Thứ Tư, 01/07/2009 09:39

“Các quỹ đầu cơ đã bóp méo thị trường cà phê”

Giá xuất khẩu cà phê của Việt Nam đã ở mức thấp nhất trong vòng 3 năm qua. Hiệp hội Cà phê  - Ca cao Việt Nam (VICOFA) đang kêu gọi doanh nghiệp cà phê Việt Nam cùng ngồi lại trong một cuộc họp bất thường dự kiến tổ chức trong tuần này để tìm giải pháp đối phó.

Khẳng định giá cà phê giảm mạnh là do tình trạng đầu cơ lũng đoạn thị trường, ông Lương Văn Tự, Chủ tịch VICOFA cũng cho rằng nhiều doanh nghiệp Việt Nam bị đưa "vào tròng" là do hoạt động  thiếu tính chuyên nghiệp, thiếu liên kết.

Ông nhận định thế nào về diễn biến thị trường cà phê thế giới hiện nay?

Thị trường cà phê đang rất bất thường, giá cà phê đã giảm mạnh tới mức chưa từng thấy.

Tại sàn London chỉ trong 2 tuần, giá trị cà phê đã mất gần 240 USD/tấn (tương đương với gần 4,3 triệu đồng). Ngày 13/6/2009, cà phê tại sàn London có giá 1.525 USD/tấn (kỳ hạn giao tháng 7/09) và 1.530 USD/tấn (kỳ hạn giao tháng 9/2009). Ngày 26/6/09, cà phê tại sàn London có giá 1.288 USD/tấn (kỳ hạn giao tháng 7/09) và 1.313 USD/tấn (kỳ hạn giao tháng 9/09).

Giá xuất khẩu cà phê nước ta đã ở mức thấp nhất trong vòng 3 năm qua, ngày 26/6 là 1.195 USD/tấn FOB.

Giá giảm mạnh phải chăng là do cung vượt quá cầu?

Tôi khẳng định, giá cà phê giảm mạnh là do tình trạng đầu cơ lũng đoạn thị trường, hoàn toàn không tuân theo quy luật cung cầu. Các quỹ đầu cơ đã cố tình bóp méo thị trường để kiếm lợi. Suốt tháng trước, họ tung tin giá cà phê sẽ tăng đột biến, khiến cho các doanh nghiệp của Việt Nam đua nhau đầu cơ tích trữ. Nhiều doanh nghiệp vay “nóng” tiền vốn trong ngắn hạn để mua cà phê, nay chịu áp lực buộc phải bán ra thu hồi vốn để trả nợ.

Tháng 6/2009, các quỹ đầu cơ trên sàn London ngừng mua để đẩy giá xuống thấp, và họ lại tung tin rằng giá cà phê từ nay đến cuối năm sẽ tiếp tục giảm mạnh, khiến doanh nghiệp nước ta đã trót tích trữ cà phê nay buộc phải bán ra.

Rất nhiều doanh nghiệp nước ta đã lâm vào tình trạng như vậy và đang phải chịu lỗ 3-4 triệu đồng/tấn cà phê, nhiều doanh nghiệp mất 100 - 500 triệu đồng trong đợt này.

Là quốc gia sản xuất cà phê đứng thứ nhì trên thế giới, vì sao chúng ta lại chịu để cho giới đầu cơ nước ngoài thao túng như vậy, thưa ông?

Đây không phải là lần đầu, mà vấn đề này đã được VICOFA cảnh báo rất nhiều rồi. Tình trạng này từng xảy ra vào tháng 10/2008, gọi là "tháng 10 đen tối", thế nhưng các doanh nghiệp vẫn rất chủ quan, không chịu rút ra bài học. Hoạt động tiêu thụ cà phê của doanh nghiệp vẫn thiếu tính chuyên nghiệp, thiếu liên kết.

Thế giới có 2 sàn cà phê lớn nhất đó là London (Anh) và New York (Mỹ). Hiện chưa có doanh nghiệp VIệt Nam nào bán cà phê tại sàn New York, và chỉ có một số ít tham gia một vài lô trên sàn London. Giao thương cà phê nước ta chủ yếu theo cách thức: các doanh nghiệp nước ngoài (trong số đó hiện có 12 doanh nghiệp nước ngoài nằm ở Việt Nam) mua cà phê Việt Nam rồi đem lên sàn London bán đi bán lại kiếm lợi. Mua cà phê Việt Nam chủ yếu là doanh nghiệp của châu Âu, nên giá xuất khẩu cà phê Việt Nam được căn cứ trên giá bán của sàn London và tính theo cách thức trừ lùi (hiện tại lấy giá tại sàn London trừ đi 120 USD).

Các doanh nghiệp Việt Nam thiếu sự liên kết, tự cập nhật thông tin thị trường nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng biết sàng lọc thông tin. Đây là nhược điểm mà giới đầu cơ nước ngoài khai thác để chi phối, họ liên tục đưa ra những dự báo làm nhiễu loạn thị trường, để đưa các doanh nghiệp nước ta “vào tròng”.

Bên cạnh hiện trạng nhiều doanh nghiệp đang bị thua lỗ vì trót tích trữ cà phê, một bộ phận doanh nghiệp lại gặp phải vấn đề trái ngược do bán hàng giao sau, bán hàng giao xa. Hiện tại rất nhiều hợp đồng ký giao hàng vào tháng 9/2009, nhưng các doanh nghiệp đó vẫn chưa có chân hàng trong tay, trong khi giá cà phê xuống quá thấp nên hầu hết nông dân đã ngừng bán ra.

Sản lượng thu hoạch cà phê của cả nước năm nay khoảng 1 triệu tấn, nhưng đến nay chúng ta đã tiêu thụ được 680 nghìn tấn, như vậy chỉ còn tồn hơn 300 nghìn tấn. Chúng ta đang phải đối mặt với nghịch lý là tổng các hợp đồng đã ký giao xa của các doanh nghiệp đến thời điểm này đã vượt quá số lượng cà phê hiện còn trên cả nước.

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cà phê lâm vào cảnh khó khăn do hợp đồng đã ký trước đây đang vào thời điểm giao hàng nhưng thiếu hàng thu gom. Để tránh bị kiện do phá vỡ hợp đồng vì thiếu hàng xuất đúng thời hạn, nhiều doanh nghiệp đã chuyển thời hạn giao hàng của hợp đồng tháng 7/2009 sang tháng 9/2009 và phải chịu mức phí 35 USD/tấn; còn nếu chuyển tới thời điểm thu hoạch cà phê vụ mới (tháng 11/09) thì phải chịu mức phí lên tới 50 USD/tấn.

Ngành cà phê nước ta đang rơi vào vòng nghịch lý, đầu vụ đua nhau xuất khẩu, giá bị dìm xuống thấp, đến kết thúc vụ lại không còn hàng.

Các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê nước ta cần phải làm gì để vượt qua những khó khăn hiện nay, theo ông?

Giải pháp tối ưu hiện nay là các doanh nghiệp cà phê Việt Nam phải ngừng ngay hoạt động mua vào và bán ra, ngừng ký mọi hợp đồng xuất khẩu. Tuy nhiên giải pháp này không thể thực thi được, vì các doanh nghiệp nước ta rất thiếu đoàn kết.

Bởi vậy, VICOFA khuyến cáo các doanh nghiệp 4 vấn đề. Một, các doanh nghiệp phải thẩm định kỹ đối tác, không nên bán hàng cho đối tác là các nhà đầu cơ, tránh để họ dìm giá. Hai, không nên ký hợp đồng giao hàng quá xa khi chưa có chân hàng ở trong tay. Ba là, các doanh nghiệp phải liên kết thông tin cho nhau về vấn đề giá cả, tính cách trừ lùi giá hợp lý. Bốn là, với những doanh nghiệp đã trót lâm vào tình thế khó khăn, cần phải có biện pháp xử lý khôn khéo và kịp thời, mục tiêu phải cắt được lỗ.

Trước đây, Nhà nước đã từng mua tích trữ cà phê để điều tiết thị trường, nhưng do mua vào bị lỗ nhiều, nên đã bỏ biện pháp này từ nhiều năm nay. Hiệp hội đang kiến nghị nhà nước mua tích trữ cà phê hàng năm để tránh rủi ro cho thị trường.

Tuần này, VICOFA cũng sẽ tổ chức cuộc họp bất thường với các doanh nghiệp để bàn các biện pháp đối phó với tình trạng khó khăn hiện nay.

Khôi - Phương

TBKTVN

Các tin tức khác

>   Việt Nam đã bắt đầu phục hồi (01/07/2009)

>   Tổ chức Diễn đàn đầu tư VN tại New York (01/07/2009)

>   USAID hỗ trợ triển khai cơ chế một cửa của khu vực ASEAN (01/07/2009)

>   Tiền bồi thường Thủ Thiêm là bao nhiêu? (01/07/2009)

>   Tạm đóng cửa trung tâm nguyên phụ liệu (01/07/2009)

>   Nhập khẩu ôtô: Liệu có gian lận về giá ? (01/07/2009)

>   Khởi động phân xưởng quan trọng nhất của NMLD Dung Quất (01/07/2009)

>   Hôm nay 1-7, bắt đầu kiểm soát nguồn gốc trái cây XNK (01/07/2009)

>   Dự án 8,2 tỷ USD mở bán khu nhà ở vào tháng 8 tới (01/07/2009)

>   Xuất khẩu gạo sẽ đạt mức kỷ lục (01/07/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật