Bất ổn kinh tế vĩ mô, lạm phát vẫn rình rập
Nếu 145.000 tỷ đồng tiền kích cầu không được sử dụng đúng, chính sách tiền tệ không thận trọng thì chắc chắn, tái lạm phát sẽ xảy ra - ông Đỗ Thức, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, nhấn mạnh sáng 1/7.
Cảnh báo “cung tiền” đã tăng mạnh
Tại cuộc họp báo công bố số liệu kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2009 diễn ra sáng nay, các quan chức của Tổng cục Thống kê khá thận trọng khi bình luận về kịch bản tương lai nền kinh tế 6 tháng tới.
Trong đó, những rủi ro làm xấu đi nền kinh tế đã được thẳng thắn chỉ ra. Tổng cục Thống kê khẳng định, cân đối kinh tế vĩ mô vẫn chưa thật vững chắc.
Điểm đặc biệt hơn các năm trước là khả năng chịu tác động “ngược” của gói kích cầu và hệ quả của việc giảm thu ngân sách Nhà nước.
Dự toán năm nay, thu ngân sách Nhà nước là 390.000 tỷ đồng, giảm 9.000 tỷ đồng so với năm 2008.
Ông Bùi Bá Cường, Vụ trưởng Vụ Tài khoản quốc gia, hé mở: “Trong khi đó, theo tính toán của Bộ Tài chính và Bộ KH-ĐT, chúng ta sẽ khó có khả năng đạt được con số này mà thực tế, thu ngân sách Nhà nước có thể sẽ giảm đi từ 30.000-60.000 tỷ đồng so với con số dự toán.
Vừa qua, Nhà nước đã phải áp dụng hàng loạt biện pháp miễn, giảm, hoãn, giãn thuế… nên thu ngân sách sẽ vô cùng khó khăn.”
Nguồn thu ngân sách thì eo hẹp song do cần kích cầu, Quốc Hội đã nâng mức bội chi ngân sách là 7% GDP.
Về điểm này, ông Đỗ Thức, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, lo lắng: “Chưa năm nào, bội chi ngân sách lại được dự tính lớn đến thế. Trước đây, bội chi ngân sách chỉ 4% hoặc dưới 5% GDP. Điều này có nghĩa là, chúng ta sẽ phải mất một thời gian dài để kéo mức bội chi ngân sách trở lại dưới 5% GDP.”
Theo ông Đỗ Thức, điểm đáng lo ngại nhất là cung tiền và dư nợ tín dụng trong 6 tháng đầu năm nay đã khá lớn. Ông này nhận xét: “GDP 6 tháng đầu năm tăng theo giá thực tế là 12,4%. Cả cung tiền và tổng dư nợ tín dụng trong 6 tháng qua đã tăng vượt tốc độ này của GDP. Cung tiền chỉ trong có nửa đầu năm đã tăng tới 16-17% so với cùng kỳ năm 2008".
Trong khi đó, ở một nền kinh tế bình thường, cung tiền hoặc dư nợ tín dụng chỉ nên tăng 20-25% so với cùng kỳ năm trước và đồng thời, cung tiền nên thấp hơn tốc độ tăng của GDP.
“Tốc độ tăng hiện nay đã đến ngưỡng cần phải kiểm soát để tránh cơn sốt lạm phát của năm trước”, ông Thức nói.
Nhập siêu lớn và giá cả có thể tăng cao
Nhấn mạnh về yếu tố không bền vững của cân đối kinh tế vĩ mô, ông Bùi Bùi Bá Cường, Vụ trưởng Vụ Tài khoản quốc gia, nói: “Một bức tranh cũ tiếp tục tái diễn, đó là cán cân thương mại cả năm nay sẽ vẫn thâm hụt sâu.”
“Nhập siêu cả năm nay vào khoảng 10 tỷ USD. 6 tháng đầu năm, nhập siêu là 2,1 tỷ USD nhưng khi loại trừ việc tái xuất vàng thì nhập siêu là 4,6 tỷ USD. Mức nhập siêu ngày càng lớn khi mà quí I, chúng ta chỉ nhập siêu có 1 tỷ USD thì sang quí II, chúng ta đã nhập siêu tới con số 3,6 tỷ USD,” ông Cường nhấn mạnh.
Lý giải về khả năng chỉ số giá tiêu dùng sẽ còn tăng cao, bà Trần Thị Hằng, Vụ trưởng Vụ Thương mại giá cả, Tổng cục Thống kê, phân tích, tháng 6 năm nay so với tháng 12/2008, chỉ số giá tiêu dùng tăng 2,68%, là mức thấp nhất trong ba năm liên tục vừa qua.
Tuy nhiên, khi có yêu cầu phát triển sản xuất thì nhu cầu này sẽ phải có tác động đến giá hàng hoá.
Nền kinh tế thế giới đã xuất hiện những điểm sáng và do đó, xuất hiện nhu cầu sử dụng nguyên vật liệu, vì thế giá cả hàng hoá nguyên vật liệu cũng sẽ tăng. So với đầu năm, giá dầu thô cũng nhích lên và sẽ ảnh hưởng tới các mặt hàng khác.
Đặc biệt, 5 lần tăng giá xăng từ đầu năm đến nay chắc chắn sẽ tác động trực tiếp tới chỉ số CPI, đồng thời sẽ “ngấm dần” vào giá hàng hoá khác.
Với tất cả các lý do trên, Tổng cục Thống kê cho rằng, nguy cơ tái lạm phát vẫn rình rập. Chúng ta sẽ phải kiểm soát làm sao để lạm phát chỉ là 1 con số. Năm nay, Chính phủ đã có kinh nghiệm điều hành chính sách chống lạm phát nên có thể hi vọng, sẽ không xảy ra tình trạng như năm 2008.
Tốc độ tăng trưởng GDP 6 tháng năm nay tăng 3,9% so với 6 tháng năm 2008, thấp hơn 6 tháng năm 1999.
Quý I, GDP chỉ đạt 3,1%, là tốc độ tăng thấp nhất trong 10 năm trở lại đây, bằng 41% tốc độ GDP của quý I/2008. Tuy nhiên, sang quý II, ước tính GDP tăng 4,5%, bằng 79% tốc độ tăng GDP quí II/2008 và cao hơn quý I năm nay là 1,4 điểm phần trăm.
Nếu giữ được đà tăng trưởng như hiện nay thì GDP cả nước năm nay sẽ đạt được 5% và lạm phát sẽ dưới 10% (so với tháng 12/2008).
Để đạt được mục tiêu này, 6 tháng cuối năm nay, GDP cả nước sẽ phải đạt 5,9%.
Theo dự báo của Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội, chỉ số CPI cả năm 2009 sẽ ở mức khoảng 7,51%. Tuy nhiên, cũng không loại trừ khả năng lạm phát có thể ở mức cao hơn nếu những biện pháp kiểm soát giá không được chú ý.
Cùng với nguyên nhân tăng giá nhiên liệu đầu vào thì ảnh hưởng từ gói kích cầu, tăng lương... cũng sẽ khiến nguy cơ lạm phát có thể tăng cao hơn. Đến nay, đã có hơn 330.000 tỷ đồng được tung ra để hỗ trợ nền kinh tế thông qua việc giải ngân đầu tư công và hỗ trợ lãi suất.
Ngoài ra, việc tăng lương mới cũng sẽ đưa một lượng tiền hàng nghìn tỷ đồng đi vào lưu thông... Hàng nghìn tỷ đồng khác để thực hiện các gói kích cầu và an sinh xã hội, trong khi sản xuất trong nước vẫn chưa phục hồi có thể dẫn đến việc mất cân đối tiền - hàng và giá cả sẽ tăng.
Bên cạnh đó, nếu chính sách của Chính phủ trong việc mở rộng và củng cố thị trường trong nước đúng hướng sẽ tạo điều kiện cho tiêu thụ sản phẩm, các mặt hàng nhà ở và vật liệu xây dựng sẽ tăng sau khi Chính phủ đẩy mạnh thực hiện kích cầu đầu tư, cùng với nhu cầu tiêu dùng cuối năm tăng cao cũng là nguyên nhân khiến giá cả tăng lên.
Phạm Huyền
VIETNAMNET
|