ sung ngay vào TTCK đang mất cân đối giữa cổ phiếu và trái phiếu như hiện nay là rất cần thiết cả cho việc tạo vốn, cả cho việc tạo công cụ để chủ động “bơm – hút” phương tiện thanh toán trong lưu thông...; Cũng như vậy, trái phiếu ngoại tệ trong nước để hấp thụ lập tức lượng ngoại tệ trôi nổi, găm dữ phục vụ ngay cho nhu cầu NK thiết bị, đồng thời tạo pháp lý và thị trường tiêu thụ ngoại tệ lành mạnh cho nhà xuất khẩu cũng cần được phát hành thường xuyên. Trái phiếu này cũng là nguồn hàng hoá và công cụ tốt để bổ sung vào TTCK... Các chính sách đều cần hướng tới việc minh bạch về pháp lý và trả lại môi trường của các qui luật thị trường cho TTTC nói chung và TTCK nói riêng.

Phan Nam

DIỄN ĐÀN DOANH NGHIỆP

Các tin tức khác

>   Anh hỗ trợ thị trường vốn Việt Nam (01/07/2009)

>   Giá thép tăng: Lợi bất cập hại (01/07/2009)

>   Yêu cầu thay ba nhà thầu phụ dự án Nhiêu Lộc-Thị Nghè (01/07/2009)

>   Nissan bắt đầu sản xuất ô tô tại Việt Nam (01/07/2009)

>   “Các quỹ đầu cơ đã bóp méo thị trường cà phê” (01/07/2009)

>   Việt Nam đã bắt đầu phục hồi (01/07/2009)

>   Tổ chức Diễn đàn đầu tư VN tại New York (01/07/2009)

>   USAID hỗ trợ triển khai cơ chế một cửa của khu vực ASEAN (01/07/2009)

>   Tiền bồi thường Thủ Thiêm là bao nhiêu? (01/07/2009)

>   Tạm đóng cửa trung tâm nguyên phụ liệu (01/07/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật